Báo Hậu Giang: Điểm tin

16/01/2024 | 06:00 GMT+7

Mời Quý độc giả theo dõi tin tức sáng nay: Hà Nội và Hội An lọt top điểm đến hàng đầu thế giới 2024; Hai trọng tài Việt Nam được bổ nhiệm tại Vòng loại thứ 3 Olympic Paris 2024; 60% việc làm toàn cầu có thể bị ảnh hưởng do AI; Seventeen soán ngôi BTS, trở thành nhóm nhạc nam nổi tiếng nhất; 5 tỉ người trên thế giới đang nghèo đi.

Hà Nội và Hội An lọt top điểm đến hàng đầu thế giới 2024

Giải thưởng Travelers’ Choice Best of the Best Destinations (Điểm đến tốt nhất trong số những điểm đến tốt nhất do du khách bình chọn) của nền tảng du lịch trực tuyến hàng đầu thế giới Tripadvisor đã vinh danh Hà Nội và Thành phố Hội An (Quảng Nam) ở vị trí thứ 4 và 10 trong 25 điểm đến hàng đầu thế giới 2024.

Hai trọng tài Việt Nam được bổ nhiệm tại Vòng loại thứ 3 Olympic Paris 2024

Mới đây, FIFA đã có thư bổ nhiệm hai nữ trọng tài của Việt Nam tham gia điều hành Vòng loại thứ 3 Olympic Paris 2024

Theo đó, trọng tài Lê Thị Ly (TP. Hồ Chí Minh) và trợ lý trọng tài Hà Thị Phượng (Hải Phòng) sẽ tham gia điều hành tại Vòng loại thứ 3 Olympic Paris 2024.

Hai nữ trọng tài và trợ lý trọng tài này sẽ tham gia điều hành trận đấu giữa ĐT Nữ CHDCND Triều Tiên – ĐT nữ Nhật Bản diễn ra vào ngày 24/2/2024 tại Pyongyang, Triều Tiên. Đây là trận đấu giữa 2 đội tuyển thuộc top mạnh nhất tại khu vực châu Á, đội tuyển bóng đá nữ Nhật Bản còn nằm trong top những đội tuyển nữ mạnh nhất thế giới. Vì vậy, việc trọng tài Lê Thị Ly được FIFA tin tưởng trao cơ hội là trọng tài chính điều hành trận đấu này là điều vinh dự và dần khẳng định năng lực của các trọng tài Việt Nam tại khu vực.

Trọng tài Lê Thị Ly là một trong 3 trọng tài FIFA tại Việt Nam, đồng thời là trọng tài cấp cao của LĐBĐ châu Á (AFC), thường xuyên được bổ nhiệm điều hành các giải đấu và trận đấu chính thức. Trong năm 2023, trọng tài Lê Thị Ly cũng đã được bổ nhiệm làm nhiệm vụ tại Vòng loại 1 Giải U20 nữ châu Á (từ 6/3 đến 13/3) tại Thái Lan, SEA Games 32 tại Camphuchia (từ ngày 1/5 đến 16/5), Vòng loại 2 Giải U20 nữ châu Á tại Myanmar (từ 3/6 đến 11/6), giải bóng đá U19 vô địch Đông Nam Á (từ ngày 2/7 đến 16/7) tại Indonesia, Asian Game (từ 18/9 đên 7/10) tại Wenzhow, Vòng loại 2 Olympic Paris 2024 (từ 23/10 đến 2/11) tại Trung Quốc, giảibóng đá nữ vô địch các CLB châu Á (từ ngày 3/11 đến 13/11) tại Chonburi – Thailand

60% việc làm toàn cầu có thể bị ảnh hưởng do AI

Theo một nghiên cứu công bố trước thềm Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết, 40% việc làm toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi AI. Con số này thậm chí có thể lên tới 60% ở các nền kinh tế tiên tiến. Giám đốc điều hành Quỹ tiền tệ quốc tế Kristalina Georgieva đặc biệt lưu ý 2 thách thức mà AI đặt ra. Thứ nhất là sự khác biệt giữa những công việc sẽ được bổ sung và những công việc có thể biến mất do AI. Thứ 2 là bằng cách nào AI có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng trong một quốc gia và giữa các quốc gia.

“Nếu chúng ta nắm bắt được lợi ích của AI nhiều hơn thông qua tính bổ sung và sau đó nâng cao năng suất thì thu nhập quốc dân trên thực tế có thể tăng lên. Nói cách khác, việc phân phối lợi ích của AI là cần phải nâng tất cả lên thuyền. Nếu không bất bình đẳng sẽ gia tăng và do đó có thể phá vỡ kết cấu xã hội theo cách rất có hại cho thế giới. Vì vậy, chúng tôi đặc biệt muốn nhấn mạnh tới tầm quan trọng của mạng lưới an toàn xã hội trong thế giới trí tuệ nhân tạo. Bạn phải có khả năng hỗ trợ những người rơi khỏi vách đá vì công việc của họ bị xóa sổ”, bà Kristalina Georgieva nói.

