Để khoa học - công nghệ trở thành động lực phát triển: Quyết tâm cao và nhiều việc cần làm !

30/07/2023 | 12:29 GMT+7

Sau chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN), đến làm việc tại Hậu Giang, hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới từ những chỉ đạo, gợi ý, hiến kế của Bộ trưởng và Đoàn công tác.

Ông Huỳnh Thành Đạt (thư 3 từ phải qua), Bộ trưởng Bộ KH&CN, cùng lãnh đạo tỉnh chứng kiến ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa UBND tỉnh Hậu Giang và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn 2023-2028.

Nhìn nhận đúng khó khăn, hạn chế

Là một tỉnh trẻ với xuất phát điểm thấp của đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, thời gian qua, Hậu Giang đã nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Trong thành tựu chung đó, ngành KH&CN tỉnh đã có những đóng góp quan trọng vào công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ KH&CN, góp phần giải quyết các vấn đề đặt ra trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, môi trường và tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, du lịch,…

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động KH&CN của tỉnh cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc. Ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, cho rằng: “Nếu đánh giá về KH&CN trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm. Chúng tôi nhận thấy đóng góp của KH&CN vào sự tăng trưởng của tỉnh thời gian qua chưa thực sự trở thành động lực. Đầu tư cho KH&CN vẫn còn nhỏ. Số lượng, chất lượng các nhà khoa học trên địa bàn vẫn còn thiếu và yếu, chưa thu hút được các nhà khoa học từ bên ngoài. Cũng như chưa thu hút được nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp để đẩy mạnh hoạt động KH&CN”.

Bên cạnh đó, việc xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn lúng túng, nhất là trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng KH&CN. Các đơn vị sự nghiệp công lập tuy đã được đầu tư trang thiết bị, nhưng công tác đào tạo, tiếp nhận các quy trình sản xuất chưa tương xứng, chưa sử dụng thành thạo máy móc, thiết bị. Việc thương mại hóa các sản phẩm là kết quả của nhiệm vụ KH&CN chưa nhiều. Hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu cho đơn vị ngoài nhà nước vẫn chưa thực hiện được do chưa thẩm định giá của các sản phẩm.

Trước những khó khăn đó của tỉnh, mới đây, Đoàn công tác của Bộ KH&CN, do ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN, làm Trưởng đoàn, cùng lãnh đạo các vụ, cục trực thuộc bộ, đã đến Hậu Giang làm việc để nắm bắt tình hình, hiến kế “gỡ khó” cho hoạt động KH&CN của tỉnh. Trong chuyến công tác này, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã cùng lãnh đạo tỉnh đến thăm một số cơ sở, hợp tác xã đang có nhu cầu được chuyển giao, ứng dụng KH&CN trên địa bàn tỉnh. Lắng nghe thực trạng, nhu cầu và tiếp nhận những đề xuất của tỉnh để có chỉ đạo, định hướng cụ thể cho tỉnh trong thời gian tới.

Gỡ khó để phát triển bền vững

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nêu đề xuất: “Mong Bộ KH&CN quan tâm, hỗ trợ tỉnh trong hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo, bố trí tăng nguồn sự nghiệp KH&CN ở Hậu Giang. Xem xét lộ trình tăng kinh phí sự nghiệp KH&CN, để “bảo đảm chi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp KH&CN” theo Quyết định số 569 của Thủ tướng Chính phủ. Xem xét, ưu tiên hỗ trợ tỉnh tham gia các chương trình KH&CN cấp quốc gia do Bộ KH&CN quản lý với 14 đề xuất cụ thể”.

