“Lá rách ít đùm lá rách nhiều”…

01/11/2021 | 09:17 GMT+7

Trong đại dịch, những tấm lòng vì cộng đồng lại được phát huy cao độ, rất nhiều những việc làm tốt đẹp, thiết thực đã được thực hiện, đặc biệt là xuất hiện những điển hình: người khó khăn ít hết lòng giúp người khó khăn nhiều. Ai cũng có chung suy nghĩ: Giai đoạn này, ân tình là trên hết !

Thời gian qua, những “tấm lòng vàng” có rất nhiều hoạt động ý nghĩa, cùng chung tay chăm lo an sinh tại quê hương Hậu Giang.

Hết mình hỗ trợ bà con mình

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc kinh doanh của gia đình anh Trần Thanh Nhuận, ở phường I, thành phố Vị Thanh, giảm thu nhập sâu nhưng anh vẫn quyết định trích phần kinh phí của gia đình để mua gạo, mì, trứng, nhu yếu phẩm để tặng những người có hoàn cảnh khó khăn.

Nói về những việc làm của mình, anh Nhuận cho biết: “Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều lao động nghèo gặp khó khăn từ việc làm, thu nhập đến bữa ăn hàng ngày. Nếu chúng ta không giúp đỡ nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn này thì đợi đến bao giờ. Với tinh thần “một miếng khi đói bằng một gói khi no” nên tôi đã liên hệ với chính quyền địa phương để giúp những người nghèo vơi bớt nhọc nhằn, vất vả”. Gia đình anh Nhuận đã trao hàng trăm phần quà cho bà con, với tổng kinh phí hàng chục triệu đồng.

Mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé trong cuộc chiến chống dịch bệnh, với suy nghĩ giúp đỡ người khác là giúp đỡ chính mình, chị Nguyễn Thị Thúy Liễu, ở phường III, thành phố Vị Thanh, ngoài xuất kinh phí gia đình, chị còn vận động một số bạn bè ở tỉnh Kiên Giang, thành phố Cần Thơ hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các trường hợp đang cần giúp với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Với những người cao tuổi, người khuyết tật đi lại khó khăn, chị Liễu còn đến tận gia đình trao quà. Chị Liễu cho biết: “Mọi người đóng góp, giúp đỡ nhiều lắm, tôi có làm được gì đâu, chỉ mong bà con biết rằng trong khó khăn vẫn có người sẵn sàng đưa tay ra giúp đỡ”.

Dịch bệnh kéo dài khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, thế nhưng trong lúc ấy mọi người cũng hết mình hỗ trợ nhau. Người bỏ công làm ra những món ăn, thức uống; người góp tiền; người có hàng hóa thì ủng hộ hàng hóa để cùng lực lượng chức năng hỗ trợ người dân bị cách ly hay người nghèo khó. Ngoài ra, UBMTTQ, các hội, đoàn thể còn phối hợp với các ngành, mạnh thường quân tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo như Chợ 0 đồng, Chuyến xe yêu thương, Bữa cơm từ thiện...

Từ đó, giúp những người có thu nhập thấp vơi bớt khó khăn, đồng thời cảm nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương, cộng đồng xã hội.

Nghĩa tình trong khó khăn

Sinh ra và lớn lên tại thành phố Cần Thơ, nhưng vì nhiều lý do, bà Nguyễn Thị Thu đã đến Hậu Giang sinh sống khoảng 2 năm nay. Bà cư trú tại phường I, thành phố Vị Thanh. Lớn tuổi không nghề nghiệp, bà chọn nghề bán vé số để mưu sinh.

Dịch Covid-19 bùng phát, vé số dừng phát hành hơn 2 tháng nay, điều đó đồng nghĩa với việc bà không có thu nhập. Dù vậy, bà Thu vẫn vững lòng vì trong lúc dịch bệnh như thế này cuộc sống của bà cũng không đến nỗi quá túng thiếu, chật vật, bà luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và các mạnh thường quân. Nào là được cho gạo, được cho mì, cho trứng, được cho rau củ, nước tương, nước mắm... “Những món quà mùa dịch quý lắm, ngoài lo cuộc sống gia đình mọi người còn nghĩ và lo cho đồng bào, những người có hoàn cảnh khó khăn. Những ân tình này tôi không thể nào quên. Hôm nay mọi người cho tôi rau, rồi còn cho cả khóm, tôi chỉ nhận rau, tôi nhường khóm lại cho người khác, tôi sống có một mình mớ rau này ăn được hai ngày”, bà Thu bộc bạch.

Còn gia đình anh Đoàn Văn Tuấn, ở xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy cũng rất biết ơn chính quyền và mạnh thường quân đã quan tâm hỗ trợ gia đình trong những ngày khó khăn này. Với thu nhập mỗi ngày chưa đến 200.000 đồng từ công việc làm hồ, tạm đủ chi tiêu hàng ngày cho 4 thành viên. Thế nhưng dịch bệnh bùng phát, anh không thể đi làm, ban đầu anh không biết phải xoay xở như thế nào, bởi ngoài cơm gạo hàng ngày, còn lo tiền sữa cho đứa con gái nhỏ. Trong lúc khó khăn ấy, gia đình đã được mọi người quan tâm, giúp đỡ từng ký gạo, con cá, củ khoai... Anh Tuấn bộc bạch: “Trong những lúc khó khăn mà được giúp đỡ, hỗ trợ như vậy, còn quý nào cho bằng. Ngoài sự hỗ trợ của các mạnh thường quân, hàng xóm láng giềng còn hỗ trợ, cùng dìu nhau qua khó khăn”.

Dịch bệnh ai cũng khó khăn, ai giúp được gì cũng sẵn sàng, không tính toán, so đo, không phân biệt người lạ hay quen: “Lá lành đùm lá rách”, “Lá rách ít đùm lá rách nhiều”. Tinh thần tương thân tương ái, thương người như thể thương thân là truyền thống cao quý, tốt đẹp từ bao đời nay của dân tộc đã được phát huy cao độ giữa lúc dịch bệnh.

Đại dịch Covid-19 sẽ qua, nhưng những ân tình sẽ còn mãi. Tin rằng, với sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền; sự đồng thuận, cộng đồng trách nhiệm của Nhân dân, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi, đưa cuộc sống “Bình thường mới” trở lại!

Nhiều hoạt động thiết thực liên tiếp được thực hiện

Từ tháng 7 đến nay, các cấp hội chữ thập đỏ trong tỉnh đã tích cực vận động xã hội hóa để hỗ trợ thiết thực về nhu yếu phẩm cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người dân ở khu cách ly y tế, các chốt kiểm dịch Covid-19 trong tỉnh. Cụ thể, hỗ trợ trên 29.000 phần quà, hàng chục tấn gạo và rau củ quả, 21 hộp khẩu trang y tế, 98 chai nước sát khuẩn, 215 kính chống giọt bắn... Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân khác cũng tích cực tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, liên tiếp nhau, đã góp phần chăm lo tốt công tác an sinh trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>