Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách

17/08/2023 | 09:37 GMT+7

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Đến nay, nguồn vốn đã được triển khai đến 100% ấp, tổ tự quản trên địa bàn huyện Châu Thành A, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu tiếp cận với đồng vốn một cách thuận lợi, kịp thời.

Anh Trần Ngọc Luận, ở ấp Trường Phước A, rất phấn khởi khi được vay 100 triệu đồng để mua phân bón cho lúa.

Vốn tín dụng giúp nhiều hộ thoát nghèo

Cho đến nay, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Châu Thành A đạt trên 433 tỉ đồng. Thông qua các chương trình tín dụng đã giúp cho 74.978 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho 14.537 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho trên 3.508 lao động, giúp cho 4.190 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, hỗ trợ xây mới và cải tạo 33.622 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 1.259 ngôi nhà cho hộ nghèo, hộ sống trong vùng thường xuyên ngập lũ.

Ông Nguyễn Văn Vũ, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Châu Thành A, cho biết: Trong thời gian qua, nguồn vốn cho vay trên địa bàn huyện không ngừng tăng trưởng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Cơ cấu tăng trưởng nguồn vốn có sự chuyển dịch từ nguồn vốn Trung ương sang nguồn vốn địa phương, nhất là sự tăng lên đáng kể của nguồn vốn ngân sách huyện ủy thác qua NHCSXH đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện trong triển khai các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, UBND huyện đã cân đối ngân sách chuyển trên 7,1 tỉ đồng sang Phòng giao dịch NHCSXH huyện để bổ sung nguồn vốn cho vay đáp ứng nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục tiêu hàng năm của huyện về giảm nghèo nhanh và bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã và đang triển khai thực hiện 20 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Trung ương và địa phương. Có thể thấy rằng, đạt được kết quả như trên bên cạnh nguồn vốn Trung ương và địa phương, trong đó sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, cùng với sự vào cuộc chung tay của các tổ chức hội đoàn thể đã góp phần vì mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Châu Thành A đạt mục tiêu đề ra. 

Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành A, điển hình một số hộ vay vốn đã thoát nghèo bền vững trên địa bàn có hộ ông Lý Sót, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn. Vào thời điểm năm 2010, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo được chính quyền địa phương bình xét, hỗ trợ vay vốn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn với số tiền 5 triệu đồng. Khi được vay vốn ông đã đầu tư vào đóng một cái thùng kem trên xe đi bán dạo. Còn vợ ông ở nhà làm bánh bán tại chợ.

Ngay thời điểm khó khăn đó, con gái lớn ông Sót lại thi đậu vào Trường Đại học Y dược Cần Thơ. Gia đình ông được tiếp tục bình xét và giới thiệu vay vốn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để con được tiếp tục thực hiện ước mơ đến giảng đường đại học. Đến năm 2013, tiếp theo đứa con gái nhỏ đậu vào trường cao đẳng với chuyên ngành Anh văn. Gia đình tiếp tục được vay vốn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Hiện nay 2 con của ông Sót đã có việc làm ổn định, gia đình đã thoát nghèo năm 2016, nguồn vốn vay cũng được các con ông trả tất nợ đúng thời hạn ghi trên hợp đồng vay vốn.

Tiếp tục phát huy nguồn vốn

Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách góp phần quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng thời kỳ của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện. Đồng thời, góp phần thực hiện các mục tiêu về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục các làng nghề, phát triển, mở rộng sản phẩm OCOP trên địa bàn. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người từ 7,2 triệu đồng/người năm 2002 lên 58,8 triệu đồng/người năm 2022, tăng hơn 7 lần so với năm 2002 và giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện cuối năm 2021 xuống còn 0,38%, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện.

Bên cạnh nguồn vốn điều chuyển từ Trung ương cho vay các chương trình tín dụng, để giúp người dân nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tăng thu nhập, UBND huyện Châu Thành A đã thống nhất chuyển nguồn từ ngân sách địa phương 2,5 tỉ đồng ủy thác qua NHCSXH để thực hiện cho vay. Với nguồn này đã cho 103 lượt hộ khách hàng vay vốn để mua vật tư nông nghiệp, qua một thời gian ngắn thực hiện chương trình đã đem lại hiệu quả cho người dân rất nhiều.

Anh Trần Ngọc Luận, ở ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, là hội viên Tổ tiết kiệm và Vay vốn Hội Cựu chiến binh xã, cho biết: “Tôi rất vui vì mấy tháng nay được giới thiệu vay vốn từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện với số tiền 100 triệu đồng để mua phân bón. Mỗi vụ tôi mua phân thuốc trung bình từ 50 triệu đồng trở lên. Thay vì trước đây khi tới vụ lúa tôi mua thiếu và trả theo vụ, cho nên phải chịu thêm khoản lãi với chủ cửa hàng tương đương 1,8%/tháng trên tổng số tiền mua phân bón. Từ khi ngân hàng cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, tôi không còn mua phân thiếu, điều này đã giúp tôi tiết kiệm một năm thêm vài triệu đồng, giúp tôi tăng lợi nhuận từ trồng lúa”.

Còn bà Hà Thị Thúy Tuyên, ở ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, vui mừng cho hay: “Mấy chục năm nay làm ruộng, phần lớn là tôi mua phân bón gối đầu trả theo vụ nên thường cửa hàng cung cấp vật tư nông nghiệp cộng thêm khoản lãi từ 1%/tháng. Do đó, khi phân bón thời điểm giá cao thì tiền mua phân cũng rất nhiều, cộng thêm lãi hàng tháng nữa làm cho chi phí cho trồng lúa rất cao. Vì vậy, khi được vay vốn ưu đãi từ NHCSXH tôi rất mừng, vì giúp tôi giảm được 50% tiền lãi mua phân bón thiếu, giảm chi phí đầu tư”.

Theo Phòng giao dịch NHCSXH huyện Châu Thành A, mục tiêu thực hiện tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác giai đoạn đến năm 2030 là 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm tối thiểu 10%, trong đó nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển sang hàng năm tăng tối thiểu 1 tỉ đồng để bổ sung nguồn vốn cho vay. Tập trung cho vay các chương trình mới, ưu tiên đầu tư cho các đơn vị còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo.

 

Bài, ảnh: LAN PHƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>