Giải quyết ra sao khi phát hiện có hành vi lấn ranh, chiếm đất ?

21/02/2024 | 07:17 GMT+7

Thời gian qua, các tranh chấp liên quan đến đất đai giữa các hộ dân như lấn ranh, lấn đất, chiếm đất là loại tranh chấp phổ biến xảy ra trong đời sống. Để tìm hiểu rõ hơn các quy định pháp luật có liên quan đến loại tranh chấp này, phóng viên Báo Hậu Giang đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Mạnh (ảnh), Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh.

Theo quy định pháp luật thì hành vi lấn đất, chiếm đất là gì, thưa ông ?

- Theo Điều 3, Nghị định 91/2019 của Chính phủ, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, lấn đất là việc người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất sử dụng mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép hoặc không được người sử dụng hợp pháp diện tích đất bị lấn đó cho phép.

 Chiếm đất là việc sử dụng đất thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép; tự ý sử dụng đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác mà không được tổ chức, cá nhân đó cho phép; sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê đất đã hết thời hạn sử dụng mà không được Nhà nước gia hạn sử dụng (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp sử dụng đất nông nghiệp); sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tại khoản 1, Điều 12, Luật Đất đai năm 2013, thì hành vi lấn, chiếm, hủy hoại đất đai là hành vi bị nghiêm cấm.

Như vậy, đối chiếu các quy định như trên, có thể hiểu lấn đất của người khác là hành vi trái pháp luật mà người sử dụng đất chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích sử dụng đất khi không được cho phép.

Chiếm đất là việc người sử dụng đất thực hiện các hành vi như tự ý sử dụng đất không phải thuộc quyền sử dụng của mình khi không được cho phép. Theo đó, nếu vi phạm thì tùy theo mức độ, tính chất của hành vi mà người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính, nếu vẫn tiếp tục thực hiện hành vi lấn chiếm đất đai thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Pháp luật quy định như thế nào về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất trong quá trình sử dụng đất để hạn chế hành vi lấn, chiếm đất, thưa ông ?

 - Theo quy định tại Điều 174, Điều 175 Bộ luật Dân sự năm 2015, người có quyền sử dụng đất có nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản; ranh giới được xác định theo thỏa thuận của các chủ sở hữu hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền, được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng và ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch do cơ quan nhà nước đã quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất, không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và chung quanh.

Do đó, hàng xóm và các chủ sở hữu đất liền kề có nghĩa vụ tôn trọng ranh giới, trong phạm vi ranh giới, người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác theo quy định trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định.

Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung; không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, bờ ruộng.

Vậy khi xảy ra tranh chấp do việc lấn, chiếm đất thì người dân có quyền thực hiện các biện pháp giải quyết như thế nào, thưa ông ?

- Khi phát hiện bị hàng xóm lấn, chiếm đất thì người sử dụng đất có đất bị lấn, chiếm có quyền yêu cầu được trả lại đất, các bên có thể tiến hành tự thỏa thuận, trường hợp các bên không tự thỏa thuận được thì có quyền gửi đơn đến UBND xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Đây là nguyên tắc đầu tiên và cũng là phương thức xử lý mà Nhà nước luôn khuyến khích các bên thực hiện khi có tranh chấp liên quan tới đất đai. Việc hòa giải được quy định và thực hiện theo Điều 202, Luật Đất đai năm 2013. Nếu việc hòa giải đã được hòa giải thành thì các bên có trách nhiệm tuân thủ và thực hiện đúng như đã cam kết.

Nếu hòa giải không thành thì sao, thưa ông ?

- Trường hợp hòa giải tại cơ sở mà các bên vẫn không giải quyết được tranh chấp (tức là hòa giải không thành) thì các bên có quyền khởi kiện ra tòa nơi có bất động sản đang tranh chấp. Điều kiện, nội dung, hình thức và thủ tục khởi kiện được thực hiện theo quy định tại Luật Đất đai năm 2013; Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, và Nghị quyết số 04/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Trân trọng cảm ơn ông !

Đ.BẢO thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>