Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc chuyển đổi số

11/07/2022 | 16:41 GMT+7

Với quyết tâm cao trong cải cách môi trường đầu tư, sẵn sàng hợp tác, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục đầu tư, kịp thời nắm bắt, xử lý những khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị Hậu Giang đang nỗ lực để trở thành điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư ở lĩnh vực chuyển đổi số.

Bài 1: Hậu Giang mở rộng cửa đón nhà đầu tư lĩnh vực chuyển đổi số

Bên cạnh tập trung thu hút đầu tư ở các lĩnh vực lợi thế, tỉnh nhà đã xác định công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và chuyển đổi số nói riêng là một trong những lĩnh vực mũi nhọn được ưu tiên phát triển.

Những năm gần đây, tỉnh đang tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, xem đây là động lực để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng đến tạo dựng nền kinh tế bền vững, có hàm lượng chất xám lớn.

Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác chuyển đổi số.

Lĩnh vực mũi nhọn được ưu tiên phát triển

Mặc dù được thành lập muộn hơn so với các tỉnh, thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhưng Hậu Giang có lợi thế khi nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long và là cửa ngõ kết nối giữa các tỉnh Nam sông Hậu.

Cùng với sự năng động, các nỗ lực cải cách hành chính không ngừng của chính quyền tỉnh, đã tạo dựng được một môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, thu hút đông đảo các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh tập trung thu hút đầu tư ở các lĩnh vực lợi thế, tỉnh nhà đã xác định công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và chuyển đổi số nói riêng là một trong những lĩnh vực mũi nhọn được ưu tiên phát triển.

Những năm gần đây, tỉnh đang tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, xem đây là động lực để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, hướng đến tạo dựng nền kinh tế bền vững, có hàm lượng chất xám lớn.

Hậu Giang đã và đang triển khai nhiều chương trình, đề án, nội dung về ứng dụng CNTT như: Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang khóa XIV, nhiệm kỳ 2020-2025; Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh thông qua Đề án xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025; Kế hoạch xây dựng Chính quyền điện tử và chuyển đổi số tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và hàng năm…

Đây là các chủ trương, quyết sách lớn của tỉnh, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo tỉnh trong việc đầu tư và phát triển lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, làm nền tảng để cải thiện năng lực điều hành, môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tiến sĩ Lã Hoàng Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang, chia sẻ: “Lãnh đạo tỉnh đang rất quyết tâm chỉ đạo triển khai chuyển đổi số trên tất cả các ngành, lĩnh vực để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, trong đó tập trung phát triển kinh tế số, xã hội số. Nhu cầu về ứng dụng, sản phẩm, dịch vụ CNTT, chuyển đổi số tại tỉnh rất lớn trên tất cả các ngành, lĩnh vực, đặc biệt là các ngành thế mạnh như: nông nghiệp, chế biến, lao động việc làm, xây dựng, văn hóa và du lịch… Đây là các lĩnh vực có tiềm năng rất lớn, nhưng chưa thực hiện chuyển đổi số, đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực này”.

So với trước đây, hạ tầng CNTT và chuyển đổi số của tỉnh đã có những tiến bộ bước đầu đáng kể: Trung tâm dữ liệu của tỉnh đã được đầu tư bằng hình thức thuê dịch vụ và bước đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cũng như hoạt động ổn định 24/7 đối với các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.

Trang thiết bị CNTT cho các cơ quan nhà nước đã được đầu tư, nâng cấp. Hệ thống họp trực tuyến đã triển khai tới cấp xã, cơ bản đáp ứng cho việc chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn 2020-2025.

Hệ thống các phần mềm dùng chung của tỉnh đã phát huy hiệu quả và đáp ứng yêu cầu, tiện ích cho các tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết thủ tục hành chính cũng như giao tiếp với chính quyền các cấp. Hệ thống quản lý văn bản, hệ thống họp không giấy, cổng dịch vụ công trực tuyến, cổng thông tin điện tử tỉnh và ứng dụng di động Hậu Giang...

Tỉnh nhà đã có kế hoạch thành lập các tổ công nghệ số cộng đồng nhằm tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn cho người dân tham gia chuyển đổi số ở cả khu vực nông thôn lẫn thành thị. Mạng 4G đã phủ sóng toàn tỉnh và sắp triển khai thí điểm mạng 5G tại một số khu vực, địa bàn trong tỉnh.

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Tỉnh đang thu hút, kêu gọi đầu tư ở nhiều lĩnh vực của ngành CNTT, chuyển đổi số như: tư vấn, thiết kế, sản xuất phần mềm, cung cấp dịch vụ CNTT, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ… Bên cạnh thu hút các nhà đầu tư mới, tỉnh đang khuyến khích, hỗ trợ không chỉ các doanh nghiệp CNTT, mà còn các lĩnh vực khác để tham gia chuyển đổi số như: tư vấn, tập huấn, giới thiệu và cung cấp các nền tảng số để triển khai, góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới”.

Hậu Giang có nguồn nhân lực chất lượng cao khá dồi dào khi hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh những năm qua phát triển khá mạnh và đạt được những thành tựu to lớn.

Toàn tỉnh hiện có 18 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với 3 trường cao đẳng, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp tư thục, 5 cơ sở khác có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. 8/8 huyện, thị xã, thành phố có cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tỉnh còn liên kết với các trường đại học trọng điểm trong cả nước, vùng đồng bằng sông Cửu Long và tại địa phương trong phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao như: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Y Dược Cần Thơ, Đại học Cần Thơ, Đại học FPT, Công viên Phần mềm Quang Trung, Đại học Võ Trường Toản…

Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh đã có 205 sinh viên/10.000 dân. Với lợi thế cơ cấu dân số vàng, cùng hệ thống cơ sở đào tạo hiện có, Hậu Giang cam kết đáp ứng nguồn nhân lực dồi dào theo nhu cầu của doanh nghiệp.

