Sẽ tăng cường thực hiện các giải pháp tham gia ổn định quan hệ lao động cuối năm

15/12/2023 | 07:25 GMT+7

Đó là khẳng định của ông Lê Thanh Phú (ảnh), Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, khi thông tin về tình hình công nhân, viên chức, lao động và việc chủ động triển khai các giải pháp tham gia ổn định quan hệ lao động trên địa bàn tỉnh vào thời điểm cuối năm 2023 và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

- Theo ông Lê Thanh Phú, trong năm 2023, đại bộ phận cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt các chính sách, pháp luật của Nhà nước, khắc phục khó khăn, an tâm lao động sản xuất, công tác, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Họ cũng mong muốn các ngành, các cấp luôn quan tâm đến đời sống, việc làm và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với đoàn viên, người lao động được thụ hưởng.

Cụ thể về tình hình việc làm, đời sống của công nhân, viên chức, lao động nói chung trong năm như thế nào, thưa ông ?

- Tình hình việc làm, đời sống của công nhân, viên chức, lao động nói chung, công nhân lao động trong các doanh nghiệp của tỉnh nói riêng được đảm bảo ổn định. Qua thống kê về tiền lương của người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, mức lương bình quân đạt khoảng 5,3 triệu đồng/người/tháng. Nhất là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khu vực hành chính sự nghiệp phấn khởi khi Chính phủ nâng mức lương cơ sở từ ngày 1-7-2023 lên 1,8 triệu đồng/tháng.

Từ nay đến Tết Nguyên đán 2024, các cấp công đoàn trong tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai thiết thực, hiệu quả các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Chưa kể, trong năm 2023, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cấp công đoàn đã tích cực, chủ động thực hiện nhiều giải pháp tham gia xây dựng, ổn định tình hình quan hệ lao động, phòng ngừa, tham gia giải quyết có hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Từ đó, góp phần giảm số vụ tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể xảy ra so với các năm trước.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tình hình diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu luôn biến động bất thường, làm ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Đáng quan tâm là, trước tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chưa ổn định, đời sống, việc làm của một bộ phận không nhỏ người lao động tiếp tục khó khăn, tình hình quan hệ lao động thời gian cuối năm 2023 và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tiềm ẩn có thể xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.

Thưa ông, trước tình hình đó, các cấp công đoàn trong tỉnh sẽ chủ động ứng phó thế nào để phòng ngừa tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể có nguy cơ xảy ra vào thời điểm cuối năm và dịp Tết Nguyên đán ?

- Để chủ động ứng phó với diễn biến tình hình quan hệ lao động, phòng ngừa, tham gia giải quyết hiệu quả các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đảm bảo hài hòa quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động và người sử dụng lao động, góp phần ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống, việc làm của người lao động, đặc biệt là thời gian trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Liên đoàn Lao động tỉnh đã có công văn yêu cầu liên đoàn lao động các huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành tỉnh và tương đương, công đoàn cơ sở trực thuộc tăng cường thực hiện các giải pháp tham gia ổn định quan hệ lao động.

Trong đó, triển khai thiết thực, hiệu quả các hoạt động theo kế hoạch của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nhằm đồng hành cùng Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội chăm lo kịp thời đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động, đảm bảo mọi đoàn viên, người lao động đều có tết.

Tập trung thực hiện hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đảm bảo đúng thời gian, quy định, không để sót đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ. Triển khai hiệu quả, nắm chắc tình hình quan hệ lao động, tình hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách với người lao động của các doanh nghiệp, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động để kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp giải quyết khi nảy sinh các vấn đề phức tạp, vi phạm pháp luật.

Mặt khác, quan tâm đặc biệt tới các công đoàn cơ sở doanh nghiệp có quan hệ lao động không ổn định, hay xảy ra tranh chấp lao động tập thể, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, các doanh nghiệp có đông lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, không có thưởng tết, có nguy cơ mất an toàn lao động, doanh nghiệp có chủ bỏ trốn...

Muốn vậy thì công tác tuyên truyền, phối hợp trong quá trình triển khai, thực hiện sẽ được các cấp công đoàn trong tỉnh chú trọng ra sao, thưa ông ?

- Chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người lao động, người sử dụng lao động về việc đồng hành, chia sẻ khó khăn để duy trì, ổn định và phát triển doanh nghiệp là cơ sở quan tâm, chăm lo tốt hơn đối với người lao động; mục tiêu hàng đầu là đảm bảo việc làm, đời sống, thu nhập, điều kiện làm việc an toàn, hạn chế xảy ra mâu thuẫn, xung đột dẫn tới tranh chấp lao động.

Đồng thời, tăng cường phối hợp, đối thoại với các đơn vị và người sử dụng lao động, chính quyền, chuyên môn đồng cấp để kịp thời phản ánh, thảo luận, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, những nguyện vọng, mong muốn hợp pháp, chính đáng của đông đảo người lao động; chủ động, phối hợp thực hiện tốt công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động, công đoàn tại địa phương, đơn vị.

Phối hợp với các cấp chính quyền, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp, Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp rà soát, lập danh sách các doanh nghiệp có nguy cơ phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn, nợ lương, không có khả năng trả thưởng, có nguy cơ xảy ra tranh chấp lao động để tham mưu với cấp ủy, chính quyền có phương án ngăn chặn, hỗ trợ, giải quyết kịp thời, giảm thiểu tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tự phát xảy ra; hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở, người lao động, người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng giải quyết, xử lý nhanh nhất các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, không để kéo dài, lây lan.

Thưa ông, đối với các công đoàn cơ sở sẽ làm gì để góp phần cùng công đoàn cấp trên kịp thời triển khai, thực hiện các giải pháp tham gia ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp được tốt hơn ?

- Đối với các công đoàn cơ sở trước hết phải chủ động nắm thông tin, phản ánh kịp thời tới công đoàn cấp trên về tình hình sản xuất, kinh doanh, thực hiện chế độ, các vấn đề bức xúc, khó khăn chung của người lao động... tại doanh nghiệp nói chung, để công đoàn cấp trên nắm bắt và hỗ trợ khi cần thiết. Báo cáo kịp thời với công đoàn cấp trên nếu doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp bị phá sản, có chủ bỏ trốn, chưa trả hoặc không trả được tiền lương, tiền thưởng cho đoàn viên, người lao động, nhất là dịp trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Cùng với đó, chủ động phối hợp, đề xuất với người sử dụng lao động phát động các phong trào thi đua hướng tới nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại định kỳ hoặc đột xuất hoặc theo vụ việc tại nơi làm việc; tổ chức hội nghị người lao động; thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp, tham gia thỏa ước lao động tập thể theo nhóm doanh nghiệp, theo ngành.

Ngoài ra, chủ động tham gia, đề xuất với người sử dụng lao động xây dựng, công khai phương án, kế hoạch trả lương, thưởng tết trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán ít nhất 20 ngày; giám sát việc thực hiện trả lương, thưởng tết, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, nghỉ ngơi, làm thêm giờ; đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho đoàn viên, người lao động tăng ca, làm thêm giờ, làm việc trong dịp tết; tuyên truyền, động viên đoàn viên, người lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết để tiếp tục lao động sản xuất tại doanh nghiệp; phối hợp với các tổ chức đoàn thể khác tổ chức các hoạt động chăm lo vào dịp tết tại doanh nghiệp.

Xin cảm ơn ông !

GIA NGUYỄN thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>