Nỗ lực để nâng cao dân trí

27/04/2016 | 19:12 GMT+7

Thực hiện theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Người biết chữ dạy cho những người chưa biết chữ”, sau 41 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh đã gặt hái được nhiều thành quả trong công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ (PCGD-XMC).

Ông Nguyễn Bá Minh (đứng bên phải), Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo, kiểm tra thực tế công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi tại tỉnh Hậu Giang.

Chuyện học của ngày ấy…

Cô Lê Thị Lài, một trong những người tham gia dạy bình dân học vụ ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, nhớ lại một thời khói lửa đã qua như đang hiện diện đâu đó trong từng ngõ ngách của cuộc sống khiến cô không thể nào quên được. Cô nhớ lại: “Hôm địch bình định lần hai, lúc đó khoảng 15 giờ, khi cô trò đang học thì nghe tiếng nổ lớn, tôi cùng 28 em học sinh phải bỏ chạy và lặn kênh để có thể về được nhà. Trường lớp bị thiêu rụi hoàn toàn. Sau đó, không học được ban ngày vì sợ địch càn quét, nên cứ chập tối khi một ngày lao động đã kết thúc, bà con ai ai cũng vội vã xách đèn dầu bơi xuồng mang theo tập, sách để đến lớp học chữ. Lớp XMC bấy giờ luôn thu hút được mọi tầng lớp từ trẻ nhỏ, thanh niên, cụ già đến cả các cô chú cán bộ. Thời ấy, việc cần nhất là XMC nên tôi chỉ dạy học vần là chính để giúp mọi người biết đọc, biết viết. Mọi người học ở bất cứ nơi nào từ bờ liếp, chuồng trâu đến nhà dân. Những năm chiến tranh, con chữ quý trọng lắm”.

Các giáo viên thời bấy giờ thuộc đủ mọi tầng lớp, hễ biết chữ là họ tham gia dạy và vận động mọi người ra lớp. Cùng hưởng ứng phong trào “Đem văn hóa về đến nhà”, chú Dương Thanh Sơn dù chưa học qua lớp sư phạm cũng hăng hái tham gia cùng chính quyền địa phương đi vận động bà con đến lớp để học. Chú chia sẻ: “Ngày trước, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thiếu thốn lắm. Muốn có cuốn sách, quyển tập là một điều vô cùng khó khăn. Bảng viết, bàn ghế chỉ là những tấm ván bần, sống lá dừa nước hay tấm ván ghe xuồng cũ ghép lại thôi. Trường lớp được dựng lên từ sự gom góp của người dân. Còn thầy cô giáo thì cả một xã mà chưa đầy 20 giáo viên. Thời đó, lương bổng cũng chẳng được bao nhiêu, chúng tôi giảng dạy bằng tinh thần trách nhiệm là chính. Tuy có vất vả cực khổ nhưng đi tới đâu cũng được bà con quý mến nên ai cũng thấy rất vui”. Lúc bấy giờ, do địa bàn rộng nên các lớp XMC thường được tổ chức học theo cụm để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người đi học. Một lớp thường có từ 8-10 học sinh.

Có thể thấy, chiến tranh đã đi qua, hòa bình được lập lại, nhưng ký ức một thời để đổi lấy con chữ của người dân như mới hôm qua. Sau 41 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, ngành GD&ĐT tỉnh đã có những bước tiến mạnh mẽ để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là trong công tác PCGD-XMC.

Thành quả từ sự nỗ lực

Vượt lên những khó khăn từ khi thành lập tỉnh năm 2004, xuất phát điểm của ngành GD&ĐT tỉnh còn rất thấp, cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên và hệ thống mạng lưới trường lớp bấy giờ thiếu thốn trầm trọng, nhất là ở bậc học mầm non. Nhưng được sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các cấp, các ngành đã tạo điều kiện thuận lợi để ngành GD&ĐT thực hiện tốt mục tiêu PCGD-XMC. Đến nay, Bộ GD&ĐT đã công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS năm 2004, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2005 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi năm 2015 vừa qua. Ngoài ra, còn có 76/76 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn XMC; 8/8 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn XMC. Đặc biệt, năm 2015 đã huy động được 1.378 học viên các lớp PCGD-XMC (tăng 328 học viên so với năm 2014). Toàn tỉnh hiện có 338 trường từ mầm non đến THPT (tăng 78 trường so với năm 2004) và 76 trung tâm học tập cộng đồng… Toàn ngành có 10.423 cán bộ, giáo viên, nhân viên (tăng 1.790 người so với năm học 2003-2004); trong đó, 172 cán bộ, giáo viên tốt nghiệp thạc sĩ, 69 người tốt nghiệp cao cấp chính trị…

