“Thư viện thân thiện” thúc đẩy phong trào đọc sách

19/03/2024 | 05:46 GMT+7

Là chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Tổ chức Room to Read thực hiện, Chương trình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” đã góp phần xây dựng thói quen đọc sách cho học sinh tiểu học, ở nhiều trường trên địa bàn tỉnh.

Khác với thư viện truyền thống, ở “Thư viện thân thiện” được đầu tư nguồn sách phong phú, đặc biệt không gian đọc được chăm chút.

Học sinh tích cực đọc sách hơn

Thư viện thân thiện Trường Tiểu học Một Ngàn, huyện Châu Thành A, được triển khai và đi vào hoạt động đầu năm học 2023-2024, do Tổ chức Room to Read tại Việt Nam hỗ trợ. Như tên gọi “Thư viện thân thiện”, nơi đây đã tạo được sự thoải mái, thích thú cho học sinh mỗi khi đến đọc sách. Không gian thư viện được thiết kế đẹp mắt, sắp xếp khoa học, ngăn nắp, hợp lý để học sinh dễ dàng di chuyển chọn sách.

Thư viện hiện có trên 2.200 quyển sách, điểm nhấn là sách được phân loại bằng bảng màu: xanh lá, đỏ, cam, xanh dương, vàng trên kệ phù hợp trình độ đọc của từng khối lớp. Cách làm này giúp học sinh dễ dàng tìm sách phù hợp với trình độ đọc và tự lấy được sách không cần sự hỗ trợ của nhân viên thư viện.

Thầy Đỗ Thanh Thiên, nhân viên thư viện của trường, chia sẻ: “So với thư viện truyền thống, mô hình Thư viện thân thiện có nhiều điểm mới, tạo được sức hút đối với học sinh tham gia đọc sách như bố trí sách ngăn nắp dễ lấy, thiết kế đẹp mắt, có đủ không gian để học sinh tham gia vào các hoạt động cá nhân, cặp đôi, nhóm. Nhà trường đã sắp xếp thời khóa biểu được tiết học tại thư viện 1 tiết/lớp/tuần. Trong tiết học này, giáo viên sẽ hướng dẫn, giúp học sinh phát triển thói quen đọc sách, luyện viết văn, rèn chính tả. Từ đó, hình thành kỹ năng đọc sách, văn hóa đọc, góp phần phát triển tư duy ngôn ngữ cho các em”.

Không chỉ có không gian đọc sách thoải mái, tại Thư viện thân thiện còn thiết kế, bố trí các góc hoạt động khác nhau: Góc khoa học, có góc tra cứu, góc vẽ, trò chơi. Sau khi đọc sách, học sinh có thể tham gia những hoạt động mở rộng viết, vẽ, làm thơ, thảo luận, đóng kịch, cảm thụ riêng theo khả năng, năng khiếu xoay quanh chủ đề vừa được đọc. Thư viện đã dần trở thành nơi được các em muốn đến để thư giãn, tìm kiến thức từ sách sau những tiết học.

Em Nguyễn Thanh Ngọc, học sinh lớp 4, cho biết: “Thư viện của trường con giờ đẹp lắm, sách được phân loại theo màu dành cho từng khối lớp, nên rất dễ tìm đọc hay mượn. Hôm nào giờ ra chơi con cũng tranh thủ đến thư viện tìm mượn một vài quyển sách hoặc truyện để mang về nhà đọc”.

Hướng mở dành cho thư viện theo chương trình mới

Chương trình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” được Tổ chức Room to Read hỗ trợ thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2021, đến nay có 30 trường tiểu học được đầu tư phòng đọc thư viện thân thiện, tổng kinh phí hỗ trợ gần 4 tỉ đồng.

Là một trong những trường được lựa chọn đầu tư triển khai mô hình “Thư viện thân thiện” từ cuối năm 2021, từ mô hình này đã mở ra một không gian mới giúp học sinh phát triển được tư duy, năng khiếu… theo mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

 Mở đầu tiết học tại thư viện, giáo viên tại Trường Tiểu học Phương Phú 1, huyện Phụng Hiệp, lựa chọn phương pháp phù hợp với nội dung quyển sách như đọc to nghe chung, cùng đọc, đọc cặp đôi, đọc cá nhân…

Cô Nguyễn Kim Thi, giáo viên của trường, tâm sự: “Trước khi trường thực hiện mô hình này, giáo viên đã được tập huấn trước, khi tổ chức một tiết học tại thư viện, khá nhẹ nhàng, không áp lực nặng nề. Sau khi thực hiện mô hình Thư viện thân thiện, các em đã biết thường xuyên đến thư viện để tìm sách đọc”.

Ở các trường đang triển khai mô hình Thư viện thân thiện, nhà trường sắp xếp 1 tiết đọc thư viện/lớp/tuần, tiết học này được đưa vào thời khóa biểu chính thức. Tiết đọc được tổ chức hàng tuần, giúp học sinh có thời gian được nghe thầy cô giáo đọc sách và từ đó tạo sự yêu thích, niềm đam mê đọc sách cho các em. Ngoài 1 tiết học chính khóa mỗi tuần, thư viện cũng mở cửa từ thứ 2 đến thứ 6, để phục vụ học sinh đến đọc, mượn sách…

Bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Mô hình Thư viện thân thiện được triển khai giúp học sinh có thói quen đọc sách, nâng cao khả năng ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, cuốn hút các em đến với thư viện hơn. Hiện nay, đối với học sinh tiểu học, các kỹ năng đọc rất là quan trọng. Khi các em phát triển được kỹ năng đọc sẽ giúp học sinh học tốt môn tiếng Việt từ cấp tiểu học. Từ đây, các em sẽ có khả năng học tốt hơn, khi ra ngoài các em sẽ có kỹ năng giao tiếp tốt”.

Với những hiệu quả mang lại từ việc thu hút học sinh đọc sách sau thời gian triển khai, Thư viện thân thiện được xem là mô hình phù hợp với tâm lý độ tuổi học sinh tiểu học, tạo thói quen đọc sách cho học sinh và kỹ năng phong trào học tập suốt đời.

Từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổ chức Room to Read ký kết Biên bản ghi nhớ thực hiện Chương trình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” giai đoạn 2016- 2020 (giai đoạn 1).

Kết thúc giai đoạn 1, thực hiện giai đoạn 2 (2021-2025), chương trình với mục tiêu giúp học sinh tiểu học có kỹ năng đọc, thói quen đọc; góp phần xây dựng văn hóa đọc trong trường tiểu học.

Đến nay, Chương trình “Thư viện thân thiện trường tiểu học” đã triển khai tại 36 tỉnh, thành phố trên cả nước. Riêng tại Hậu Giang, tính đến nay đã có 30 trường tiểu học ở 8 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai Chương trình “Thư viện thân thiện trường tiểu học”.

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích