Để hạn chế tranh chấp di sản thừa kế

28/11/2023 | 07:37 GMT+7

Trong những năm qua, nhiều vụ tranh chấp, khởi kiện dân sự liên quan đến di sản thừa kế xảy ra khá phổ biến, phần nhiều nguyên nhân là do cha mẹ mất nhưng không để lại di chúc, di tặng hoặc hợp đồng tặng cho tài sản giữa cha mẹ với con cái.

Tòa xét xử một vụ tranh chấp liên quan đến di sản thừa kế là đất đai.

Vừa qua, anh C.V.C. là nguyên đơn trong vụ kiện tranh chấp di sản thừa kế. Anh C. cho biết, bất đắc dĩ lắm anh mới khởi kiện người em là anh C.V.T., cùng ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, để phân chia di sản.

Cũng theo anh C., lúc sinh thời cha anh là ông C.V.B. (mất năm 2014) có 3 người con là anh C., anh L. và anh T. Khi còn sống, cha, mẹ anh sống chung với anh T. Cha anh có tạo lập khối tài sản là 1.222,4m2 đất tại xã Tân Hòa và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cha anh đứng tên sử dụng. Hiện phần đất này, anh C. và anh T. quản lý, nhưng chưa tách ra giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng.

Trên phần đất này còn có nhà của anh C. và nhà của anh T. Khi ông B. mất, ông không có để lại di chúc, trong khi anh C. yêu cầu được nhận đất có diện tích 520,66m2, nhưng anh T. cho rằng mình công nuôi dưỡng cha, mẹ nên anh không đồng ý chia đất.

Anh em trong nhà vì chuyện đất đai mà bất hòa mấy năm, đến nay, do hòa giải bất thành, nên gia đình phải nhờ tòa án giải quyết. “Thực tế là đất tôi đã cất nhà ở, giờ muốn tách ra, nhưng T. nhất quyết không chịu, buộc lòng tôi phải nhờ tòa phân xử”, anh C. giãi bày.

Theo Tòa án nhân dân tỉnh, trong những năm qua, các dạng tranh chấp nhất là tranh chấp về nhà cửa, đất đai của cha mẹ để lại sau khi mất nhưng không có di chúc, di tặng hoặc hợp đồng tặng cho tài sản chiếm một phần không nhỏ trong các vụ việc tranh chấp dân sự tòa án thụ lý giải quyết.

Ông Dương Quốc Tuấn, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, cho rằng, việc giải quyết các vụ án liên quan đến phân chia di sản thường kéo dài và rất khó giải quyết do quá trình thu thập chứng cứ khó khăn. Bởi thực tế, các bậc cha mẹ thường nghĩ rằng con cái sẽ yêu thương, đùm bọc nhau và không lường trước được những tranh chấp xảy ra, nên khi còn sống để lại tài sản cho con cái bằng miệng mà không có giấy tờ rõ ràng.

“Trong khi đó, tài sản thường ở nhiều nơi, do nhiều người quản lý, nên việc thu thập hồ sơ, chứng cứ liên quan thường khó khăn, thậm chí có những người không chịu hợp tác, ảnh hưởng đến quá trình giải quyết”, ông Tuấn chia sẻ. 

Còn theo luật gia Nguyễn Hoàng Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, nguyên nhân phát sinh tranh chấp đất đai trong thân tộc, gia đình một phần cũng xuất phát từ sự chủ quan trong việc tặng cho, chuyển đổi,... không tuân thủ pháp luật về hình thức và nội dung, không làm đúng các thủ tục theo quy định.

Thực tế, việc tranh chấp di sản thừa kế thường liên quan đến nhiều người, nhiều thế hệ khác nhau trong gia đình. Do đó, việc lập di chúc rõ ràng khi để lại tài sản thừa kế là điều rất cần thiết để tránh xung đột và tranh chấp về sau. Có một số trường hợp dù có lập di chúc vẫn xảy ra tranh chấp, nhưng thường không quá căng thẳng và việc giải quyết cũng sẽ dễ dàng hơn.

“Điều quan trọng nhất là khi xảy ra tranh chấp, các đương sự nên hợp tác, có thiện chí để vụ việc được giải quyết nhanh chóng và đỡ căng thẳng, tốn kém. Bởi xét cho cùng, họ cũng là những người có chung dòng máu, ruột thịt với nhau”, luật gia Mạnh phân tích.

Vì vậy, người dân cần xác định rõ tài sản của mình và trong khối tài sản đó phải xác định tài sản nào được chia, tài sản nào dùng vào việc thờ cúng, trách nhiệm của người được giao tài sản thờ cúng; xác định rõ cho ai, cho tài sản nào. Đồng thời, phải tìm hiểu các hình thức tặng, cho tài sản và di chúc phù hợp, có tính pháp lý để hạn chế các tranh chấp có thể xảy ra về sau.

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>