Đào tạo nghề phù hợp, giúp người dân thoát nghèo

26/07/2023 | 09:02 GMT+7

Để giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững, huyện Châu Thành chú trọng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho người dân.

Nhờ nghề đan lục bình, chị Ngân có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Giải pháp quan trọng giúp giảm nghèo

Theo ông Nguyễn Hữu Tứ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành: Xác định công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động là một trong những giải pháp quan trọng giúp giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Thời gian qua, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp bằng nhiều hình thức, góp phần nâng cao hiểu biết của người dân trong việc chủ động học nghề, để có việc làm ổn định. Triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giúp học viên có được việc làm sau học nghề.

Nhờ tham gia học nghề, chị Lê Thị Cẩm Ngân, ở ấp Thị Trấn, thị trấn Ngã Sáu, có nguồn thu nhập ổn định hàng ngày và quan trọng là gia đình đã thoát nghèo. Trước đây, gia đình chị là hộ nghèo, mỗi ngày hai vợ chồng đi làm thuê, làm mướn nhưng thu nhập bấp bênh, công việc không được thường xuyên. Chính quyền địa phương gợi ý chị tham gia học nghề đan lục bình, bởi ngoài đi làm thuê, làm mướn, chị tranh thủ thời gian nhận sản phẩm về đan gia công để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Thấy được nhiều cái lợi của học nghề nên quyết định tham gia. Sau khi hoàn thành khóa học, chị nhận sản phẩm về đan gia công, mới đầu do tay nghề chưa quen, thao tác chưa nhanh nên số lượng thành phẩm ít. Dần dà, chị thuần thục, đan nhanh hơn, sản phẩm đảm bảo tính thẩm mỹ, thu nhập ổn định hơn. Chị Ngân chia sẻ: “Nhờ nghề này tôi có công việc ổn định mỗi ngày. Tùy theo giá cả thị trường từng thời điểm mà thu nhập của tôi dao động từ 3 đến 5 triệu đồng mỗi tháng. Với chị em phụ nữ chúng tôi, nghề này có rất nhiều cái hay và tiện lợi, bởi công việc có quanh năm, thu nhập ổn định, đồng thời làm tại nhà nên có thể trông nom nhà cửa, chăm lo con cái”.

Thoát nghèo, chị Ngân còn vay tiền sửa lại căn nhà xuống cấp. Từ ngày có nhà mới, việc làm ổn định, cuộc sống gia đình chị Ngân ngày càng được cải thiện.

Đổi đời nhờ được học nghề

Không riêng chị Ngân, nhiều lao động ở huyện Châu Thành đã đổi đời nhờ được học nghề. Để công tác đào tạo nghề phát huy hiệu quả, huyện chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, xã, thị trấn khảo sát nhu cầu học nghề của người dân và phối hợp với đơn vị đào tạo để mở các lớp nghề gắn với nhu cầu việc làm của công ty, doanh nghiệp và đời sống của bà con, để từ đó bà con có thể  tạo việc làm, cũng như học hỏi được kỹ thuật, kiến thức, phương pháp trong chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, góp phần phát triển kinh tế.

Bà Bùi Thị Loan, Giám đốc Hợp tác xã Mỹ nghệ Nhựt Linh, ở thị trấn Ngã Sáu, cho biết: “Chúng tôi đang dạy lớp đan lục bình tại địa phương. Sau khi hoàn thành khóa học, hợp tác xã sẽ giao nguyên liệu, khung để chị em đan gia công. Hợp tác xã ký hợp đồng với công ty ở thành phố Cần Thơ, cách một hai ngày hợp tác xã xuất hàng một lần, công việc có quanh năm, nên chị em yên tâm gắn bó. Hợp tác xã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 500 lao động trong và ngoài huyện, thu nhập bình quân mỗi người từ 3 đến 5 triệu đồng mỗi tháng”.

Nhờ các hoạt động hỗ trợ học nghề, tạo việc làm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự nỗ lực vượt khó vươn lên, trong những năm qua, nhiều hộ nghèo trên địa bàn huyện đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ đầu năm đến nay, huyện Châu Thành tạo việc làm mới cho 1.632 lao động, đạt 79,2% kế hoạch năm, khai giảng 8 lớp nghề cho lao động nông thôn…

Theo ông Nguyễn Hữu Tứ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành: Huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, khơi dậy quyết tâm, khát vọng phấn đấu vượt nghèo của người dân. Phối hợp ngành chuyên môn tổ chức tư vấn việc làm trong và ngoài nước. Rà soát, nắm nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu xã hội để mở các lớp đào tạo nghề, từng bước góp phần nâng cao đời sống của người dân, nhằm thực hiện đạt tỷ lệ giảm nghèo ở mức 0,8% (chỉ tiêu tỉnh giao) trong năm nay.

Từ đầu năm đến nay, huyện Châu Thành đã tạo việc làm mới cho 1.632 lao động, đạt 79,2% kế hoạch năm; có 24 người đi làm việc ở nước ngoài; khai giảng 8 lớp nghề cho lao động nông thôn…

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích