Kiểm tra an toàn thực phẩm: Có hời hợt, nể nang

04/05/2016 | 15:25 GMT+7

Nhằm siết chặt hơn an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Chính phủ đã có Quyết định số 38 cho phép triển khai thí điểm lực lượng thanh tra ATVSTP đến tận phường, xã tại Hà Nội và TPHCM từ tháng 11-2015. Sau 5 tháng thực hiện, đến nay TPHCM được xem là địa phương “khởi động” đáng kể tại các quận 1, 3, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh và Hóc Môn. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều bất cập.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong một lần kiểm tra hóa chất, phụ gia tại chợ Kim Biên, quận 5, TPHCM

Thanh, kiểm tra… khiêm tốn

Ghi nhận từ Chi cục ATVSTP TPHCM, từ đầu năm 2016 đến nay đã tăng cường xử lý vi phạm ATVSTP trên các địa bàn. Trong đó, với Quyết định 38 của Chính phủ về thí điểm thanh tra ATVSTP cấp phường, xã cho thấy cấp chính quyền cơ sở có quan tâm đến vấn nạn thực phẩm “bẩn”. Tại quận Bình Thạnh (một trong 5 quận, huyện được chọn thí điểm) là địa bàn có số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm lớn của thành phố. Mới đây, một loạt cơ sở trên địa bàn này đã bị xử lý do vi phạm ATVSTP như Công ty TNHH Mỹ Hương (phường 12, quận Bình Thạnh) kinh doanh dịch vụ ăn uống, bị phạt vì cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp không thông thoát, gây ứ đọng; Chi nhánh Công ty TNHH Ngọc Lễ bị xử lý về hành vi sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đã hết hạn; nhà hàng Saphir bị xử lý về hành vi sử dụng giấy xác nhận đủ sức khỏe quá thời hạn, không có đủ thiết bị, biện pháp phòng, chống côn trùng và động vật gây hại theo quy định…

Trong khi đó, quận 5 mới chỉ thí điểm ở hai phường là phường 7 và 13, mặc dù được đánh giá là địa bàn quận phức tạp về ATVSTP do số lượng cơ sở nhiều, có cả chợ hóa chất Kim Biên. Theo UBND quận 5, hiện toàn quận có tới 2.344 hộ kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, 4 tháng qua chỉ thanh tra được 12 cơ sở, phát hiện 4 cơ sở vi phạm và xử phạt 37,5 triệu đồng. Theo lãnh đạo UBND quận 5, khó khăn khi triển khai Quyết định 38 là quy trình thủ tục thanh tra phức tạp, không phản ánh đúng thực trạng ATVSTP, do muốn thanh tra phải báo trước cho cơ sở 5 ngày (!?). Ngoài ra do nhân sự còn hạn chế về số lượng, trình độ, kỹ năng test nhanh chưa thuần thục nên chưa tự tin khi thanh tra, kiểm tra.

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM, sau hơn 3 tháng triển khai Quyết định 38 đã tiến hành thanh tra 251 đợt, phát hiện 47 cơ sở vi phạm, xử phạt tiền 36 cơ sở với tổng số tiền trên 153 triệu đồng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATVSTP (Bộ Y tế), kết quả triển khai như vậy là còn quá khiêm tốn, trong khi TPHCM được thí điểm thanh tra chuyên ngành ATVSTP tại 10 phường thuộc 5 quận, huyện! “So với thực tế của TPHCM thì số cơ sở được thanh tra, kiểm tra như… muối bỏ biển”, TS Nguyễn Thanh Phong nhìn nhận. Theo ông Huỳnh Lê Thái Hòa, mặc dù công tác tập huấn đã triển khai nhưng một số cán bộ có thể vận dụng máy móc, thiếu linh hoạt hoặc chưa nắm vững nghiệp vụ, thiếu những kiến thức quy định pháp luật về ATVSTP nên chưa tự tin thanh tra, kiểm tra!

Trách nhiệm: người đứng đầu địa phương

Trước vấn nạn mất ATVSTP, mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã trực tiếp kiểm tra việc mua bán hóa chất tại chợ Kim Biên (quận 5, TPHCM) và làm việc với các cơ quan liên quan của TPHCM xung quanh việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATVSTP cấp xã, phường. Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong, việc thí điểm thanh tra chuyên ngành ATVSTP tại xã, phường là cần thiết nhưng đang có bất cập, chính quyền cơ sở vẫn chưa quyết liệt, còn hời hợt và thậm chí nể nang! Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, các địa phương còn hạn chế, vướng mắc như nhân sự yếu và thiếu, chưa chủ động… “Các địa phương cần lựa chọn cán bộ có trình độ, tâm huyết và chuyên trách để đảm nhiệm công tác thanh tra,  kiểm tra an toàn thực phẩm. Cái quan trọng là nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền quận, huyện, phường, xã trong thanh tra ATVSTP. Tuy nhiên, mục đích là ngăn chặn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, nguy cơ gây hại sức khỏe cho người dân từ thực phẩm chứ không phải nhân danh cơ quan thanh tra để bắt bẻ, gây khó cho người dân”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khuyến cáo. Ông cũng nhấn mạnh đến trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc lồng ghép tuyên truyền, giải thích, vận động, nhắc nhở không chỉ cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm mà ngay cả người tiêu dùng, tiến tới thay đổi hành vi, ý thức chấp hành pháp luật về ATVSTP. “Ngoài thanh tra theo kế hoạch, còn cho phép cá nhân có trách nhiệm thanh tra độc lập, thanh tra đột xuất những nơi kinh doanh có dấu hiệu nghi ngờ. Đó là sự trao quyền tối đa cho phép trong kiểm soát ATVSTP”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Tại lễ phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016 (từ ngày 15-4 đến 15-5) mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra ATVSTP phải thường xuyên, quyết liệt hơn nữa. “Xử lý công bằng, nghiêm minh và công khai các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về ATVSTP, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nếu để mất ATVSTP”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu chỉ đạo.

Tăng cường kiểm tra đột xuất

Để tăng cường quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm, Bộ Y tế vừa ban hành Công văn số 2362/BYT-ATTP chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho UBND tỉnh/thành phố thực hiện các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn, phân công và quy trách nhiệm rõ ràng cho từng cơ quan, tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế. Kể từ tháng 5-2016, chủ yếu áp dụng thanh tra hoặc kiểm tra theo hình thức đột xuất.

 

Theo Tường Lâm/SGGP

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>