Để công tác PCGD-XMC đạt hiệu quả, ngoài được đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trình độ cho giáo viên thì việc duy trì các lớp học là một trong những yêu cầu rất cần thiết. Thầy Huỳnh Văn Dần, giáo viên Trung tâm Học tập cộng đồng xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Để huy động học viên ra lớp đã khó, nhưng do lớp PCGD-XMC thường học không liên tục nên để duy trì lớp học lại càng khó hơn. Các học viên ở đây đa phần là các cô chú lớn tuổi nên nhiều người cũng ngại học. Để duy trì được một lớp thì đòi hỏi giáo viên phải kiên nhẫn và yêu nghề”. Được biết, lớp XMC của thầy Dần là lớp mức độ 2 với 7 học viên. Thời gian học từ 18 giờ đến 20 giờ 30 phút của thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Để đảm bảo kiến thức cho các học viên, hôm nào có ai nghỉ là thầy sẽ đến tận nhà để hướng dẫn lại bài.

Là một trong những đơn vị hoàn thành tốt công tác PCGD-XMC trên địa bàn tỉnh, thành phố Vị Thanh đã có nhiều giải pháp hiệu quả như: củng cố kiện toàn ban chỉ đạo tại các xã, phường theo từng năm; tăng cường điều tra, phúc tra để cập nhật thông tin, số liệu thường xuyên; xây dựng kế hoạch tuyển sinh hàng năm để huy động học sinh ra lớp; nâng cao chất lượng giảng dạy để thu hút học sinh và giảm tỷ lệ học sinh bỏ học; đẩy mạnh công tác xã hội hóa; tăng cường tham mưu các cấp lãnh đạo để đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị; đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng… Nhìn lại chặng đường đã qua với những kết quả đạt được, ông Nguyễn Minh Trực, Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Nhờ người dân hiểu được tầm quan trọng của việc học nên công tác PCGD-XMC hàng năm đều thực hiện đạt hiệu quả. Ngoài ra, trong công tác XMC đối với những xã có người không biết chữ nằm rải rác ở các ấp xa, chúng tôi sẽ chia học viên theo cụm nhỏ để giáo viên trực tiếp xuống nhà giảng dạy”. Trong năm 2015, thành phố Vị Thanh có 16.746 người trong độ tuổi từ 15-35 biết chữ, đạt tỷ lệ hơn 99%. Trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%, phổ cập giáo dục tiểu học đạt 94%, phổ cập giáo dục THCS đạt hơn 90%, học sinh tốt nghiệp THPT đạt 95%. Có 7/9 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 2; có 9/9 xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS và đạt chuẩn XMC.

Bà Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, cho biết: “Nhờ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo và sự hỗ trợ chặt chẽ của địa phương, cùng sự nỗ lực của toàn ngành nên công tác PCGD-XMC hàng năm đều đạt và chất lượng không ngừng được nâng lên. Để giữ vững thành tích và nâng cao kết quả cũng như mức độ chuẩn đã đạt được, thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan để mỗi huyện, thị xã, thành phố sẽ có 1-2 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn XMC mức độ 2; đảm bảo đủ phòng học và tiếp tục trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị tối thiểu theo quy định cho các lớp mẫu giáo; phấn đấu sẽ có 60% số đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 và đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học…”.

Đến cuối năm 2015, toàn tỉnh có 76/76 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn XMC, 8/8 huyện, thị, thành phố đạt chuẩn XMC. Tỷ lệ học sinh được huy động ra lớp đạt 102,7%, trong đó, mầm non đạt 86%, tiểu học đạt 107%, THCS đạt 110% và THPT đạt 95%.  Đặc biệt, năm 2015, Bộ GD&ĐT đã công nhận tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

 

MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>