65% doanh nghiệp được khảo sát có doanh thu giảm do tác động hạn mặn

22/10/2022 | 20:55 GMT+7

(HGO) - Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ vừa phối hợp với Quỹ châu Á, Quỹ UPS tổ chức Diễn đàn “Tác động hạn mặn đến phát triển kinh tế và doanh nghiệp ĐBSCL - Các giải pháp thích ứng”.

73,5% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn.

Bà Nguyễn Thị Phương Linh, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết, theo khảo sát 113/1.433 doanh nghiệp lĩnh vực nông, lâm, thủy sản ở ĐBSCL, đa phần doanh nghiệp cho rằng hoạt động của họ bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn nói chung trong 5 năm gần đây. Cụ thể, 73,5% số doanh nghiệp được khảo sát cho rằng bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn. Chỉ có 26,5% không bị ảnh hưởng bởi hạn mặn.

Bà Nguyễn Thị Phương Linh, Phó Giám đốc VCCI Cần Thơ, cho biết đa phần doanh nghiệp cho rằng hoạt động của họ bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn.

Do ảnh hưởng tới nguồn nguyên liệu, tác động tới chất lượng nguyên liệu, thiếu hụt nguyên liệu dẫn đến chi phí sản xuất doanh nghiệp tăng. Khi chi phí tăng thì doanh thu giảm. 65% doanh nghiệp doanh thu giảm, trong đó 9% giảm doanh thu rất nhiều; chi phí sản xuất 72% doanh nghiệp tăng; các vấn đề nguyên liệu đầu vào có 50% doanh nghiệp bị tác động tiêu cực.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Linh, khi được hỏi, có 83,2% doanh nghiệp cho rằng có tiến hành các phương án để thích ứng. Có trên 51% các doanh nghiệp cải thiện vận hành sử dụng hiệu quả nguồn nước và năng lượng. Đây là đầu vào rất quan trọng. Mặc dù có hành động để thích ứng nhưng chiến lược dài hạn về đầu tư đối với vấn đề này khá là ít. Trên 60% doanh nghiệp có xây dựng chiến lược thích ứng, nhưng đầu tư cho hạn mặn tỷ lệ rất nhỏ. Qua khảo sát, nhóm nghiên cứu phát hiện vấn đề lớn nhất là khoảng cách về chính sách. Đó là việc Chính phủ rất nỗ lực ban hành những chính sách hỗ trợ cộng đồng, hỗ trợ doanh nghiệp nhưng bản thân doanh nghiệp lại không được tiếp cận hoặc tiếp cận ít, thậm chí không có cơ hội tham gia. Theo kết quả khảo sát có tới 68% doanh nghiệp trả lời là không. Gói các doanh nghiệp được nhận nhiều nhất là thông tin, chủ yếu về mặc thông tin kịp thời, còn về gói tài chính, giảm thuế rất ít…

Thứ nhất, do không nắm được chính sách, truyền tải thông tin chính sách còn bị đứt gãy, thiếu một tổ chức đứng ra để liên kết các tác nhân lại với nhau nên các doanh nghiệp đánh giá hiệu quả chính sách thấp. Nguyên nhân thứ hai rất quan trọng là do nhận thức, nhìn nhận của doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp cho rằng vai trò giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) là của cơ quan Nhà nước, cấp Trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế nên họ không quan tâm, không muốn đóng góp. Ngoài ra, nội bộ của doanh nghiệp cũng như sự bền vững của doanh nghiệp thì doanh nghiệp chưa có ưu tiên cho chiến lược hành động về thích ứng BĐKH…

VCCI Cần Thơ cho rằng, sự tham gia của doanh nghiệp ĐBSCL trong thích ứng và chủ động phòng chống thiên tai là cấp thiết và quan trọng, bởi lẽ doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đồng thời là tác nhân chính trong chuỗi sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông, thủy sản. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tập hợp để lên tiếng nói, tham gia trong xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội mà vùng ĐBSCL hầu như bị tác động toàn diện bởi BĐKH…

Tin, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>