Hậu Giang kiến nghị Bộ KH&CN nghiên cứu nhằm tìm ra mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tỉnh để làm căn cứ đề xuất các đột phá trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Hỗ trợ xây dựng mô hình canh tác nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn. Đăng ký, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “cá thát lát Hậu Giang”. Xem xét, thẩm định và cấp bảo hộ sở hữu trí tuệ cho các biểu tượng, nhãn hiệu của tỉnh. Xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn gen các loài đặc hữu tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen vịt xiêm, xoài thanh ca. Thiết lập Tổ hợp đổi mới sáng tạo tại Hậu Giang. Tổ chức Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Hậu Giang năm 2024,…

Nắm bắt thực trạng của tỉnh, ông Chu Thúc Đạt, Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, gợi ý: “Hậu Giang đã có chương trình phát triển KH&CN, tuy nhiên, để có sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt và có tầm lan tỏa cao, tôi đề xuất ngành KH&CN cần phối hợp với các ngành tham mưu xây dựng một nghị quyết chuyên đề cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thời gian dài hơi. Từ đó, sẽ huy động được nhiều nguồn lực, sự tham gia của các cấp, các ngành và đặc biệt là nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển KH&CN. Các sở, ngành, các địa phương của tỉnh cũng cần chủ động đề xuất những nhiệm vụ KH&CN, những vấn đề KH&CN đặt ra và cần sự hỗ trợ từ Trung ương để giải quyết cho tỉnh”.

Về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, chia sẻ: “Hậu Giang đang còn là vùng trũng cả về công nghệ, về nguồn đầu tư và con người, nên tỉnh cần có những cơ chế đặc thù ở cả ba góc ấy. Ngoài việc đào tạo đại học, tỉnh cần quan tâm đào tạo nghề, đặc biệt là nghề mới để tạo sự bứt phá. Bên cạnh hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tỉnh, Hậu Giang cũng nên hỗ trợ cho doanh nghiệp ngoài tỉnh nhiều hơn nữa. Làm sao để tỉnh thực sự là điểm đến hấp dẫn thu hút doanh nghiệp tới nghiên cứu, thử nghiệm và lan tỏa ra những địa phương khác”.

Hậu Giang xác định, đầu tư cho KH&CN là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Với quyết tâm cao độ, ngay sau chuyến thăm và làm việc của Đoàn công tác Bộ KH&CN, tỉnh sẽ có buổi làm việc để xác định những nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung triển khai nhằm đẩy mạnh hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Theo ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN: “Để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực, tạo ra những giải pháp đột phá thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhanh và bền vững, đề nghị các đồng chí lãnh đạo tỉnh mà trực tiếp, thường xuyên là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành KH&CN. Làm thế nào để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phải thực sự đồng hành, trực tiếp triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực, hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà sản xuất đổi mới công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng và gia tăng giá trị cho sản phẩm hàng hóa”...

Chú trọng phát triển, thu hút nguồn nhân lực KH&CN

 

Ông Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KH&CN, đề nghị: Hậu Giang cần chủ động nắm bắt và chuẩn bị các điều kiện để tận dụng cơ hội thu hút nhà đầu tư, khai thác các tiềm năng lợi thế này khi không gian phát triển được mở rộng. Tăng cường đầu tư nâng cao tiềm lực cho KH&CN và đổi mới sáng tạo, trong đó chú trọng phát triển và thu hút nguồn nhân lực KH&CN. Triển khai các nhiệm vụ KH&CN thiết thực, phục vụ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp trong tỉnh. Đối với việc phát triển Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Thủ tướng phê duyệt, Hậu Giang cần căn cơ trong việc xây dựng các chính sách thu hút được nhân lực KH&CN làm việc trong các khu này, để nghiên cứu, phát triển và lan tỏa công nghệ. Bố trí tăng dần chi ngân sách cho hoạt động KH&CN tiệm cận dần đến mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn theo Luật KH&CN 2013. Có giải pháp huy động nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước từ doanh nghiệp, các nhà tài trợ, đối ứng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN…

 Hậu Giang cần thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường liên kết, hợp tác mạng lưới đổi mới sáng tạo trong vùng. Chú trọng hợp tác, kết nối với Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao và tiếp nhận công nghệ hiện đại, thông minh, công nghệ xanh - sạch - thân thiện với môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển nguồn nhân lực quản trị công nghệ và quản lý doanh nghiệp. Quan tâm, hướng dẫn doanh nghiệp áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng và bảo hộ tài sản trí tuệ, mã số mã vạch, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa.

 

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>