Những quy định cần nắm khi chơi hụi

02/05/2024 | 05:30 GMT+7

Chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi; nội dung văn bản thông báo phải thể hiện rõ: họ, tên, số căn cước công dân, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của chủ hụi; thời gian bắt đầu và kết thúc dây hụi; tổng giá trị các phần hụi tại kỳ mở hụi...

Tòa án nhân dân tỉnh xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của chủ hụi Đào Thị Bé Trí.

Chơi hụi là hình thức huy động vốn khá phổ biến và được pháp luật điều chỉnh cụ thể. Do đó, khi tham gia chơi hụi, người chơi cần nắm vững quy định pháp luật để hạn chế các tranh chấp có thể xảy ra. 

Năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 272 vụ tội phạm xâm phạm về sở hữu, trong đó có 8 vụ án về các tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan đến các vụ vỡ hụi trên địa bàn tỉnh.

Một trong những điểm chung của các vụ vỡ hụi trên là những người chơi hụi chủ yếu tin nhau là chính, thiếu các giấy tờ pháp lý nên khi sự việc vỡ lở, việc yêu cầu chủ hụi hoàn trả số tiền đã góp gặp rất nhiều khó khăn.

Cuối năm 2023, Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt chủ hụi Đào Thị Bé Trí (sinh năm 1984), trú huyện Châu Thành, 18 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, từ năm 2003, Bé Trí làm hụi uy tín nên nhiều người ở huyện Châu Thành và thành phố Ngã Bảy tin tưởng tham gia. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ tháng 1-2017 đến tháng 1-2020, Trí dùng thủ đoạn gian dối như mở các dây hụi rồi mạo danh hụi viên, đưa tên khống vào danh sách chơi hụi nhằm hốt hụi, bán hụi khống để chiếm đoạt tiền của hàng trăm hụi viên, với tổng số tiền gần 6 tỉ đồng nhằm tiêu xài và tràn hụi. Chưa kể là Bé Trí còn nợ của các hụi viên hơn 6 tỉ đồng.

Theo bà Đặng Hồng Luyến, Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh, qua xét xử cho thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu của các vụ vỡ hụi là người dân quá tin tưởng vào chủ hụi, không tìm hiểu và nắm vững các quy định pháp luật, nên đến khi xảy ra vỡ hụi thì thiếu cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi của mình.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Thích, công chức tư pháp - hộ tịch, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, dù chính quyền địa phương, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền Nghị định 19/2019 về họ, hụi, biêu, phường nhưng thực tế rất hiếm việc người dân khi tổ chức chơi hụi thực hiện theo Nghị định 19 là phải đăng ký với UBND xã. Vì không thực hiện theo đúng quy định pháp luật nên khi xảy ra tranh chấp, bị giật hụi thì chính quyền khó có cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đầy đủ, kịp thời, thỏa đáng.

Theo ông Thích, Nghị định 19 quy định, chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ 2 dây hụi trở lên.

“Nội dung văn bản thông báo phải thể hiện rõ: họ, tên, số căn cước công dân, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của chủ hụi; thời gian bắt đầu và kết thúc dây hụi; tổng giá trị các phần hụi tại kỳ mở hụi; tổng số thành viên. Chủ hụi không thực hiện nghĩa vụ thông báo việc tổ chức dây hụi có trị giá trên 100 triệu đồng hoặc từ 2 dây hụi trở lên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật”, ông Thích thông tin cụ thể.

Để ngăn chặn việc lợi dụng chơi hụi để thực hiện hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo cụ thể đối với Sở Tư pháp quan tâm phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai, thực hiện các giải pháp, đặc biệt tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền các quy định của pháp luật về hụi, trong đó tập trung tuyên truyền, phổ biến Nghị định số 19/2019 của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường và các chế tài của pháp luật, để người chơi hụi biết tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Theo bà Đặng Hồng Luyến khuyên người dân cần nâng cao cảnh giác, không tham gia các nhóm hụi, đường dây hụi có dấu hiệu bất thường. Khi tham gia, cần tuân thủ các quy định có liên quan như thỏa thuận về dây hụi cần được lập thành văn bản; lập sổ hụi, trong đó thể hiện rõ tên, địa chỉ của chủ hụi và các hụi viên, phần hụi, kỳ mở, thể thức góp vốn, số tiền đã góp, lập biên nhận khi tham gia góp hụi, lĩnh hụi,… để qua đó có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình nếu có tranh chấp hụi phát sinh.

Tổ chức từ 2 dây hụi, phải báo với chính quyền

 

Theo quy định tại Nghị định 19/2019 của Chính phủ quy định về hụi, họ, biêu, phường, thì chủ hụi là người từ đủ mười tám tuổi trở lên và không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật Dân sự.

Nghị định cũng quy định nếu dây hụi có giá trị thấp và chủ hụi chỉ mở một dây thì không phải báo cáo chính quyền. Nếu tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ hai dây hụi trở lên, chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi.

 

 

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>