Thông điệp lan tỏa từ Tuần lễ không gian Việt Nam

07/06/2023 | 08:20 GMT+7

Hàng loạt các câu chuyện của cựu phi hành gia trong môi trường làm việc và sinh hoạt của họ trên không gian, vũ trụ, những nghiên cứu khoa học nhằm bảo vệ Trái đất được chia sẻ, giới thiệu tại Tuần lễ không gian Việt Nam (VIETNAM SPACE WEEK) - Hậu Giang, đã góp phần tạo cảm hứng cho thế hệ trẻ tỉnh Hậu Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung về hoạt động học tập, nghiên cứu trong lĩnh vực không gian, vũ trụ.

Tuần lễ không gian Việt Nam - Hậu Giang góp phần giúp học sinh, sinh viên vùng ĐBSCL có thêm cơ hội tìm hiểu về không gian và vũ trụ.

Câu chuyện những phi hành gia NASA lần đầu đến một nước Đông Nam Á

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung, chia sẻ: “Phi hành gia là những người sẵn sàng chịu đựng những thiệt hại lớn, thậm chí cả sinh mạng của mình để thực hiện mục đích cao đẹp cho khoa học. Chắc có lẽ tất cả chúng ta điều tin rằng, họ chính là những tấm gương sáng, là động lực, là niềm cảm hứng đại diện cho trí tuệ của con người trong việc khám phá những thành tựu mới cũng như giải đáp những câu hỏi mà nhiều thế hệ loài người chưa trả lời được”.

Là một trong những người truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ tại Tuần lễ không gian Việt Nam - Hậu Giang lần này, ông Michael A. Baker, cựu phi hành gia NASA, người đã có 965 giờ bay trong không gian, chia sẻ về những trải nghiệm thú vị cũng như những thử thách khi làm việc trong môi trường không trọng lực bên ngoài Trái đất. Ông Michael A. Baker chia sẻ: “Từ góc nhìn bên ngoài nhìn về hành tinh của chúng ta như một viên ngọc màu xanh, được bao bọc bởi bầu khí quyển trắng rất lung linh. Cảm xúc khi được ngắm nhìn Trái đất từ góc nhìn bên ngoài càng làm cho tôi càng thêm yêu hành tinh mà chúng ta đang sống. Thông điệp mà tôi muốn nhắn gửi đến tất cả mọi người là hãy yêu quý và cùng chung tay bảo vệ hành tinh xinh đẹp này”. Vào năm 2017, ông Michael A. Baker đã rời NASA, với những đóng góp của mình, ông Baker đã nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá.

Còn với tiến sĩ Josefs Schmid là phẫu thuật gia và bác sĩ gia đình của NASA ở Trung tâm không gian Johnson, Houston, Texas. Ông từng là kiểm tra viên cao cấp của Cục Hàng không Liên bang Mỹ. Bệnh nhân của ông là các phi hành gia và các thành viên của gia đình họ, các kỹ sư, phi hành gia về hưu, gồm những người từ các chương trình Gemini và Apollo. Chia sẻ về cách định hướng nghề nghiệp, tiến sĩ Josefs Schmid cho biết: “Các bạn trẻ muốn xác định nghề nghiệp, chúng ta có thể trả lời các câu hỏi như: bạn thích gì? Bạn giỏi điều gì? điều gì có thể trả tiền cho bạn? thế giới cần bạn làm gì? Đây là những yếu tố quan trọng giúp các bạn trẻ có thể xác định nghề nghiệp một cách dễ dàng. Khi bắt đầu nghề nghiệp mình, tôi cũng đã tự đặt cho bản thân các câu hỏi như trên”. Trước khi trở thành bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho các phi hành gia, tiến sĩ Josefs Schmid đã từng làm bác sĩ y khoa gia đình, qua đây, ông đã được đào tạo sâu về chuyên môn. Nhờ đó, khi làm việc tại NASA, ông rất tự tin với những gì mình tích lũy được.

Từng được nghe chia sẻ của một cựu phi hành gia, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung, chia sẻ: “Chia sẻ về sứ mệnh của mình, Michael Collins một cố phi hành gia nổi tiếng chỉ huy tàu Apollo 11 vào năm 1969 từng cho biết: “Phi hành đoàn của ông ấy đã cảm thấy sức nặng của thế giới trên vai mình. Ông ấy biết rằng mọi người sẽ nhìn vào họ, dù là bằng hữu hay kẻ thù và họ muốn hoàn thành sứ mệnh tốt nhất có thể”. Chính vì vậy, thông qua sự kiện này, HCA mong muốn các bạn trẻ hãy tiếp tục kiên trì, ấp ủ giấc mơ khám phá khoa học của mình, hãy biến những điều ước của mình thành hiện thực, để một ngày không xa, chính các bạn trở thành những tấm gương sáng cho những thế trẻ Việt Nam tiếp bước trên con đường chinh phục không gian.

