Đảm bảo trợ giúp pháp lý kịp thời cho các nhóm đối tượng yếu thế

28/02/2024 | 09:21 GMT+7

Thời gian qua, công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh được triển khai tích cực, mang lại nhiều kết quả, giúp các đối tượng được TGPL và người dân tiếp cận tốt hơn với các chính sách về TGPL của Nhà nước.

Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Vũ Anh Quân (ảnh), Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, chia sẻ:      

- Năm 2023, với vai trò và nhiệm vụ được giao, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh đã thực hiện tốt việc tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và tham gia tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử để bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho hàng nghìn trường hợp người dân là các đối tượng thuộc diện được TGPL trên địa bàn trong tỉnh. Hầu hết các vụ việc có trợ giúp viên pháp lý tham gia đều mang lại kết quả, được người dân hài lòng, đánh giá cao.

Cụ thể, năm qua trung tâm đã thụ lý và ra quyết định cử trợ giúp viên và luật sư ký hợp đồng với trung tâm tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người thuộc diện được TGPL trong 392 vụ việc, tăng 88 vụ việc so năm 2022. Tiếp nhận và tư vấn pháp luật cho 122 vụ việc. Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với phòng tư pháp cấp huyện tổ chức 58 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý, 17 cuộc TGPL ngoài trụ sở với trên 2.580 lượt người dân tham dự. Từ đó, góp phần hạn chế các trường hợp tranh chấp, khiếu kiện, đảm bảo quyền lợi tốt nhất của các đối tượng TGPL theo quy định của pháp luật, góp phần ổn định an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội của tỉnh nhà.

Một buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người dân trên địa bàn thị xã Long Mỹ.

Về đội ngũ trợ giúp viên pháp lý hiện nay của trung tâm như thế nào, thưa ông ?

- Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh hiện có 10 trợ giúp viên và 6 luật sư ký hợp đồng tham gia TGPL. Để nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ thực hiện TGPL trên địa bàn tỉnh, trong  năm, trung tâm đã tham mưu Giám đốc Sở Tư pháp cử trợ giúp viên tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL do Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức.

Bên cạnh đó, trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ cho các trợ giúp viên pháp lý, luật sư - cộng tác viên, người có uy tín tại các địa phương.

Ông đánh giá như thế nào về việc tiếp cận với các chính sách trợ giúp pháp lý đối với người dân hiện nay, thưa ông ?

- Trên thực tế, vẫn còn nhiều người dân thuộc diện được TGPL theo quy định, nhưng họ chưa hiểu hoặc nắm thông tin về chức năng, nhiệm vụ của trung tâm nên khi có vấn đề vướng mắc về pháp luật hoặc có khiếu nại, tranh chấp, không biết nhờ vào tổ chức nào giúp đỡ.

Do đó, để tránh bỏ sót diện người được TGPL, trung tâm đã có nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác truyền thông về hoạt động của trung tâm. Hàng năm, trung tâm đều tổ chức các đợt truyền thông về cơ sở, in ấn hàng trăm bảng thông tin về trợ giúp pháp lý cung cấp đến các cơ quan, ban, ngành hữu quan trong tỉnh để treo tại trụ sở tiếp dân và niêm yết công khai số điện thoại của các trợ giúp viên tại những nơi người dân dễ tiếp cận.

Đồng thời, trong những năm gần đây, trung tâm cũng đã đẩy mạnh công tác phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, báo, đài của tỉnh để thông tin kịp thời những hoạt động về TGPL để người dân hiểu thêm về hoạt động này.

Với những trường hợp những người khuyết tật, người cao tuổi thuộc diện được TGPL nhưng gặp khó khăn trong việc đi lại hoặc tiếp cận với chính sách TGPL thì trung tâm sẽ có giải pháp gì, thưa ông ?            

- Với những đối tượng trên, khi có những yêu cầu, vướng mắc có liên quan đến pháp luật, trung tâm sẽ linh động, bằng nhiều hình thức để hỗ trợ, đảm bảo quyền lợi cho nhóm đối tượng này. Ví dụ như khi người được trợ giúp pháp lý có nhu cầu, chúng tôi có thể cử trợ giúp viên pháp lý đến tận nhà của bà con hỗ trợ về pháp lý hoặc bà con có thể sử dụng các thiết bị công nghệ để yêu cầu hỗ trợ và trung tâm sẽ tiếp nhận, liên hệ, rồi tiến hành hỗ trợ cho bà con.

Năm 2024, trung tâm có những định hướng hoạt động ra sao để đưa công tác TGPL đến gần hơn với người dân, thưa ông ?

- Năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung đổi mới phương thức truyền thông về TGPL và tập trung nâng cao chất lượng vụ việc TGPL, đặc biệt là nâng cao số lượng vụ việc về dân sự, chú trọng tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng để kịp thời tham gia bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.            

Ngoài ra, trung tâm cũng sẽ chủ động phối hợp với phòng tư pháp các địa phương khảo sát nhu cầu của người dân trên địa bàn, qua đó thực hiện các cuộc TGPL ngoài trụ sở để kịp thời hỗ trợ pháp luật miễn phí cho người dân thuộc diện được TGPL; đảm bảo 100% đối tượng thuộc diện TGPL tiếp cận thông tin về TGPL và được TGPL khi họ có yêu cầu.

 Thời gian tới, trung tâm mong nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành nhiều hơn nữa để phát huy hiệu quả công tác TGPL trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, quyền tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật cho các đối tượng chính sách và người yếu thế trong xã hội, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Các nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý miễn phí

- Theo quy định tại Điều 7, Luật TGPL, người được trợ giúp pháp lý gồm: Người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em, người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo.

- Người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính cũng được TGPL gồm: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người; người nhiễm HIV.

 

Trân trọng cảm ơn ông !

Đ.B thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>