Giải quyết kịp thời tranh chấp đất đai trong dân

27/02/2024 | 07:06 GMT+7

Theo đánh giá của các cơ quan tư pháp, những năm gần đây, số lượng các tranh chấp dân sự có xu hướng tăng và ngày càng phức tạp, trong đó chiếm phần lớn vẫn là các tranh chấp liên quan đến đất đai, tài sản.

Tòa án nhân dân tỉnh xét xử một vụ án tranh chấp đất đai.

Thực tế cho thấy, đa số các vụ tranh chấp đất đai thường có tính chất phức tạp, gay gắt bởi mâu thuẫn chủ yếu phát sinh trong nội bộ gia đình, xóm giềng, tranh chấp diễn ra trong thời gian dài, có thể qua nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, công tác xác minh, thu thập nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn, chính sách đất đai có thay đổi qua các thời kỳ... Mặt khác, khi xảy ra tranh chấp, nhiều trường hợp không hợp tác, gây khó khăn trong quá trình giải quyết.

Vừa qua, ngày 31-1, Tòa án nhân dân tỉnh vừa mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp đất đai giữa nguyên đơn ông H. và bà T. với bị đơn ông S., cùng trú xã Đông Phú, huyện Châu Thành.

Theo nội dung tranh chấp, nguyên đơn là ông H., bà T. yêu cầu bị đơn trả lại phần đất lấn chiếm có diện tích theo đo đạc thực tế là gần 70m2, với lý do vị trí đất này trước đây được nguyên đơn mua lại của một người hàng xóm với bị đơn, nhưng phía bị đơn sau đó tự ý nhổ cọc hàng rào lấn sang phần đất của nguyên đơn. Trong khi đó, phía bị đơn phản tố và cho rằng, việc mình sử dụng đất đúng theo nguồn gốc đất từ trước năm 1975, trên phần đất này có mộ của dòng họ bị đơn nên không đồng ý trả đất cho nguyên đơn. Do hai bên không thỏa thuận được nên phát sinh tranh chấp và khởi kiện ra tòa để giải quyết.

Tại tòa, phía bị đơn cho rằng việc nguyên đơn được cấp giấy trên phần đất 70m2 chồng lấn giữa hai gia đình là không hợp pháp, đề nghị tòa xem xét, còn nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả lại đất theo các vị trí trụ rào trước đây. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án, quá trình thẩm định tại thực địa và diễn biến tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã bác toàn bộ yêu cầu phản tố của bị đơn, buộc bị đơn trả lại cho nguyên đơn diện tích phần đất tại các vị trí đã lấn chiếm.

Chia sẻ với phóng viên sau buổi xét xử, ông H. nguyên đơn trong vụ án cho biết: “Bản thân tôi để thắng kiện trong vụ án này đã phải theo đuổi gần 6 năm kể từ khi nộp đơn, trải qua nhiều lần đến tòa, rồi tòa lại đến thẩm định, nhiều phiên xử mới có kết quả như ngày hôm nay”.

Còn vào tháng 9-2023, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành đã xử sơ thẩm vụ tranh chấp của ông D., ngụ thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, khởi kiện ông E. ở cùng địa phương. Ông D. cho biết ông có nhận chuyển nhượng phần đất có diện tích 3.200m2 và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tọa lạc tại ấp Đông Bình, thị trấn Ngã Sáu. Tuy nhiên, do không ở đây thường xuyên nên trong quá trình sử dụng, ông E. ở giáp ranh xây rào, trồng cây lấn sang phần đất của ông D., từ đó ông D. khởi kiện yêu cầu ông E. phải hoàn trả lại đất lấn chiếm.

Theo chia sẻ của một số thẩm phán, đối với các vụ việc tranh chấp đất đai, để đảm bảo chất lượng xét xử, đúng trình tự thủ tục luật định, tòa phải tiến hành đầy đủ các bước xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ, định giá tài sản... Trong khi đó trên thực tế, nhiều đương sự trong các vụ tranh chấp đất đai thường gay gắt, không hợp tác, hoặc đến tòa khi có giấy mời. Thậm chí có đương sự cố tình ngăn cản thẩm phán thực hiện theo tố tụng như: xem xét tại chỗ, đo đạc, thẩm định giá; một số trường hợp có liên quan đến yếu tố nước ngoài… Điều này khiến cho việc hoàn thiện hồ sơ mất rất nhiều công đoạn, thủ tục và kéo dài thời gian.

Theo bà Trần Thanh Ngân, Chánh Văn phòng TAND tỉnh, các vụ việc tranh chấp liên quan đến đất đai thường liên quan đến nhiều người, đến công tác quản lý nhà nước cũng như quy định pháp luật trong từng thời kỳ lịch sử khác nhau. Kết quả giải quyết có thể ảnh hưởng, tác động lớn đến quyền, lợi ích của các bên đương sự, bởi vậy việc giải quyết loại án này đòi hỏi phải khách quan, toàn diện và thận trọng để tránh sai sót dẫn đến khiếu kiện phức tạp, kéo dài.

“Khi giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai, thẩm phán luôn cố gắng thu thập đầy đủ, nghiên cứu nắm chắc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về đất đai qua các thời kỳ và hướng dẫn, quy chế nghiệp vụ; các án lệ được công bố để áp dụng chính xác, phù hợp. Đồng thời, chúng tôi cũng chú trọng phối hợp với các cơ quan báo chí để tăng cường tuyên truyền đến với người dân”, bà Ngân cho biết.

Để nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp đất đai, theo Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Trương Đình Nghệ, về phía ngành tòa án trong năm 2024 sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hòa giải trong giải quyết các vụ tranh chấp, đặc biệt là áp dụng hiệu quả Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án trong quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến đất đai; thường xuyên tổ chức trao đổi nghiệp vụ giữa tòa án hai cấp và tạo điều kiện cho các thẩm phán trao đổi, học tập kinh nghiệm thực tế về công tác giải quyết án. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc quản lý, đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… để hạn chế những vụ việc tranh chấp xảy ra.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>