Mỗi hoạt động là một trải nghiệm, vun đắp ước mơ lớn

Lần đầu tiên được gặp gỡ và nghe các cựu phi hành gia kể những câu chuyện về cuộc sống của họ, em Thạch Vũ Quốc Đạt, học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỉnh Vĩnh Long, phấn khởi nói: “Bản thân em là học sinh chuyên vật lý, trước giờ em rất đam mê tìm tòi nghiên cứu khoa học. Vì vậy, khi tham gia sự kiện này, em cảm thấy mình như được mở rộng kiến thức về không gian, vũ trụ. Kinh nghiệm của các phi hành gia truyền đạt tại Tuần lễ không gian Việt Nam - Hậu Giang lần này, là những trải nghiệm thực tế và vô cùng quý giá đối với em”.

Không chỉ góp phần giúp học sinh thêm yêu khám phá về khoa học và vũ trụ, mà đối với sinh viên các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long được tham gia sự kiện là cơ hội tiếp cận với phi hành gia để học hỏi, tìm hiểu… Sinh viên Mai Tứ Thiện, Trường Đại học Nam Cần Thơ, thành phố Cần Thơ, bộc bạch: “Đối với sinh viên chúng em, khi tham gia sự kiện này tụi em được tìm hiểu nhiều hơn các kiến thức về vũ trụ. Từ các câu chuyện thực tế về kinh nghiệm, cuộc sống, công việc của các phi hành gia, chúng em hiểu và cảm phục rất nhiều về sự hy sinh, đóng góp to lớn, thầm lặng của các phi hành gia đối với nhân loại”.

Tuần lễ không gian Việt Nam (VIETNAM SPACE WEEK) diễn ra tại Hậu Giang từ ngày 5, 6-6; sau đó tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 7-6 và tỉnh Bình Định ngày 8, 9-6. Sự kiện gồm các hoạt động về giáo dục STEM Day dành cho sinh viên, học sinh trên tinh thần “Vui - Học - Sáng tạo” (Fun - Learn - Create) như: Tham gia trải nghiệm các hoạt động giáo dục STEM trong các lĩnh vực vật lý thiên văn, không trọng lực, robotics, thực tế ảo và thực tế tăng cường, vũ trụ ảo, cuộc thi NASA STEM cho học sinh; giải trí, trau dồi kiến thức và phát triển thể chất thông qua hoạt động trải nghiệm trên hiệu ứng Magic Floor...

Thông điệp quan trọng của Tuần lễ không gian Việt Nam sẽ là nguồn cảm hứng để giúp cho thế hệ trẻ Việt Nam tìm hiểu lĩnh vực không gian vũ trụ, sự đổi mới của khoa học công nghệ, thúc đẩy hợp tác và hiểu biết quốc tế.

Tuần lễ không gian Việt Nam - Hậu Giang 2023, được diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, từ ngày 5 đến 6-6. Hoạt động do UBND tỉnh Hậu Giang, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty Steamzone chủ trì. Trong gần 2 ngày diễn ra, sự kiện đã thu hút hơn 1.300 đại biểu tham dự, trong đó, có gần 1.000 học sinh tiểu học, THCS, THPT, sinh viên các trường cao đẳng, đại học các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long tham dự trực tiếp. Sự kiện được tổ chức trực tiếp kết hợp phát trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội fanpage, youtube thu hút hơn 8.100 lượt xem. Tại Tuần lễ không gian Việt Nam - Hậu Giang đã diễn ra các hoạt động như: buổi NASA talk show; hoạt động NASA STEM DAY (trải nghiệm các hoạt động giáo dục STEM, trải nghiệm hiệu ứng Magic floor, cuộc thi STEM…); cuộc thi NASA STEM; hoạt động NASA Diner; hoạt động xem thiên văn…

 

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Công viên Phần mềm Quang Trung, chia sẻ: Đây là lần đầu tiên một sự kiện giao lưu khoa học thật sự có ý nghĩa được tổ chức cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trong đó, tỉnh Hậu Giang được chọn làm địa điểm đăng cai tổ chức. Đây là cơ hội để các bạn sinh viên, học sinh của tỉnh Hậu Giang và khu vực đồng bằng sông Cửu Long tìm hiểu thêm quá trình cống hiến của các phi hành gia dành cho khoa học. Đó là những con người hy sinh không biết mệt mỏi cho hành trình khám phá và chinh phục không gian. Teo cơ, phóng xạ, nguy cơ ung thư và hệ thống miễn dịch suy giảm sau mỗi ngày, đó là một số hệ lụy có thể xuất phát từ việc ở ngoài không gian quá lâu mà bất cứ một phi hành gia nào cũng phải đối mặt.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>