ĐBSCL chủ động ứng phó với hạn mặn phức tạp

01/03/2024 | 08:49 GMT+7

Các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm sản xuất và thu hoạch lúa Đông xuân, cây ăn trái, thủy sản; đây cũng là thời điểm mà thời tiết diễn biến bất lợi khi hạn hán và xâm nhập mặn lấn sâu vào đất liền. Vì vậy, bảo vệ sản xuất đang được ngành chức năng thực hiện quyết liệt.

Nhiều cán bộ, kỹ sư và công nhân ngày đêm thi công cống ngăn mặn Nguyễn Tấn Thành (Tiền Giang) để kịp đưa vào vận hành ngăn mặn từ đầu tháng 3-2024. Ảnh: H.TÂN

Đóng cống ngăn nước mặn vào bên trong          

Những ngày này ở vùng trồng sầu riêng huyện Cai Lậy (Tiền Giang) nhiều nông dân sẵn sàng ứng phó với hạn mặn. Chị Lục Thị Kim Loan, ở xã Hiệp Đức (huyện Cai Lậy), kể lại: “Thời điểm này năm 2020, tình hình hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra vô cùng căng thẳng; hàng loạt vườn sầu riêng bị nước mặn tấn công khiến cây bị khô héo, kiệt quệ vì thiếu nước ngọt để tưới. Chính quyền phải huy động sà lan chạy lên hướng cầu Mỹ Thuận để chở nước ngọt về đây nhằm cứu vườn sầu riêng. Năm đó, ngoài việc tốn kém chi phí khá nhiều thì vườn cây cũng bị thất thu. Đối với năm nay, mọi người ý thức và chủ động phòng chống hạn mặn từ rất sớm…”.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Mùa khô 2024 ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Tiền Giang nói riêng, ít có mưa trái mùa; tổng lượng dòng chảy về hạ lưu thấp hơn trung bình nhiều năm từ 5-15%. Mực nước trên dòng chính sông Mekong xuống dần ở mức thấp; mực nước đầu nguồn sông Tiền chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Dự báo độ mặn trên sông Tiền mùa khô năm 2024 lấn sâu vào nội đồng từ 52-56km…”.

Các cống ngăn mặn ở Hậu Giang sẽ sẵn sàng đóng lại khi nước mặn xâm nhập. Ảnh: H.THU

Ở Bến Tre diễn biến thời tiết cũng được nông dân theo dõi chặt. Bà Lê Thị Thu, ở xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách, chia sẻ: “Gia đình có gần 1ha đất trồng hoa kiểng, cây ăn trái và cây giống; đây là những loại cây không chịu được mặn cao. Vì vậy, khi nghe thông tin năm nay hạn mặn đến sớm và diễn biến phức tạp thì cả nhà đã thực hiện nhiều giải pháp ứng phó như cắt tỉa cành, hạn chế cây ra trái vào mùa này, tích trữ nước ngọt; liên hệ thường xuyên với cơ quan chuyên môn để nhờ hỗ trợ kịp thời khi hạn mặn phức tạp…”.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bến Tre nhận định, trong tháng 3-2024 xuất hiện 2 đợt xâm nhập mặn từ ngày 5 đến 13-3 và từ ngày 23 đến 31-3. Tháng 4-2024 tiếp tục xuất hiện 2 đợt xâm nhập mặn từ ngày 5 đến 12-4 và từ ngày 25-4 đến 1-5. Dự báo ranh mặn xâm nhập sâu nhất trên các sông xuất hiện trong tháng 3 là khoảng 50km ở sông Cửa Đại với độ mặn 4‰ tại xã Tân Thạch (huyện Châu Thành); mặn 4‰ vào sâu 62km trên sông Cổ Chiên ở xã Tân Thiềng (huyện Chợ Lách)… Ngoài việc vận hành đóng các cống ngăn mặn bảo vệ sản xuất và nước sinh hoạt thì cần đề phòng nguy cơ sạt lở bờ biển; cảnh báo hiện tượng thủy văn nguy hiểm kèm theo xâm mặn gây thiệt hại ở các khu vực nuôi trồng thủy sản, vườn cây ăn trái…

Lo lắng nhất là ở huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán đã làm sụt lún đất, đường giao thông; nhiều kênh mương cạn nước khiến giao thông đường thủy tê liệt. Thống kê mới nhất của huyện Trần Văn Thời đã xảy ra 242 vị trí sạt lở, sụt lún đất, tổng chiều dài khoảng 7,3km, ước thiệt hại trên 9 tỉ đồng. Ông Đỗ Văn Sử, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời, cho hay: Huyện đang sản xuất hơn 28.950ha lúa, đã thu hoạch khoảng 12.000ha. Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại về sản xuất, ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương tích cực triển khai các giải pháp ứng phó hạn mặn, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình chăm sóc nông nghiệp trong điều kiện thiếu nước, áp dụng tưới tiết kiệm nước…”.

