Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Mấu chốt để thành công là gì ?

19/12/2023 | 08:39 GMT+7

Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) trên địa bàn tỉnh đang ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ. Tuy nhiên, nhiều người còn băn khoăn, để KNĐMST thành công, cần bắt đầu từ đâu ?

KNĐMST đang nhận được nhiều sự quan tâm, trợ lực từ Trung ương đến địa phương.

Đã được quan tâm, định hướng    

Theo Quyết định số 844 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ Hệ sinh thái KNĐMST Quốc gia đến năm 2025”, KNĐMST là “loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới”. Những năm qua, nước ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và triển khai các hoạt động thiết thực để tạo lập môi trường thuận lợi, thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành, phát triển doanh nghiệp KNĐMST.

Bà Lê Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, cho biết: “Tại Hậu Giang, được lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức nhiều sự kiện thu hút và thành công cho hoạt động KNĐMST trên địa bàn. Đơn cử là chuỗi hoạt động trong Tuần lễ Chuyển đổi số và KNĐMST - Mekong Delta 2023, các cuộc thi tìm kiếm tài năng KNĐMST cũng như các hoạt động hỗ trợ cho những ý tưởng về KNĐMST để hình thành và phát triển các sản phẩm, tạo thành một trong những sản phẩm chủ lực của địa phương”.

Dưới sự quan tâm, tuyên truyền và hỗ trợ đó, Hậu Giang đã bước đầu có những doanh nghiệp KNĐMST tiêu biểu, với các sản phẩm mới, đặc trưng cho tỉnh. Bên cạnh đó, hoạt động KNĐMST còn thu hút và nhận được sự hưởng ứng của nhiều thành phần, đối tượng khác nhau. Tinh thần và nhu cầu KNĐMST của người dân ngày càng nâng lên, với các ý tưởng đang được ấp ủ, chờ cơ hội để hình thành và phát triển.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Hai Huynh, ở ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, đang canh tác lúa theo hướng hiện đại và nuôi lươn. Với diện tích ao gần 2.000m2, hợp tác xã nuôi khoảng 500.000 con lươn, ước cung cấp cho thị trường từ 150-200 tấn lươn thương phẩm mỗi năm. Ông Trần Văn Huynh, Giám đốc Hợp tác xã, cho biết: “Từ nguồn nguyên liệu lươn của hợp tác xã, chúng tôi có ý tưởng tới đây, sẽ đầu tư nhà xưởng để làm một sản phẩm chế biến từ lươn, nhưng chưa làm được do chưa có sản phẩm cụ thể và nguồn vốn”.

 Như ông Huynh, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh đang có mong muốn khởi nghiệp, đặc biệt là KNĐMST. Tuy nhiên, còn đó những điều khiến họ băn khoăn, chưa mạnh dạn bắt tay thực hiện điều này.

Phải bắt đầu từ đâu?

KNĐMST muốn thành công cần phải có ý tưởng tốt. Để tạo ra một sản phẩm mới, áp dụng công nghệ mới, hướng tới thị trường mới, các chủ thể khởi nghiệp cần chú ý trong việc lựa chọn nguồn nguyên liệu, tìm kiếm công nghệ và nghiên cứu sản phẩm. Quá trình này thường mất thời gian và mang lại nhiều rủi ro, bởi nếu không có ý tưởng thực sự tốt, thì từ hàng ngàn ý tưởng ban đầu, chỉ còn một vài sản phẩm thành công.

Để chào hàng chuyên nghiệp, bán hàng thành công, các chủ thể KNĐMST cần nắm rõ cách xây dựng kế hoạch sản xuất; bao bì và nhận diện thương hiệu; marketing và phát triển thương hiệu; xây dựng kế hoạch kinh doanh sau sản xuất,... Để trợ lực cho hoạt động KNĐMST trên địa bàn tỉnh, vừa qua Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh, đã tổ chức lớp “Bồi dưỡng năng lực và kiến thức KNĐMST trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay”.

Lớp tập huấn huy động được sự tham dự của nhiều thành phần từ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp đến đoàn viên, thanh niên, sinh viên và nông dân trên địa bàn tỉnh. Em Trần Thị Ý Như, sinh viên Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, chia sẻ: “Qua lớp tập huấn đã giúp cho em nắm và hiểu rõ hơn về các bước thực hiện một dự án KNĐMST. Đây là tiền đề quan trọng để cho chúng em có thể thực hiện khởi nghiệp trong tương lai”.

Theo TS. Từ Minh Thiện, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ phát triển quốc tế Thái Bình Dương: “Hiện nay, thế mạnh của Hậu Giang vẫn là nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Khởi nghiệp từ việc ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ IoT, công nghệ AI,… vào trong lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Đây là lĩnh vực có thị trường, phù hợp với điều kiện đồng bằng sông Cửu Long và lợi thế của tỉnh Hậu Giang”.

Với những chia sẻ gợi mở đó, kỳ vọng trong thời gian tới, hoạt động KNĐMST trên địa bàn tỉnh sẽ ngày càng sôi nổi. Nhiều ý tưởng hay sẽ được hình thành, phát triển để tạo những sản phẩm đặc trưng, chủ lực cho tỉnh nhà.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>