“Trải thảm đỏ” thu hút nhà đầu tư tiềm năng

Hậu Giang luôn mở rộng cửa để đón các nhà đầu tư đa dạng ở các lĩnh vực, trong đó chuyển đổi số sẽ được ưu tiên kêu gọi. Đồ họa: LÝ ANH LAM

Toàn tỉnh hiện có 54 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT. Nhiều doanh nghiệp đã cung cấp những dịch vụ, phần mềm có hàm lượng chất xám cao, góp phần đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT trên địa bàn tỉnh hiện có quy mô nhỏ, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh, buôn bán sản phẩm, thiết bị phần cứng, linh kiện điện tử, lắp ráp, cài đặt, sửa chữa máy vi tính. Doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất phần mềm, công nghệ số còn rất hạn chế.

Để thu hút các nhà đầu tư ở lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số, Hậu Giang đang áp dụng các chính sách chung về ưu đãi đầu tư CNTT của Trung ương.

Tỉnh còn có chính sách thu hút đầu tư theo Nghị quyết số 21 ban hành năm 2019 của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025; năm 2021, UBND tỉnh cũng ban hành Kế hoạch số 182 Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tại Hậu Giang. Đây là điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh có thể được hưởng các chính sách liên quan.

Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy đầu tư ở lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số ở Hậu Giang rất tiềm năng, bởi tỉnh có nhiều thế mạnh mà các địa phương khác không có như: thiên nhiên ưu đãi, có chính sách khá cởi mở và thuận lợi của UBND tỉnh. Hậu Giang như trung tâm của miền Tây, đây là tiềm năng cơ hội rất lớn để tỉnh phát triển. So với trước đây, số lượng trường đại học, cao đẳng, hạ tầng giao thông được đầu tư khá đồng bộ đây là cơ hội để các nhà đầu tư tìm về Hậu Giang. Đặc biệt, dân trí ngày càng được nâng cao, vì vậy, tỉnh đang có một nguồn lực khá lớn và tốt. Không chỉ được xem là nơi tuyển dụng, mà các doanh nghiệp còn có thể đưa giáo trình về đây hỗ trợ các trường trong chương trình đào tạo, để thu hút sinh viên vào học tại các trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”.

Đánh giá về tiềm năng và lợi thế khi đầu tư tại Hậu Giang, ông Phạm Nguyên Khôi, đại diện Công ty TNHH KIZUNA-JVC, Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: “Hậu Giang là một trong những địa phương hưởng ứng tích cực hàng đầu những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ về chuyển đổi số. Cơ sở hạ tầng với hệ thống các đường cao tốc, đường liên thông đã, đang được xây dựng và hoàn thiện. Ngoài ra, sự phát triển song song về nguồn nhân lực cũng như phát triển đô thị, sự thân thiện của người Hậu Giang và các chương trình kêu gọi đầu tư vào tỉnh, là yếu tố tiềm năng mà công ty chúng tôi quyết tâm đầu tư tại tỉnh. Nếu được đầu tư vào tỉnh, chúng tôi rất mong muốn nhận được sự quan tâm của các cơ quan dành cho doanh nghiệp, để công ty được hướng dẫn hoạch định phát triển và hoạt động, đúng theo chủ trương và quy chế của tỉnh”.

Với vai trò là đơn vị kết nối các doanh nghiệp CNTT với các địa phương, thông qua Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng - Hậu Giang 2022, Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh ngoài giới thiệu các công nghệ mới tại Hậu Giang, còn hỗ trợ kết nối doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào tỉnh.

“Thông qua các hoạt động trong Tuần lễ chuyển đổi số, chúng tôi muốn giúp Hậu Giang tiến đến xây dựng lực lượng trẻ ứng dụng CNTT, chuyển đổi số ở các trường cao đẳng, đại học làm việc tại tỉnh và các tỉnh, thành lân cận. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đưa các giải pháp mới nhất theo đặc thù của tỉnh, khu vực, trong đó, vẫn tập trung ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển du lịch khách sạn, nhà hàng ở nhà vườn và bảo tồn thiên nhiên. Hướng đến Chính phủ số, doanh nghiệp số, chúng tôi cũng nhắm đến hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tại Hậu Giang và các tỉnh lân cận”, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ thêm.

Hậu Giang dự kiến thành lập Khu CNTT tập trung

Bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: “Tỉnh đang thu hút, kêu gọi đầu tư ở nhiều lĩnh vực của ngành CNTT nói chung, chuyển đổi số nói riêng, như tư vấn, thiết kế, sản xuất phần mềm, cung cấp dịch CNTT, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ… Bên cạnh thu hút các nhà đầu tư mới, Hậu Giang đang khuyến khích, hỗ trợ không chỉ các doanh nghiệp CNTT, mà còn các lĩnh vực khác để tham gia chuyển đổi số như: tư vấn, tập huấn, giới thiệu và cung cấp các nền tảng số để triển khai, góp phần hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số của tỉnh trong thời gian tới. Tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2021 thành phố Vị Thanh, trong đó, có 28,58ha dự kiến được sử dụng để thành lập Khu CNTT tập trung tỉnh Hậu Giang. Sở Thông tin và Truyền thông đang tham mưu UBND tỉnh thành lập Khu CNTT tập trung của tỉnh. Dự kiến, sau khi thành lập Khu CNTT tập trung sẽ thu hút các doanh nghiệp CNTT từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận vào đầu tư kinh doanh với các chính sách, chế độ ưu đãi dành cho các Khu CNTT tập trung theo quy định của Chính phủ”.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>