Tiếp tục xúc tiến các hoạt động xuất khẩu lao động

19/03/2020 | 08:53 GMT+7

Năm nay, Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu lao động, với nhiều giải pháp để đảm bảo chỉ tiêu tỉnh đã đề ra. Thời điểm dịch bệnh, các hoạt động liên quan đến xuất khẩu lao động như đào tạo, đăng ký, vẫn diễn ra nhưng thận trọng và đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Lao động tham gia học lớp tiếng Nhật Bản tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Mỗi tháng gửi về gia đình 15 triệu đồng

Đã mấy tháng nay, tháng nào chị Nguyễn Thu Tâm (con gái ông Nguyễn Anh Tuấn, ở ấp Thị Tứ, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A), đều gửi tiền về cho vợ chồng ông Tuấn. Nhờ có số tiền này, giúp vợ chồng ông có thêm điều kiện mua sắm một số đồ sắt để phục vụ cho công việc buôn bán hàng ngày và lo chi phí sinh hoạt trong gia đình. Chị Tâm là con gái thứ hai của vợ chồng ông, chị đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Nhật Bản đã 4 tháng nay.

Nhắc đến chị Tâm, ánh mắt ông Tuấn ánh lên niềm tự hào. Ông Tuấn kể, trước đây, chị Tâm học đại học ở Trường Đại học Cần Thơ, thành tích học tập đạt loại giỏi, sau khi ra trường, đã xin vào làm ở cơ quan nhà nước. Do một số nguyên nhân khách quan, nên năm 2018 chị xin nghỉ và đăng ký đi học tiếng Nhật Bản, đến tháng 11-2019 được tuyển dụng sang Nhật Bản làm việc. Hiện chị được bố trí làm bên khâu đóng gói nấm tuyết cho một công ty ở thành phố Nagasaki, với mức lương khoảng 25 triệu đồng (công ty đã lo chỗ ở). Với mức lương này, hàng tháng chị đều gửi về 15 triệu đồng cho gia đình. “Lúc con mới đi làm, vợ chồng tôi lo lắm, sợ không biết con ăn uống ra sao, rồi môi trường làm việc thế nào. Rồi con điện thoại về cho hay, chỗ ở rất tốt có phòng riêng sạch sẽ, công việc không nặng nhọc, rồi được lãnh đạo công ty quan tâm, tạo điều kiện để làm việc, nghe vậy vợ chồng tôi cũng yên tâm”, ông Tuấn bày tỏ.

XKLĐ là giải pháp quan trọng để giải quyết việc làm, giúp người dân cải thiện cuộc sống, vươn lên khá giàu, đem ngoại tệ về địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững. Hoạt động này cũng nhằm đào tạo nguồn lao động có kỹ năng, tay nghề cao, có ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, có sức khỏe, đáp ứng nhu cầu của công việc phục vụ nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tạo nhiều điều kiện thuận lợi, để người dân đi XKLĐ

Để người dân hiểu rõ ý nghĩa của XKLĐ, ngành lao động - thương binh và xã hội đã phối hợp với các ngành liên quan và các xã, phường, thị trấn, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, tư vấn cho người lao động về hiệu quả của XKLĐ, cũng như các chính sách hỗ trợ. Đặc biệt là thông tin về Nghị quyết 09 của HĐND tỉnh. Người lao động đăng ký tham gia sẽ được hỗ trợ chi phí ban đầu không hoàn lại để tham gia học tiếng, làm thủ tục visa, hộ chiếu, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và khám sức khỏe. Người lao động sẽ được hỗ trợ vay vốn từ 80 đến 100% chi phí từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Túc, Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, cho biết: “Năm 2020, địa phương được giao chỉ tiêu đưa 6 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của XKLĐ cũng như chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước và địa phương hỗ trợ người lao động khi tham gia đi XKLĐ đến các ấp. Bên cạnh đó, phát tờ rơi tuyên truyền, để mọi người hiểu rõ về chính sách này. Khi người dân địa phương có nhu cầu đi XKLĐ sẽ giới thiệu đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để được hướng dẫn, tư vấn cụ thể”.

Cùng với nỗ lực của các xã, phường, thị trấn, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cũng chú trọng phối hợp với các địa phương để tổ chức các buổi tư vấn, tuyển dụng lao động đi XKLĐ… Qua đó, giúp người lao động hiểu rõ các chính sách, cũng như giải đáp những băn khoăn, thắc mắc khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Ngoài ra, để người lao động làm quen với tiếng Nhật Bản cũng như hiểu thêm về đất nước Nhật Bản, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn mở lớp dạy tiếng Nhật Bản trong thời gian 1 tháng. Tại đây, mọi người sẽ được giới thiệu về tiếng Nhật Bản, văn hóa, pháp luật của nước Nhật Bản, cách giao tiếp, tác phong trong phỏng vấn. Sau đó, trung tâm sẽ liên kết với các trung tâm Nhật Bản đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục đào tạo về ngôn ngữ, văn hóa, sinh hoạt theo kiểu Nhật Bản.

Hiện nay, có 33 lao động đang học tiếng Nhật Bản tại các công ty XKLĐ ở Thành phố Hồ Chí Minh. Với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các học viên đang tham gia học tiếng Nhật Bản cũng được phòng bệnh với các biện pháp chủ động. Mọi sinh hoạt ăn uống, ngủ nghỉ, học tập của học viên đều tại khuôn viên của trung tâm nên mọi người không bị gián đoạn việc học.

Để đạt chỉ tiêu đưa 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong những tháng tới, các cấp, các ngành cùng với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Riêng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng sẽ tăng cường chọn lựa doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc nước ngoài theo tiêu chí doanh nghiệp phải có uy tín, phải được Cục Quản lý nước ngoài cấp phép và có kinh nghiệm, có những gói đưa lao động đi của những năm trước, không bị xử lý hành chính và ở các thị trường ổn định, có bảo hộ… Bên cạnh đó, sẽ nắm kỹ thông tin phản hồi từ nước tiếp nhận lao động, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh tại các nước đó, để có kế hoạch cụ thể, nhằm đảm bảo an toàn, an tâm cho những người chuẩn bị đi, cũng như tư vấn cho người sẽ đăng ký đi XKLĐ.

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>