Phát triển mô hình kinh tế hiệu quả

15/12/2023 | 07:18 GMT+7

Thời gian qua, trên địa bàn xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, đã hình thành những mô hình điển hình trong trồng trọt, chăn nuôi theo hướng an toàn hiệu quả, cho thu nhập cao.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh kiểm tra độ khô của cá sặc lóc xương.

Theo UBND xã Hòa An, năm 2022 xã đã xây dựng được mô hình lúa an toàn tiến tới xây dựng cánh đồng lúa hữu cơ ở ấp Bào Môn, Xẻo Trâm với diện tích 100ha, đến nay đã có 57,3ha lúa đạt chuẩn VietGAP. Đây là mô hình hiệu quả kinh tế được xã tuyên truyền nhân rộng. Hiện tại, xã đang triển khai mô hình lúa theo tiêu chuẩn GlobalGAP ở ấp 2, ấp 5, thực hiện lúa an toàn liên kết các ấp và lúa chất lượng cao.

Ông Cao Văn Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An, cho biết: Đến thời điểm này, trong 14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2023 có 10 chỉ tiêu thực hiện đạt 100% và 1 chỉ tiêu đạt trên 73%, còn 3 chỉ tiêu chờ xét. Rất vui là trong năm 2023, xã có được 2 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao là chuối Việt và khô cá sặc lóc xương một nắng. Từ những mô hình hiệu quả theo hướng an toàn trong trồng trọt, chăn nuôi, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân thực hiện, mở rộng quy mô sản xuất, đặc biệt là liên kết đầu ra để góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Chủ sản phẩm khô cá sặc lóc xương một nắng đạt OCOP 3 sao, chị Nguyễn Thị Mỹ Linh, ở ấp 6, xã Hòa An, phấn khởi cho hay: “Sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao, bản thân rất vui. Trước đây tôi bán cá, rồi lấy cá sặc lóc xương làm khô tặng cho hàng xóm, bạn bè ăn. Sau khi họ ăn thấy ngon nên đặt hàng tôi làm, từ đó sản phẩm làm ra được khách hàng quen giới thiệu, nhờ đó đến nay sản phẩm được khách hàng trong và ngoài tỉnh biết đến”.

Chị Linh cho biết, đây là sản phẩm khô từ cá thiên nhiên nên thịt khô ngon, được khách hàng ưa chuộng, nhờ đó góp phần cho chị có thêm thu nhập hàng tháng, đời sống gia đình được nâng lên và có thêm điều kiện tích cóp xây dựng được căn nhà khang trang. Mỗi ngày cơ sở của chị giải quyết lao động tại địa phương từ 2-3 người. Để sản phẩm làm ra bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, chị làm theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, đúng quy định của tiêu chuẩn sản phẩm OCOP.

Theo ông Phạm Trần Trúc Giang, Tổ kỹ thuật xã Hòa An, với lợi thế là phát triển nông nghiệp, ngay từ đầu năm theo Nghị quyết của Đảng ủy, UBND xã đã triển khai nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả. Trong đó phát triển mô hình chuối cấy mô liên kết đầu ra cho thu nhập từ 150-180 triệu đồng/ha. Ngoài ra, xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Trường Đại học Cần Thơ  xây dựng vùng lúa an toàn phát triển lên trồng theo hướng hữu cơ ở ấp Xẻo Trâm, Bào Môn. Hiện tại diện tích đã thực hiện 60ha đang cho hiệu quả, sắp tới nâng lên trồng theo hướng hữu cơ 200ha.

Trong thời gian tới, về sản xuất nông nghiệp, xã Hòa An tiếp tục duy trì thực hiện có hiệu quả Kết luận số 97-KL/TW ngày 15/5/2014 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, Nghị quyết số 05NQ/HU ngày 07/4/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp bền vững gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 20-NQ/ĐU ngày 25/4/2022 của Đảng ủy xã về phát triển nông nghiệp gắn với du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Đối với cây lúa, tập trung sản xuất 2 vụ lúa và vụ 3 ở những nơi có điều kiện, hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng giống mới có hiệu quả thông qua việc chọn điểm chỉ đạo sản xuất lúa chất lượng cao và sử dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất rau an toàn, khuyến cáo nông dân trồng các loại rau màu có hiệu quả kinh tế cao. Khuyến khích nông dân nuôi thủy sản cung cấp cho các cơ sở chế biến, nhân rộng mô hình nuôi cá trên ruộng lúa và phát triển đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, tiếp tục triển khai nạo vét kênh mương để phát huy tốt công tác thủy lợi nội đồng, vận động Nhân dân đóng góp kinh phí, huy động lực lượng lao động để thực hiện các công trình theo kế hoạch, khép kín từng khu vực, làm thủy lợi phải gắn chặt với giao thông nông thôn, tạo thành đê bao chống lũ vững chắc. Triển khai kế hoạch phòng, chống lụt bão để kịp thời ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Bên cạnh đó, củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã, tổ kinh tế hợp tác, kiên quyết giải thể những hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, xã cũng đề nghị cấp trên hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, vốn, giống trong việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi. Xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, đảm bảo tăng thu nhập, cải thiện đời sống dân cư nông thôn. Tiếp tục thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn xã và triển khai thực hiện các kế hoạch phát triển nông nghiệp bền vững...

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>