Tích trữ nước ngọt, duy trì sản xuất ổn định

 Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre nhìn nhận, xâm nhập mặn mùa khô năm 2023-2024 xuất hiện sớm, sâu và kéo dài trên địa bàn tỉnh ở mức tương đương và cao hơn mùa khô năm 2015-2016. Do đó, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương vận động người dân trữ nước mưa, nước ngọt để ứng phó trong điều kiện hạn mặn kéo dài. Theo ông Hồ Ngọc Hậu, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bến Tre, hiện công ty đang quản lý 1.695 công trình cống, 1 trạm bơm điện, 2.575km kênh các loại, 433km bờ bao và hồ chứa nước ngọt Ba Trị có dung tích theo thiết kế là 811.800m3. Những ngày qua, công ty triển khai các giải pháp cấp bách về phòng chống hạn mặn, thiếu nước theo chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh Bến Tre. Cụ thể, công ty đóng cống ngăn mặn xâm nhập khi độ mặn lên cao, bảo đảm nhu cầu về nước không bị nhiễm mặn. Trường hợp độ mặn giảm, công ty sẽ tăng cường mở lấy nước ngọt các cống đầu nguồn và tiêu xổ các cống cuối nguồn để rửa mặn, giải quyết ô nhiễm môi trường… 

Tại Tiền Giang, nhằm ngăn mặn, bảo vệ nguồn nước ngọt phía bên trong phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang có văn bản gửi Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 (đơn vị thi công) cho vận hành đóng ngăn mặn cống âu Nguyễn Tấn Thành từ ngày 7-3 cho đến khoảng giữa tháng 4, khi theo dõi diễn biến xâm mặn sẽ tính toán việc mở cống.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam, đơn vị đang vận hành siêu công trình thủy lợi cống Cái Lớn - Cái Bé (Kiên Giang) cho hay, từ tháng 1-2024 đến nay, khi mặn xâm nhập vượt quá 1‰ tại trạm Cái Tư và mặn vượt 1‰ tại trạm Trâm Bầu thì công ty cho vận hành đóng từ 9 đến 11-11 cửa van cống Cái Lớn và cho đóng cống Cái Bé để ngăn mặn; trong thời gian đóng cống thì các phương tiện di chuyển qua âu thuyền. Hiện, công ty phân công nhiều cán bộ, kỹ sư theo dõi chặt tình hình mặn, quan trắc và kiểm tra mực nước, chất lượng nước; cập nhật tiến độ sản xuất của hàng trăm ngàn héc-ta lúa trong vùng dự án thuộc các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… đảm bảo ngăn mặn, lấy nước ngọt đầy đủ nhằm phục vụ an toàn cho đồng lúa. Bên cạnh đó, vận hành cống hợp lý trong việc cung cấp nước pha loãng độ mặn phục vụ nuôi tôm ở các huyện ven biển tỉnh Kiên Giang. 

Bên cạnh chủ động bảo vệ sản xuất, để đảm bảo nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân trong mùa hạn mặn này, UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã yêu cầu Công ty Cổ phần Cấp thoát nước - Công trình đô thị Hậu Giang, Công ty Cổ phần nước AquaOne Hậu Giang, Công ty Cổ phần Cấp nước và Vệ sinh môi trường nông thôn Hậu Giang theo dõi thường xuyên diễn biến tình hình xâm nhập mặn, khẩn trương kiểm tra các vùng bị xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt cần có phương án cụ thể, đặc biệt là các địa bàn xâm nhập mặn nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch đến người dân khi có mặn xâm nhập, quản lý tốt trạm lấy nước từ 8.000 (huyện Châu Thành A) để chủ động ứng phó khi hạn, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng theo dự báo. Thông báo cho người dân sử dụng nước sinh hoạt có kế hoạch tích trữ và sử dụng nước tiết kiệm trong thời gian nước mặn xâm nhập, huy động mọi nguồn lực, mọi phương tiện đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân, khi cần thiết sẽ áp dụng kế hoạch cúp nước luân phiên ở một số tuyến để điều phối nước cung cấp cho người dân sử dụng. Tăng cường kiểm tra, các trạm cấp nước, nếu nơi nào mà chưa đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho người dân thì phải có xử lý ngay để đảm bảo cung cấp nước sạch đến người dân. Có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các tuyến ống đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng của hạn và xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh Hậu Giang cũng đã xác định từng khu vực khả năng bị ảnh hưởng để triển khai các giải pháp phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương để chủ động ngăn mặn trữ ngọt ứng phó với xâm nhập mặn. Thường xuyên cử cán bộ kiểm tra mặn ngoài sông chính khi độ mặn đo được 1,5‰ thì tiến hành vận hành các cống, đập cải tiến có sẵn, đắp đập thời vụ tại các đầu kênh để ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị chuyên môn và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long chủ động theo dõi chặt thời tiết, diễn biến độ mặn; tiến hành rà soát việc đắp đập tạm ngăn mặn, sửa chữa, nâng cấp bờ bao, các cống vừa đảm bảo ngăn triều cường và ngăn mặn. Tổ chức vận hành các công trình thủy lợi hợp lý để lấy nhiều nhất lượng nước ngọt xuất hiện nhằm tích trữ lâu dài; có giải pháp bảo vệ an toàn cho hàng trăm ngàn héc-ta cây ăn trái và lúa Đông xuân nguy cơ bị ảnh hưởng. Cần có kế hoạch chi tiết đến các địa bàn, hộ dân có thể bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt mùa khô, nhằm có giải pháp đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho bà con và không để các cơ sở bị thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất trong suốt mùa khô...

Kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô 2024

Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2023-2024, xâm nhập mặn ở ĐBSCL cao hơn trung bình nhiều năm, tương đương với năm 2020-2021; trong thời kỳ cao điểm (khoảng tháng 2 đến tháng 4/2024) có thể xảy ra thiếu nước ngọt cục bộ, xâm nhập mặn vào sâu các cửa sông.

Để chủ động ứng phó với nguy cơ hạn mặn và thiếu nước cục bộ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động triển khai ứng phó nguy cơ hạn mặn, thiếu nước trong những tháng cao điểm mùa khô. Theo dõi sát diễn biến và có dự báo về nguồn nước, chất lượng nước, nguy cơ thiếu nước, xâm nhập mặn; đồng thời triển khai phòng chống, khắc phục hậu quả hạn mặn, thiếu nước, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là thời kỳ cao điểm hạn mặn. Xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai biện pháp ứng phó cụ thể; hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

 

H.TÂN - H.THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>