Trồng bầu làm nhạc cụ

09/04/2019 | 09:07 GMT+7

Những chiếc kèn làm từ trái bầu khô có phần cổ khá dài được người Busoga ở Uganda sử dụng để tạo ra âm thanh và kết hợp với các nhạc cụ khác để trình diễn Bigwala - một loại hình ca, múa kết hợp âm nhạc diễn ra ở các sự kiện quan trọng trong nhiều thế kỷ của người Busoga.

Giống bầu dùng làm kèn có cổ dài hiện nay còn ít người trồng.

Nhạc Bigsawa dùng để chào đón và làm vui lòng các vị khách, thường xuất hiện trong các lễ nghi hoàng gia. Một trong những điều đặc biệt về Bigwala là những chiếc kèn - nhạc cụ chính khi biểu diễn được làm từ những trái bầu. Tên gọi Bigwala cũng lấy từ tên của loại nhạc cụ này. Thông thường, nhóm chơi kèn bầu có từ 5 người trở lên cùng hòa âm để tạo nên giai điệu của một bài hát. Âm thanh của nó vang lên đầu tiên khi biểu diễn, sau đó mới là trống, cuối cùng ca sĩ và vũ công bắt đầu phần trình diễn của mình.

Để làm kèn Bigwala, người ta trồng một giống bầu đặc biệt có phần cổ khá dài khi đạt kích cỡ trưởng thành. Sau khi thu hoạch những trái bầu được hun khói trong 1 tháng. So với phơi nắng, hun khói làm trái bầu khô từ từ và bền hơn. Ngoài làm nhạc cụ, quả bầu được người Busoga dùng để chứa nước, đựng thức ăn.

Hiện nay, tại Uganda chỉ còn 3 người vừa biết cách làm loại kèn bầu, vừa chơi nhạc và họ đều đã lớn tuổi. Để giữ gìn âm nhạc truyền thống, nhiều hoạt động xã hội và buổi biểu diễn ngoài trời được tổ chức để tăng nhận thức và khuyến khích người dân học nhạc truyền thống, đặc biệt là giới trẻ. Một khó khăn nữa khi lan rộng và phát triển dòng nhạc này là những quả bầu làm kèn khá hiếm, ngày càng ít người trồng. Vì vậy, khi mới học, trẻ em phải dùng một loại kèn thay thế được làm từ đu đủ. Để giải quyết vấn đề này, các tổ chức trong nước khuyến khích những phụ nữ trồng giống bầu này để làm nhiều thêm các nhạc cụ mới.

THIÊN NGỌC (theo Atlas Obscura)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>