Ăn nên làm ra từ nghề bó chổi đót

21/11/2023 | 10:19 GMT+7

Nghề làm chổi đót (chổi bông cỏ) dù vất vả, nhưng lại giúp nhiều người dân ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, có thêm việc làm, ổn định cuộc sống.

Anh Trần Văn Phủ phân loại sản phẩm để giao cho khách hàng.

Trước đây, để bó chổi, người làm chổi phải tìm mua cây mây tươi về chẻ, ngâm và phơi khô để làm dây buộc nên mất nhiều thời gian. Nhưng hiện nay cây chổi được bó tinh gọn hơn, nhanh hơn với cán thân bằng nhựa và nhiều kiểu dáng khác nhau, một người có thể bó được từ 15-20 cây chổi/ngày.

Khởi nghiệp với nguồn vốn mượn từ gia đình 12 triệu đồng, anh Trần Văn Phủ, ở xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Năm 2012, tôi mua chổi về bán lại ở các chợ nông thôn. Thời điểm đó bán cũng khá đắt hàng, thấy thế tôi tháo cây chổi ra tìm hiểu có những nguyên vật liệu gì rồi sau đó bắt xe lên thành phố tìm mua nguyên liệu về làm. May mắn là tôi đã thành công và đến thời điểm hiện nay trung bình mỗi tháng tôi làm ra 20.000-25.000 cây chổi để bán sang các tỉnh, thành lân cận như Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu…”.

Anh Phủ cho biết, hiện tại ở cơ sở bó chổi Phong Phủ của anh có 16 lao động tham gia bó chổi gia công. Vì nghề bó chổi này cũng rất dễ làm, ai đến đăng ký học là anh chỉ khoảng 10 ngày là làm được sản phẩm, có thu nhập phụ thêm kinh tế gia đình. Đối với anh chị lâu năm lành nghề thạo việc mỗi tháng có thu nhập từ 4-6 triệu đồng.

Từ lúc cơ sở chổi gia công Phong Phủ ra đời đã giúp không ít các chị em phụ nữ ở xã Phương Bình có thêm công việc phụ thêm kinh tế gia đình trong lúc nông nhàn. Chị Trần Thị Loan, ở ấp Phương Quới, xã Phương Bình, là một trong những người gắn bó lâu năm với nghề bó chổi từ lúc thành lập đến nay, cho biết: “Tôi làm nghề này đã 8 năm rồi. Công việc có thu nhập khá, giúp tôi có tiền trang trải cuộc sống gia đình và nuôi con ăn học đầy đủ hơn. Trước kia, tôi làm thuê phải xa gia đình, công việc theo thời vụ không ổn định. Nhưng từ lúc đến làm chỗ anh Phủ thì thu nhập ổn định hơn, trung bình mỗi tháng cũng được khoảng 6 triệu đồng”.

Với âm thanh lách ca lách cách, những cú va đập cho bông đót bay đi hết phần bụi của bông, rồi âm thanh từ những cái bện đăng kéo căng chắc các bó bông đót lại với nhau để tra vào cán chổi được các chị nhịp nhàng thực hiện từng công đoạn. Chị Lương Hồng Điểm, ở ấp Phương Quới C, xã Phương Bình, mới vào làm hơn 10 ngày mà hiện nay công việc của chị khá thành thạo và có sản phẩm, có thu nhập. Chị Điểm cho biết: “Những ngày đầu tôi có thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày và hiện tại thì tiến bộ hơn đã lên được 130.000-150.000 đồng/ngày. Tôi thấy công việc này cũng nhẹ nhàng, được làm trong mát lại có thêm thu nhập khá”.

Ông Trần Văn Sang, Phó Chủ tịch UBND xã Phương Bình, cho biết: Nghề bó chổi đót ở địa phương giúp người dân trên địa bàn xã có thêm việc làm ổn định, tăng nguồn thu nhập cho gia đình trong lúc nông nhàn. Nghề gia công chổi bông cũng khá đơn giản, qua tập huấn cầm tay chỉ việc thì có thể làm ra được sản phẩm. Nghề này thời gian qua đã góp phần giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Bài, ảnh: NGUYỄN HUẤN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>