Phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên tại Lung Ngọc Hoàng

24/02/2022 | 07:33 GMT+7

Đề tài “Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng” đã mở ra một hướng đi bền vững cho việc phát triển nguồn lợi thủy sản tại nơi này.

Hiện tượng “nước đen” xuất hiện nhiều tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

Nguồn lợi thủy sản tự nhiên đang chịu nhiều ảnh hưởng

Từ xưa đến nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng được biết đến là một vùng trũng điển hình của miền Nam sông Hậu, với hệ sinh thái đất ngập nước rừng tràm tự nhiên còn hoang sơ. Nơi đây quy tụ nhiều loại động, thực vật bản địa rất đa dạng và phong phú. Đặc biệt là các loài thủy sản như cá, tôm, cua đóng vai trò rất quan trọng không chỉ với sự đa dạng sinh học mà còn là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân xung quanh. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc đánh bắt với quy mô lớn bằng các phương tiện không phù hợp cùng với tình trạng ô nhiễm môi trường nước đã gây ảnh hưởng lớn đến nguồn lợi thủy sản tại đây.

Theo TS. Huỳnh Thu Hòa, nguyên Phó trưởng khoa Khoa học tự nhiên, Trường Đại học Cần Thơ: “Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có hơn 50% là rừng tràm. Bảo vệ rừng tràm, bảo vệ đa dạng sinh học là mục tiêu của ban quản lý khu. Nhưng rừng tràm cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng “nước đen”, ảnh hưởng đến các loài thủy sản sinh sống tại đây. Vì vậy, cần có giải pháp để giúp cho ban quản lý khu vừa giữ được rừng tràm, vừa phát triển được các nguồn lợi thủy sản tự nhiên”.

Hiện tượng “nước đen” tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng xuất phát từ sự phân hủy hữu cơ của các thảm thực bì và lá cây tràm, xuất hiện chủ yếu vào mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 10) tại các khoảng rừng thuộc phân khu chức năng bảo vệ nghiêm ngặt và phục hồi sinh thái. Ông Lương Văn Tuấn, ở ấp Phương Hòa, xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Năm nào tới mùa “nước đen” là cá dưới sông nổi đầu lên rất nhiều, đủ hết các loại. Cái này chắc là do dưới nước có những chất làm cá không thể sống được, phải ngoi lên mặt”. “Nước đen” còn làm ảnh hưởng mỹ quan, tiềm năng du lịch sinh thái của khu và đời sống sinh hoạt của người dân vùng đệm.

Từ tháng 3-2019 đến tháng 8-2021, đề tài “Thực trạng và giải pháp phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng” do TS. Trần Thị Kim Hồng làm chủ nhiệm, Trường Đại học Cần Thơ là cơ quan chủ trì, đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá thực trạng nguồn nước, các loài thủy sinh và tình hình khai thác thủy sản tại đây. Từ đó, đề xuất các giải pháp để khắc phục, khôi phục và phát triển nguồn tài nguyên thủy sản tự nhiên của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

Tạo cơ sở để phát triển nguồn lợi thủy sản

Thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu mẫu và phân tích chất lượng nước tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Chất lượng nước mặt ở kênh chính và phân khu hành chính dịch vụ của khu có dấu hiệu ô nhiễm tương đối cao hơn so với các phân khu còn lại, hầu hết các chỉ tiêu đều vượt giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Vào mùa mưa chất lượng nước ô nhiễm hơn mùa khô, chủ yếu là ô nhiễm hữu cơ và ô nhiễm dinh dưỡng.

Đề tài đã tiến hành khảo sát hiện trạng nguồn lợi thủy sản tự nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Qua khảo sát, có 85 loài cá thuộc 60 giống, 31 họ và 12 bộ đang sinh sống tại đây. Trong đó, có 5 họ, 1 bộ và 13 loài mới được ghi nhận, bổ sung vào danh lục cá của khu bảo tồn. Đặc biệt, trong quá trình thu mẫu, đề tài đã có một phát hiện mới ở loài cá sặc điệp, với nhiều cá thể có vài đặc điểm hình thái khác biệt so với các cá thể thông thường. Ngoài ra, các loài động vật đáy, động vật phù du, thực vật phù du và thực vật thủy sinh cũng được đề tài khảo sát, thống kê và cho thấy sự đa dạng, phong phú.

Đề tài cũng phân tích các chỉ số về đa dạng sinh học của khu. Kết quả cho thấy giá trị về nguồn gen của khu vực nghiên cứu là rất lớn, tuy nhiên, các loài có số lượng cá thể chiếm ưu thế lại không có giá trị kinh tế cao. Tình hình nuôi và khai thác thủy tại khu cũng được đề tài quan tâm, nghiên cứu. Từ đó, đề xuất các giải pháp để quản lý chất lượng nguồn nước và “nước đen”, quản lý các hoạt động khai thác cá tự nhiên và phương hướng tái tạo nguồn lợi cá tự nhiên trên rừng.

Theo bà Lê Thị Kim Diệu, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: “Kết quả của đề tài là cơ sở khoa học để Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng tiến hành thực hiện các công việc tiếp theo, trong đó có việc tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch để phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên tại khu trong thời gian tới”.

Vừa qua, đề tài này đã được Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh thông qua. Ông Huỳnh Trường Vĩnh, Giám đốc Sở khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội đồng, cho biết: “Hội đồng đánh giá cao sự nỗ lực của chủ nhiệm và các thành viên tham gia nghiên cứu đề tài. Đề tài đã hoàn thiện báo cáo khá công phu với khối lượng công việc lớn”.

Sau khi thông qua, đề tài sẽ tiếp tục được chỉnh sửa theo yêu cầu, góp ý của các thành viên hội đồng và chuyển giao kết quả nghiên cứu cho đơn vị ứng dụng là Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, để tiến hành các giải pháp phát triển nguồn lợi thủy sản tại khu trong thời gian tới.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>