Phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững

21/07/2019 | 23:52 GMT+7

Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại là một trong những mục tiêu mà huyện Vị Thủy tiếp tục tập trung thực hiện hiện nay và cho những năm tiếp theo.

Sản xuất lúa là thế mạnh của huyện Vị Thủy.

Theo UBND huyện Vị Thủy, chủ lực của huyện hiện nay vẫn là cây lúa, với tổng diện tích gieo trồng đều đạt trên 46.000ha/năm, năng suất bình quân 6,1 tấn/ha, tổng sản lượng hàng năm đạt từ 280 tấn trở lên. Trong đó, có khoảng 8.000ha sản xuất lúa chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và là vùng nguyên liệu của tỉnh. Diện tích rau màu gieo trồng hàng năm đạt trên 2.000ha, với sản lượng bình quân 30.000 tấn/năm. Thời gian qua, rau màu là loại cây trồng ở địa phương giúp nâng cao thu nhập và mức sống của người dân trên cùng một diện tích sản xuất. Bên cạnh đó, nhờ áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật nên sản lượng thủy sản duy trì ổn định. Ngoài ra, có trên 940 vèo nuôi thủy sản các loại đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Hướng phát triển nông nghiệp ở huyện Vị Thủy đang đi dần theo sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh. Trong đó, đã triển khai thực hiện được nhiều mô hình như sản xuất dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã dưa hấu VietGAP, mô hình sản xuất nấm rơm trong nhà theo hướng an toàn tại Hợp tác xã Nông sản sạch An Phát, mô hình canh tác lúa thông minh ứng dụng công nghệ cao tại Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Vị Thắng…

Đặc biệt, kinh tế nông nghiệp nông thôn trên địa bàn phát triển theo hướng sản xuất đa canh, liên kết, hợp tác. Đến nay, toàn huyện có 19 hợp tác xã, 43 tổ hợp tác, 45 câu lạc bộ khuyến nông và tổ sản xuất lúa giống, 5 mô hình trang trại và đã xây dựng được 250 mô hình sản xuất có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, có 280 tổ, nhóm, câu lạc bộ sản xuất.

Để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, hàng năm huyện đã đầu tư nạo vét công trình thủy lợi, xây dựng trạm bơm điện, cống, bọng phục vụ khép kín hoàn chỉnh cho sản xuất nông nghiệp, nhất là vùng sản xuất lúa vụ 3. Hiện tại, toàn huyện có 159 trạm bơm, 89 cống hở kiên cố, đảm bảo khép kín hoàn chỉnh 12.989ha, chiếm trên 75,18% diện tích đất sản xuất lúa.

Ông Tống Huy Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vị Thủy, cho biết: Để đời sống người dân khá, giàu lên từ nông nghiệp, định hướng phát triển của huyện là xây dựng nông nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ. Theo đó, huyện phát triển cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, tổ chức thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, theo hướng an toàn và sạch, mở rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao như canh tác lúa thông minh, mô hình tưới nước tiết kiệm sử dụng thiết bị thông minh. Hiện đại hóa nông nghiệp trong quy trình sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng. Gia tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Theo bà Nguyễn Thị Giang, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để nông nghiệp trên địa bàn huyện phát triển bền vững, cũng như thực hiện đạt kế hoạch phát triển về nông nghiệp trong giai đoạn 5 năm tới (2021- 2025), huyện nên cụ thể hơn phần diện tích lúa của mỗi năm để có chỉ đạo về sản lượng, năng suất. Lợi thế của huyện hiện nay là con cá thát lát nên có sự lưu ý phát triển. Trong thời gian tới, cần tập trung những mô hình thông minh và hữu cơ, nhất là trồng nấm, lúa. Bên cạnh đó, kết hợp đưa công nghệ vào những mô hình truyền thống để nâng cao hiệu quả sản xuất và có những chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện.

Kết quả giá trị sản xuất nông nghiệp đạt được của huyện Vị Thủy hôm nay đã đánh dấu sự nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh thì nông nghiệp có hiệu quả nhưng chưa cao, có mô hình hiệu quả nhưng chưa được phát triển kịp thời, do đó huyện nên xác định mô hình nào hiệu quả, hay, để nhân rộng thời gian tới. Ngoài ra, trong phát triển kinh tế - xã hội nên chọn những dự án phù hợp, tạo việc làm nhiều hơn.

Theo ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, thì huyện Vị Thủy nên xem lại và quan tâm hơn trong cơ cấu chuyển đổi cây trồng, làm thế nào đem lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Phải đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn và hợp tác xã.

Trong kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, tính từ năm 2016 đến nay, giá trị sản xuất trên địa bàn thực hiện được trên 16.500 tỉ đồng, đạt trên 111% chỉ tiêu nghị quyết. Trong đó, cả 3 khu vực thực hiện đều đạt và vượt kế hoạch; khu vực I thực hiện đạt trên 9.604 tỉ đồng, khu vực II trên 3.246 tỉ đồng, khu vực II trên 3.648 tỉ đồng.

 

Bài, ảnh: THÀNH XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>