Đan lục bình, tạo sinh kế ổn định cho phụ nữ nông thôn

27/11/2023 | 07:07 GMT+7

Tổ hợp tác “Đan lục bình” ở ấp 3 do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ thành lập vào năm 2022, đã và đang góp phần giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều phụ nữ nông thôn trong lúc nhàn rỗi.

Từ khi tham gia Tổ hợp tác “Đan lục bình” đã giúp thu nhập của bà Nguyễn Thị Đào cải thiện rõ rệt.

Tổ hợp tác “Đan lục bình” do bà Bùi Kim Thông làm tổ trưởng và trực tiếp hướng dẫn mọi người cách đan sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ lục bình. Theo bà Thông, nghề này thu nhập tương đối ổn định, có thể làm bất cứ lúc nào khi có thời gian. “Các sản phẩm tạo ra từ lục bình đều đơn giản, không cầu kỳ cách đan, nhưng đòi hỏi người đan phải chịu khó, tỉ mỉ”, bà Thông cho biết.

Lúc đầu thành lập, Tổ hợp tác “Đan lục bình” chỉ có 10 thành viên là chị em phụ nữ ở ấp 3. Tuy nhiên, sau khi thấy nghề đan lục bình dễ làm và kiếm thêm nguồn thu nhập đáng kể trong lúc nhàn rỗi, nên thời gian gần đây, nhiều chị em phụ nữ ở ấp 3 và một số ấp lân cận chủ động tham gia, đến nay, có gần 50 chị em là thành viên tổ hợp tác này.

“Qua giới thiệu từ người quen, tổ hợp tác ngày càng được nhiều chị em biết tới. Nhưng chỉ cần muốn học là tôi sẽ hướng dẫn cụ thể, không nhất thiết là người địa phương. Thực ra, tôi biết đến nghề này cũng nhờ được người đi trước chỉ dẫn cho. Do đó, khi chị em nào nhàn rỗi hay chưa có công việc ổn định, mà muốn có thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình, tôi sẽ dạy nghề hoàn toàn miễn phí”, bà Thông tâm sự.

Trước đây, một số chị em thường làm nghề đan lục bình theo hình thức nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu dành thời gian cho công việc nội trợ hoặc phụ giúp gia đình làm nông. Từ khi tham gia tổ hợp tác, các chị em an tâm bám nghề vì đầu ra sản phẩm được đảm bảo tốt hơn. Đó là nhờ tổ hợp tác này có liên kết với một công ty ở tỉnh Long An, nên các sản phẩm của chị em làm ra đều được thu mua ổn định.

Hàng tuần, bà Thông nhận khuôn, dây từ công ty, sau đó các chị em sẽ tới nhận mẫu khi có thông báo hoặc bà chở đến tận nhà cho chị em nào khó khăn trong việc di chuyển. “Đa phần nguyên liệu lục bình khô để đan đát đều được các chị em mua bên ngoài, chỉ số ít chị em tự đi cắt, phơi khô, nên khoản thu nhập hàng tháng cao hay thấp cũng tùy thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào này”, bà Thông cho biết.

Mỗi sản phẩm chị em làm ra có giá khoảng 20.000 đồng. Tùy theo thời gian, công sức mà số lượng sản phẩm đan được trong ngày giữa mỗi người sẽ khác nhau, nhưng chung quy lại, các chị vẫn có thể kiếm được khoảng hơn 3 triệu đồng/tháng. Hằng tuần, tổ hợp tác đan gia công từ 800 - 1.000 sản phẩm. Dựa trên yêu cầu đặt hàng, bà Thông sẽ đứng ra thu gom và giao đúng định kỳ với đối tác thu mua.

Bà Nguyễn Thị Đào, ở ấp 5, xã Thuận Hòa, bị khuyết tật chân, khiến chuyện đi lại bất tiện. Dù đã bén duyên với nghề đan lục bình từ trước đó, nhưng thường bấp bênh về thu nhập. Tuy nhiên, từ ngày tham gia tổ hợp tác, đời sống đã cải thiện rõ rệt. Theo bà Đào, nghề đan lục bình khá đơn giản, có thể làm lúc nào cũng được, nên đang trở thành nghề mưu sinh chính đối với những trường hợp đi lại khó khăn như bà.

“Nhờ có tổ hợp tác mà giúp tôi có nguồn thu nhập ổn định, vì đầu ra được đảm bảo hơn. Với công việc này, trung bình mỗi ngày, tôi kiếm được trên 100.000 đồng, riêng chị em nào khéo tay, đan nhanh sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Số tiền kiếm được hàng tháng, giúp tôi có thể trang trải các khoản chi tiêu trong cuộc sống”, bà Đào bày tỏ.

Theo bà Nguyễn Thị Tú, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Thuận Hòa, nghề đan lục bình có từ nhiều năm trước và thu hút không ít chị em phụ nữ tham gia. Thế nhưng, họ chủ yếu làm nghề ở quy mô nhỏ, tự phát. Từ khi thành lập tổ hợp tác, việc đan đát của chị em trở nên ổn định hơn, chủ yếu là nhờ đầu ra được đảm bảo. Qua đó, giúp nhiều phụ nữ nông thôn tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Việc tận dụng thế mạnh của miền Tây sông nước, nhiều lục bình và phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo và đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, Hội LHPN xã Thuận Hòa đã và đang góp phần tạo sinh kế ổn định trên chính nguồn thu nhập lúc nhàn rỗi cho nhiều phụ nữ nông thôn, bằng nghề sản xuất ra các mặt hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống từ cây lục bình quen thuộc ở vùng quê.

Bài, ảnh: LÂM KHANG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>