AI đã trở thành chủ đề nóng tại Diễn đàn kinh tế thế giới năm ngoái khi ChatGPT gây bão trên toàn thế giới. Kể từ đó, việc nâng cấp công nghệ AI đã mở rộng việc sử dụng các hệ thống và chatbot AI, khiến chúng trở nên phổ biến hơn và thúc đẩy đầu tư lớn. Theo ước tính vào tháng 3/2023 của các nhà kinh tế Goldman Sachs, mặc dù nơi làm việc có thể thay đổi, nhưng việc áp dụng rộng rãi AI cuối cùng có thể giúp tăng năng suất lao động và thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 7% mỗi năm trong khoảng thời gian 10 năm.

Seventeen soán ngôi BTS, trở thành nhóm nhạc nam nổi tiếng nhất

Sau nhiều tháng giữ vững danh hiệu nhóm nhạc nam nổi tiếng nhất, BTS đã phải nhường lại vị trí này cho các chàng trai Seventeen.

Vừa qua, Viện nghiên cứu danh tiếng thương hiệu Hàn Quốc đã công bố bảng xếp hạng giá trị thương hiệu của các nhóm nhạc nam K-pop trong tháng 1.

Lần đầu tiên sau 67 tháng, vị trí đầu bảng được thay đổi từ BTS thành Seventeen.

Bảng xếp hạng danh tiếng của các nhóm nhạc nam K-pop được dựa trên việc phân tích mức độ phủ sóng trong hoạt động của họ ở các khía cạnh: tương tác của người hâm mộ, giá trị thương hiệu, hoạt động truyền thông, hoạt động cộng đồng...

Seventeen xếp vị trí thứ nhất với tổng số điểm thương hiệu là 6.157.072. Vị trí thứ hai thuộc về NCT với 4.064.501 điểm, còn BTS ở vị trí thứ ba với 3.677.975 điểm.

Trong năm vừa qua, Seventeen đã hoạt động năng nổ và nhận về nhiều thành tích, gần đây nhất, nhóm tham gia chương trình truyền hình thực tế mới mang tên Nana Tour with Seventeen.

BTS đã giữ vững vị trí đầu bảng trong suốt 67 tháng liên tiếp nhưng sau khi các thành viên nhập ngũ, điểm thương hiệu của nhóm đã giảm 47,06% so với tháng trước.

Nhiều ý kiến cho rằng lý do việc tụt hạng của BTS trên bảng xếp hạng danh tiếng là điều dễ hiểu.

Bởi hiện tại tất cả các thành viên của BTS đều đang thực hiện nghĩa vụ quân sự nên không thể xuất hiện tại các sự kiện hay trên mạng xã hội, họ cũng không có tham gia các hoạt động quảng bá liên quan.

5 tỉ người trên thế giới đang nghèo đi

Báo cáo mới nhất của Oxfam International cho biết 5 tỷ người trên thế giới đang nghèo đi, trong khi 5 tỷ phú lại giàu gấp đôi trong 3 năm.

Tổ chức từ thiện Oxfam International (một liên minh quốc tế gồm 21 tổ chức hoạt động ở hơn 85 quốc gia) hôm 14/1 công bố báo cáo thường niên về chênh lệch giàu nghèo, trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tổ chức tại Davos (Thụy Sĩ). Theo đó, kể từ năm 2020, tài sản của 5 tỷ phú giàu nhất thế giới đã tăng 114% lên 869 tỷ USD.

5 người này gồm CEO Tesla Elon Musk, ông chủ LVMH Bernard Arnault, Jeff Bezos của Amazon, đồng sáng lập Oracle Larry Ellison và tỷ phú đầu tư Warren Buffett. Oxfam cho rằng nếu xu hướng này tiếp tục, thế giới có thể ghi nhận người có tài sản nghìn tỷ USD đầu tiên trong một thập kỷ tới.

Trong khi đó, gần 5 tỷ người trên thế giới lại nghèo đi, do lạm phát, chiến tranh và biến đổi khí hậu. Với tốc độ hiện tại, thế giới sẽ phải mất gần 230 năm nữa mới xóa được nghèo.

Oxfam cho biết gần 800 triệu công nhân trên thế giới ghi nhận lương trong 2 năm qua không theo kịp lạm phát. Điều này khiến trung bình, họ mất 25 ngày thu nhập mỗi năm. Trong 1.600 doanh nghiệp lớn nhất thế giới, chỉ 0,4% công khai cam kết đảm bảo lương của công nhân đủ sống, đồng thời có hỗ trợ cho người lao động.

Báo cáo cũng cho biết trong 10 công ty niêm yết lớn nhất thế giới, 7 doanh nghiệp có CEO hoặc một cổ đông lớn là tỷ phú. Hôm 15/1, họ kêu gọi các chính phủ kiềm chế quyền lực của các doanh nghiệp, bằng cách chia nhỏ công ty, đánh thuế lợi nhuận bất thường, thuế tài sản và đưa ra nhiều biện pháp về kiểm soát cổ phần.

Oxfam ước tính 148 doanh nghiệp hàng đầu đã thu về 1.800 tỷ USD lợi nhuận, tăng 52% trong 3 năm qua. Điều này giúp các cổ đông được trả khoản tiền khổng lồ, dù hàng triệu công nhân đối mặt với khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

Bảo Nam tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>