Công nghệ trợ lực cho nông sản

05/07/2023 | 08:53 GMT+7

Công nghệ sấy phun đã và đang được nghiên cứu, ứng dụng trên nhiều loại nông sản, dược liệu của tỉnh, tạo nên những sản phẩm mới để chuyển giao cho doanh nghiệp và người dân, đưa nông sản của tỉnh vươn xa.

Phương pháp sấy phun đã và đang được nghiên cứu, ứng dụng trên nhiều loại nông sản của tỉnh.

Phương pháp nhiều ưu điểm

Nhắc đến những sản phẩm sấy, người ta thường nghĩ đến phương pháp sấy truyền thống. Nguyên liệu được sấy trong thời gian dài để trở nên khô, giòn và phải cho vào máy nghiền nếu muốn tạo ra sản phẩm dạng bột. Quá trình này mất nhiều thời gian và khi tiếp xúc nhiệt quá lâu, sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Do đó, một số công nghệ mới đã được nghiên cứu, ứng dụng để khắc phục nhược điểm này, tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn.

Sấy phun là phương pháp sản xuất bột khô từ chất lỏng hoặc bùn được làm khô nhanh bằng khí nóng. Theo đó, các nguyên liệu như nông sản, dược liệu sẽ được ép, nấu cao, chiết xuất,… để tạo thành dung dịch lỏng, cao lỏng, có độ nhớt phù hợp, rồi đem vào máy sấy phun. Khi đưa nguyên liệu qua bồn sấy, sẽ tiếp xúc với một luồng không khí nóng có nhiệt độ khoảng 140-1800C, lúc này, dung dịch sẽ trở thành dạng bột. Thời gian dung dịch phun vào buồng sấy và tạo bột chỉ mất vài giây.

Sản phẩm bột thu được sau khi sấy là loại tinh bột cao cấp, có độ hòa tan cao (từ 90-100%) và độ ẩm thấp (từ 3-4%). Tùy vào nguyên liệu, mà từng loại bột sấy phun có thể sử dụng để chế biến thực phẩm thông thường, thực phẩm chức năng, thuốc sủi bọt, bột nêm, nước có gas, nước hoa,… Nhận thấy phương pháp này phù hợp với các loại nông sản chủ lực và dược liệu trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, đã nghiên cứu, thử nghiệm và cho ra đời một số sản phẩm nổi bật.

Ứng dụng hiệu quả với nhiều nông sản của tỉnh

TS. Nguyễn Thị Kiều, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ, cho biết: “Chúng tôi đã và đang nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sấy phun trên một số sản phẩm như: bột rau má, bột cần tây, bột khóm, bột mít, bột nghệ, bột nước mía. Riêng rau đắng đất, chúng tôi có 2 sản phẩm là bột tươi trộn ăn cháo và trà rau đắng hòa tan, còn mãng cầu thì có bột mãng cầu tươi và trà mãng cầu hòa tan,…”. Hầu hết những sản phẩm này đều có nguyên liệu được lấy trực tiếp tại tỉnh.

Việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sấy phun trên một số loại nông sản đặc trưng, chủ lực của Hậu Giang được kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực cho lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và du lịch của tỉnh. Theo đó, những loại nông sản này sẽ trở thành nguyên liệu chính của ngành công nghiệp chế biến, vừa tạo đầu ra ổn định cho nông sản, vừa tạo ra những sản phẩm chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, tạo thương hiệu đặc trưng của tỉnh để góp phần phát triển du lịch.

Hiện nay, Hợp tác xã Kỳ Như, ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, là một trong những doanh nghiệp đã chuyển giao, ứng dụng công nghệ sấy phun với sản phẩm trà mãng cầu hòa tan. Bà Nguyễn Kim Thùy, Giám đốc Hợp tác xã Kỳ Như, chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi chỉ chuyên sản xuất và kinh doanh về cá thát lát. Nhưng sau khi được biết đến trà mãng cầu và những công dụng của nó đối với sức khỏe, tôi rất tâm đắc và quyết định làm thêm những sản phẩm này. Hiện nay, chúng tôi đang chuẩn bị để đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian tới”.

Bên cạnh việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sấy phun, hiện nay, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh đã và đang nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ khác. Qua đó, góp phần trợ lực cho nông sản của tỉnh, giúp các sản phẩm này được tiêu thụ mạnh mẽ và vươn xa hơn trên thị trường.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>