Cùng nhau hợp tác phát triển kinh tế gia đình

02/08/2023 | 08:26 GMT+7

Học tập và làm theo gương Bác tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, một số hộ nông dân ở ấp 8, xã Long Trị, thị xã Long Mỹ cùng nhau thành lập tổ hợp tác với mong muốn phát triển kinh tế gia đình ngay tại quê hương.

Gia đình ông Lê Văn Bình thu lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm nhờ trồng 2 vụ dưa hấu và 1 vụ màu.

Tổ hợp tác này được đặt tên là Quyết Tâm, với ý nghĩa các tổ viên tham gia phải luôn cố gắng, nỗ lực hết sức mình trong sản xuất.

Hiện, có 12 tổ viên tham gia, sản xuất trên diện tích khoảng 9ha, do ông Lê Văn Bình làm tổ trưởng. Các thành viên sản xuất 3 vụ trong năm, trong đó có 2 vụ trồng dưa hấu và 1 vụ trồng màu (dưa leo, đậu bắp, dưa lê…).

Theo ông Bình, khi tham gia tổ hợp tác, tổ viên được hưởng nhiều lợi ích. Trước hết, không phải lo vấn đề đầu ra của nông sản, bởi tổ hợp tác có liên kết với thương lái ở quận Cái Răng (thành phố Cần Thơ). Trước khi vào vụ, thương lái sẽ thỏa thuận với tổ hợp tác về giống, giá cả, đến thời điểm thu hoạch thì thực hiện thu mua nông sản của bà con theo thỏa thuận.

Lợi ích nữa là tổ viên có nhu cầu về vốn sẽ được tạo điều kiện vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Đáng chú ý là tổ hợp tác còn xây dựng được nguồn vốn cho tổ viên vay. Trong các buổi sinh hoạt hàng tháng, mỗi tổ viên đóng 200.000 đồng vào quỹ, tổng cộng đến nay được 247 triệu đồng. Số vốn này cho tổ viên vay với lãi suất 1%, trong thời hạn 9 tháng.

Ngoài ra, tổ viên còn được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất do ngành chức năng các cấp tổ chức. Họ còn chia sẻ với nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm canh tác nhằm nâng cao sản lượng và giá bán nông sản trên thị trường.

Được thụ hưởng nhiều lợi ích nên chuyện làm ăn của tổ viên trong Tổ hợp tác Quyết Tâm đạt hiệu quả khá cao thời gian qua. Gia đình tổ viên Phan Ngọc Hùng, ở ấp 8, có khoảng 1ha đất canh tác, mỗi năm trồng 2 vụ dưa hấu và 1 vụ màu. Trừ đi chi phí sản xuất, họ thu lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng, nguồn thu nhập không hề nhỏ ở nông thôn.

Ông Hùng cho biết: “Vì có thương lái bao tiêu nông sản nên chúng tôi rất yên tâm sản xuất, không phải lo vấn đề đầu ra, giá cả. Anh em trong tổ luôn sẵn lòng chia sẻ với nhau về kỹ thuật trồng, chăm sóc nên năng suất trồng dưa hấu và các loại rau màu đạt khá cao”.

Còn gia đình ông Lê Văn Bình, Tổ trưởng tổ hợp tác có 2ha đất canh tác. Giống nhiều tổ viên khác, gia đình ông trồng 2 vụ dưa hấu và 1 vụ màu trong năm. Vụ dưa hấu tết là vụ mà ông Bình và các tổ viên thu về nhiều lợi nhuận nhất. Thu nhập của gia đình ông Bình sau khi trừ đi các chi phí đầu tư khoảng 300 triệu đồng/năm.

Theo lão nông này, dù tham gia tổ hợp tác có nhiều lợi ích nhưng để đạt được lợi nhuận cao thì từng tổ viên phải chịu khó làm ăn, nhiều lúc làm quần quật từ sáng tới tối. Điều ông Bình thấy tâm đắc nhất là tổ viên trong tổ hợp tác đã biết học tập và làm theo gương Bác, cùng nhau đoàn kết, cần cù, chịu khó, chung sức phát triển kinh tế gia đình. “Các tổ viên dù tuổi đời, hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng luôn coi nhau như người thân, cùng chung ý chí phải vượt khó phát triển kinh tế gia đình để có cuộc sống tốt hơn”, ông Bình chia sẻ.

Thấy Tổ hợp tác Quyết Tâm hoạt động hiệu quả nên cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nâng lên thành hợp tác xã. Tập thể tổ hợp tác đã thống nhất vì họ hiểu hướng đi này sẽ giúp chất lượng hoạt động được nâng lên.

Muốn vậy, tổ hợp tác dự tính kết nạp thêm tổ viên, mở rộng sản xuất, đồng thời sẽ thực hiện các bước, thủ tục theo hướng dẫn. “Chúng tôi kỳ vọng khi nâng lên thành hợp tác xã thì hoạt động sẽ bài bản hơn, hiệu quả sản xuất sẽ cao hơn, đời sống của chúng tôi sẽ tốt hơn so với hiện nay”, ông Bình cho biết thêm.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>