Leo thang bạo lực ở Ukraine

26/08/2016 | 08:13 GMT+7

Mấy tuần qua, tình trạng leo thang bạo lực giữa quân đội chính phủ và phe đối lập ở miền Đông Ukraine liên tục diễn ra không chỉ dẫn đến nguy cơ phá vỡ thỏa thuận hòa bình Minsk mà còn là nỗi lo của nhiều quốc gia liên quan.

Binh sĩ ở miền Đông Ukraine. Ảnh: REUTERS

Gần đây nhất, một vụ xung đột ở vùng chiến sự miền Đông Ukraine giữa quân đội chính phủ và phe đối lập đã làm 2 binh sĩ quân đội Ukraine thiệt mạng và 8 người khác bị thương. Trong một đoạn video do Bộ Quốc phòng Ukraine cung cấp cho thấy hình ảnh một tòa nhà đang bốc cháy tại khu vực Maryinka gần vùng Donetsk do phe đối lập kiểm soát. Ngoài ra còn có nhiều ô tô bị phá hủy và tiếng súng giao tranh liên tục đang vang lên tại khu vực này. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko mới đây cho biết, ông không loại trừ khả năng áp đặt thiết quân luật và tiến hành một đợt huy động quân mới nếu diễn biến xung đột với phe đối lập ở miền Đông tồi tệ thêm.

Trong một diễn biến liên quan, căng thẳng giữa Ukraine với Nga cũng leo thang liên quan đến vùng lãnh thổ Crimea đã tuyên bố sáp nhập vào Nga năm 2014. Mối quan hệ giữa 2 nước láng giềng này tiếp tục rơi xuống mức tồi tệ và có nhiều khả năng dẫn đến chiến tranh giữa lúc cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 3 năm qua tại Ukraine đến nay vẫn chưa có lối thoát.

Trước đó, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) thông báo đã bắt giữ một nhóm biệt kích tại Crimea, cũng như ngăn chặn thành công âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng trên bán đảo này. Theo FSB, Tổng cục Tình báo thuộc Bộ Quốc phòng Ukraine đứng sau âm mưu khủng bố trên. Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá đây là một âm mưu tội ác của lực lượng an ninh Ukraine để đánh lạc hướng sự chú ý của người dân Ukraine đối với những vấn đề trong nước.

Tổng thống Nga Putin đã điện đàm với người đồng cấp Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Merkel thông báo sự việc xảy ra tại khu vực biên giới Crimea mà Nga cáo buộc là âm mưu khủng bố của Ukraine. Tuyên bố của Điện Kremlin nêu rõ các hành động mang xu hướng bạo lực của Ukraine gây tổn hại tới thỏa thuận hòa bình Minsk, cũng như sự hợp tác trong khuôn khổ Bộ tứ Normandi. Từ thông tin này, lãnh đạo 3 nước cũng đã nhất trí sẽ có cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra đầu tháng 9 tới tại Hàng Châu, Trung Quốc, để tiếp tục thảo luận vấn đề Ukraine.

Phản ứng lại vấn đề trên, trong một tuyên bố mới đây, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng cáo buộc của Nga là vô lý và thiếu cân nhắc. Nhà lãnh đạo Ukraine một lần nữa cáo buộc có sự hiện diện quân sự của Nga tại Donbass, miền Đông Ukraine, bất chấp Nga luôn bác bỏ điều này. Đại diện thường trực của Ukraine tại Liên Hiệp Quốc Volodymyr Yelchenko cho biết Kiev có thể đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc triệu tập một cuộc họp khẩn liên quan tới cáo buộc của Nga. Ông Volodymyr Yelchenko cũng để ngỏ khả năng Ukraine sẽ một lần nữa đề nghị triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Donbass.

Trước những cáo buộc lẫn nhau giữa Ukraine và Nga và tình hình leo thang căng thẳng ở miền Đông nước này, nhiều tổ chức quốc tế và các quốc gia liên quan tỏ ra quan ngại. Mới đây, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine; đồng thời kêu gọi tất cả các bên “quay trở lại bàn thương lượng, giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine bằng các biện pháp ngoại giao và hòa bình. NATO cũng cho biết liên minh này đang theo dõi sát sao diễn biến tình hình.

Tổng thống Pháp Hollande đã bày tỏ lo ngại đồng thời nhấn mạnh nguy cơ mà tình trạng leo thang bạo lực đã gây ra có nguy cơ phá vỡ thỏa thuận hòa bình Minsk. Nhà lãnh đạo Pháp cho rằng diễn biến mới này sẽ cản trở các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc xung đột. Ông kêu gọi các bên tại Ukraine kiềm chế và tôn trọng các cam kết của mình trong thỏa thuận hòa bình Minsk.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã kêu gọi Nga, Ukraine kiềm chế tránh những hành động nào có thể làm xấu đi tình hình vốn đang căng thẳng ở bán đảo Crimea.

Từ những diễn biến trên cho thấy, tình hình căng thẳng ở Ukraine đang leo thang từng ngày không chỉ giữa Kiev với phe đối lập mà còn vượt tầm kiểm soát với Nga, quốc gia láng giềng. Nếu các bên liên quan không kiềm chế, nguy cơ dẫn đến chiến tranh ngoài mong đợi có nhiều khả năng sẽ xảy ra.

Chỉ tính riêng trong tháng 7, tại vùng chiến sự Donbass đã có 73 dân thường thương vong (trong đó có 8 người thiệt mạng), cao hơn 69 người trong tháng 6. Như vậy, kể từ tháng 4-2014 đến nay, giao tranh ở miền Đông Ukraine đã có 9.553 người thiệt mạng, hơn 22.000 người bị thương. Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, tại Ukraine hiện có ít nhất 3,1 triệu người cần trợ giúp nhân đạo, trong đó 1,1 triệu người thường xuyên phải chịu cảnh thiếu ăn.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>