Thể thao Việt Nam tiếp diễn với nỗi lo Covid-19

08/12/2020 | 08:49 GMT+7

Mọi người đều nghĩ rằng, năm 2020 sẽ khép lại một cách êm ấm để sẵn sàng cho các giải đấu mới, dù đã trải qua nhiều khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19. Nhưng khi Covid-19 đột ngột quay lại, đã khiến các kế hoạch cuối năm từ tập luyện đến thi đấu của thể thao nước nhà lập tức đảo lộn.

Thể thao Việt Nam đang nặng nỗi lo khi Covid-19 tái bùng phát.

Tuyển Việt Nam đang hội quân chuẩn bị cho vòng loại thứ 2 World Cup 2022, với chuyến làm khách tại Malaysia. Cơ bản, đây là dịp để ông Park Hang-seo kiểm tra, đánh giá lực lượng sau gần một năm. Do điều kiện khách quan, đội vẫn không thể tìm được “quân xanh” quốc tế để rèn quân. Bắt buộc, tuyển Việt Nam phải đấu tập với U22 Việt Nam vào ngày 27-12 trên sân vận động Thống Nhất. Do Covid-19, Tổng Cục Thể dục thể thao đã có công văn gửi Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh tạm dừng tổ chức các giải thể thao thành tích cao trong hệ thống quốc gia; không cử đội tuyển tham dự những giải đấu trong tháng 12... Nên việc đấu tập liệu có diễn ra theo kế hoạch hay không vẫn khó trả lời?

Đồng thời, Liên đoàn bóng đá châu Á xác định, đến ngày 15-6-2021 các trận đấu còn lại của vòng loại thứ 2 World Cup 2022 phải được hoàn thành. Nếu trong tháng 3-2021 vẫn còn tình trạng dịch Covid-19 ở châu Á, thể thức thi đấu của vòng loại sẽ có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế. Việc đổi mới thể thức và không có kế hoạch thi đấu cụ thể sẽ gây nên những khó khăn nhất định trong chuẩn bị nguồn lực, buộc tuyển bóng đá Việt Nam phải đối mặt.

Còn Giải bóng đá nữ vô địch quốc gia - cúp Thái Sơn Bắc 2020 thậm chí phải đổi địa điểm thi đấu. Khi 3 vòng cuối thay vì diễn ra tại sân Thống Nhất đã được chuyển toàn bộ xuống sân Bình Dương. Quyết định này khiến những đội bóng nhọc nhằn trong quãng đường di chuyển, phát sinh chi phí ăn uống, thuê khách sạn, ít nhiều ảnh hưởng đến chiến thuật, kế hoạch tập dợt...

Để kịp thời ứng phó với những tác động của Covid-19, Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã ban hành văn bản đề nghị kể từ ngày 5-12, các giải đấu ngoài chuyên nghiệp 2020 sẽ không mở cửa đón khán giả. Ban tổ chức giải cần đảm bảo tăng cường công tác y tế, phòng, chống dịch Covid-19 cho cầu thủ và thành viên đội. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các hướng dẫn phòng, chống dịch. Khi di chuyển đến sân khách, cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan y tế địa phương, thường xuyên kiểm tra, rà soát phương tiện, nơi lưu trú…

Ngoài ra, nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng đã cho tạm dừng các hoạt động, sự kiện tập trung đông người không cần thiết. Khiến nhiều giải đấu sẽ bị hủy hoặc dời sang năm 2021, gây nên những tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến ngành thể thao. Bởi khoảng thời gian còn lại theo kế hoạch sẽ có khá nhiều giải đấu diễn ra để khép lại năm cũ, tạo nền tảng, tìm nguồn lực cần thiết chuẩn bị cho các mục tiêu dài hơi trong năm mới.

Thêm lần nữa, Covid-19 lại mang đến nỗi lo lớn cho thể thao nước nhà. Những người làm công tác thể thao vẫn đang cố gắng, nỗ lực từng ngày để trải qua một năm 2020 đầy biến động, khó khăn vì Covid-19 và điều hiện tại cần là chờ đợi. Ban huấn luyện và vận động viên vẫn mang tâm thế chuẩn bị sẵn sàng thể lực, kỹ thuật đảm bảo hướng tới thành tích tốt ở các giải đấu quan trọng khi tình hình Covid-19 được kiểm soát ổn định.

HỒNG NHUNG tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>