Hiệu quả từ mô hình giúp chị em vươn lên thoát nghèo

13/10/2023 | 07:43 GMT+7

Mô hình “Chị khá giúp chị nghèo” tại thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ đã và đang từng ngày hỗ trợ phụ nữ khó khăn có việc làm ổn định, hướng tới phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững.

Chị em ở ấp 3 đan lục bình kiếm thêm thu nhập.

Được biết, mô hình thành lập từ năm 2018 gồm các chị có điều kiện kinh tế khá giả và một số chị có hoàn cảnh khó khăn trong ấp 3 của thị trấn.

Tại đây, các chị khá, giàu sẽ tạo điều kiện cho các chị có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, như góp vốn xoay vòng cho chị nào có nhu cầu làm ăn vay hoặc hướng dẫn nghề thủ công mỹ nghệ làm ra sản phẩm bán tăng thu nhập…

Chị Nguyễn Thị Thu Ngân, Chủ nhiệm mô hình “Chị khá giúp chị nghèo” ở ấp 3, cho biết, được Hội LHPN thị trấn quan tâm, giúp đỡ từ những ngày đầu thành lập, đến nay mô hình có tới 23 thành viên. Các chị em không những hỗ trợ nhau về kinh tế mà còn giúp nhau nhiều trong cuộc sống, cụ thể ngoài việc cho vay vốn làm ăn phát triển kinh tế, các chị khá còn chia sẻ những kinh nghiệm về chăn nuôi, trồng trọt, có người còn dạy nghề miễn phí, chung quy để chị em có một cuộc sống ổn định hơn”.

Thấy được tính tích cực từ mô hình, bà Trần Thị Xô, ở ấp 3, đăng ký tham gia từ những ngày đầu thành lập. Bà Xô chia sẻ: “Hoàn cảnh khó khăn nên trước đây ai thuê gì tôi làm đó, sống qua ngày. Từ khi bị tai nạn lao động, tay gãy nên tôi không làm nhiều được như trước. Rồi mấy chị em chung ấp thấy thương nên vận động tôi tham gia mô hình, dạy tôi nghề đan lục bình và cho mượn vốn để mua lục bình về đan. Tuy thu nhập không cao, nhưng vẫn có cái nghề để nuôi sống bản thân”.

Chị Nguyễn Thị Huyền là thành viên của mô hình, sau thời gian tham gia, được hỗ trợ nên thoát nghèo, trực tiếp hướng dẫn lại nghề đan lục bình, chăn nuôi cho chị em.

“Nhờ chị em hỗ trợ cho vay, mua con giống về chăn nuôi, bây giờ cuộc sống gia đình cải thiện rất nhiều. Vì thế mà tôi muốn giúp đỡ những chị em nào khó khăn như mình trước kia có cái nghề để sống tốt hơn thay vì làm mướn vất vả”, chị Huyền tâm sự.

Hiện tại, chị Huyền có công việc và nguồn thu nhập ổn định, cải thiện khá đời sống, sinh hoạt gia đình. Ngoài những lúc chăn nuôi heo để bán thịt, chị còn có tiệm tạp hóa nhỏ và thời gian rỗi thì đan lục bình gia công.

“Thường sẽ mất khoảng 1 tháng để tôi hướng dẫn chị em đan lục bình và làm được sản phẩm, sau đó tôi sẽ giới thiệu đầu ra. Chị nào tuổi cao, sức khỏe kém thì tôi chỉ nguồn mua lục bình về đan hoặc ai còn khỏe thì tự vớt lên phơi, đan sẽ đỡ chi phí đầu vào. Đan trung bình cỡ 6 giỏ/ngày, mỗi tháng cũng kiếm thêm thu nhập khoảng 2 triệu đồng”, chị Huyền thông tin thêm.

Ngoài ra, chi hội phụ nữ ấp 3, thị trấn Vĩnh Viễn còn có nhiều hoạt động hỗ trợ khác như quyên góp tặng đường, bột ngọt, nước tương; vận động giặm vá lộ nông thôn, cất nhà tình thương, cải thiện an sinh xã hội.

Bà Phan Thị Thu Phượng, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Vĩnh Viễn, cho biết: “Mô hình này hiệu quả xuất phát từ tình cảm của chị em chi hội ấp 3, sẵn sàng tin tưởng cho vay không lãi suất để hỗ trợ các chị  thuộc diện khó khăn. Thông qua nhiều hình thức hỗ trợ mà nhiều chị em đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Tới đây, hội sẽ chủ động nhân rộng mô hình ra các ấp lân cận để góp phần kéo giảm tỷ lệ nghèo trong hội viên, phụ nữ, từng bước cải thiện kinh tế hộ gia đình, giảm nghèo bền vững trên địa bàn”.

Với cách làm sáng tạo, chủ động của Hội LHPN thị trấn Vĩnh Viễn và tinh thần “tương thân tương ái” mang ý nghĩa nhân văn của các chị em ở ấp 3 đã góp phần gắn kết các hội viên, phụ nữ, tạo công ăn việc làm ổn định, cùng nhau vươn lên phát triển kinh tế.

Bài, ảnh: LÂM KHANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>