Thúc đẩy nông nghiệp vùng ĐBSCL phát triển bền vững, đa giá trị

07/09/2022 | 08:38 GMT+7

(HG) - Sáng ngày 6-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kết hợp Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tại điểm cầu Hậu Giang, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cùng lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh tham dự.

Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL theo hướng bền vững - an toàn - thịnh vượng.

Hội nghị đi sâu các tham luận nỗ lực chuyển đổi bền vững đồng bằng sông Mekong, chuyển đổi nông nghiệp vùng ĐBSCL. Quản trị nước trong bối cảnh chuyển đổi nông nghiệp bền vững và khả thi vùng ĐBSCL. Tổ chức lại sản xuất cho nông dân gắn với xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn… Các đại biểu, diễn giả cho rằng cần xây dựng các chính sách đặc thù để ưu tiên phát triển nông nghiệp bền vững cho vùng ĐBSCL, các chính sách đặc thù phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã. Tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng giao thông, logictics. Tập trung hơn nguồn lực đầu tư cho hạ tầng ĐBSCL để làm nền tảng thu hút đầu tư kinh doanh.

Ông Trương Cảnh Tuyên (đứng), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, phát biểu tại Hội nghị chuyển đổi nông nghiệp vùng ĐBSCL.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, Hậu Giang xác định mục tiêu chuyển đổi nông nghiệp bền vững là gia tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập của nông dân trên cùng đơn vị diện tích và bảo vệ môi trường. Tỉnh đề xuất các tổ chức quốc tế, chuyên gia, nhà khoa học kết hợp cùng địa phương nghiên cứu đưa ra các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đó tuyên truyền, vận động người dân tham gia. Đẩy mạnh hơn nữa chuyển đổi số nông nghiệp.

Theo Bộ NN&PTNT, ĐBSCL là vùng kinh tế năng động, có mức tăng trưởng GDP nông nghiệp cao hơn trung bình cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho cả nước và thế giới. Đây là vùng xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp lớn; tổng kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ lực của vùng khoảng 8,43 tỉ USD, chiếm 20% cả nước, xuất khẩu gạo chiếm 80%; xuất khẩu cá tra chiếm đến 95%; xuất khẩu tôm chiếm 60% và xuất khẩu trái cây chiếm 65%.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, đa giá trị. Đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, an toàn thịnh vượng, phát triển các nông sản có giá trị kinh tế và giá trị dinh dưỡng cao. Thúc đẩy phát triển cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp; xây dựng một nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái. Phát triển các trung tâm logictics, trung tâm liên kết của vùng của cả nước.

Tin, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>