Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: “Ở đâu có học sinh, ở đó phải có đủ giáo viên”

19/08/2023 | 12:57 GMT+7

(HGO) – Chiều ngày 18-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 với 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; ông Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tham dự tại điểm cầu trực tuyến của tỉnh Hậu Giang có ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các sở, ban, ngành của tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: Căn cứ vào tình hình thực tế để bố trí giáo viên hợp lý. Ảnh: VGP/NHẬT BẮC

Tại hội nghị, đại diện UBND các tỉnh, thành phố nêu thực trạng: Biên chế sự nghiệp giáo dục được giao bổ sung không đáp ứng được nhu cầu giảng dạy trong các cơ sở giáo dục; tỷ lệ giáo viên/lớp còn thấp hơn so với quy định; thiếu giáo viên, cơ sở vật chất phòng lớp cần nâng cấp, sửa chữa nhiều… Do đó, đã đề xuất tăng biên chế, có mức lương phù hợp cho giáo viên (nhất là mầm non, tiểu học), giảm học phí cho học sinh, có cơ chế chính sách hỗ trợ phù hợp cho học sinh bán trú, cơ chế chính sách thu hút đặc thù cho cho giáo viên vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm thiết chế giáo dục, phát triển các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các trung tâm học tập cộng đồng….

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cùng các sở, ban, ngành của tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu trực tuyến UBND tỉnh Hậu Giang.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả ngành giáo dục và đào tạo cả nước đạt được và chia sẻ với những khó khăn, thách thức ngành đang gặp phải. Để năm học mới 2023-2024 nâng chất lượng hơn, Thủ tướng đề nghị các địa phương chú trọng, quan tâm đầu tư phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú để con em đồng bào dân tộc có điều kiện học tập chất lượng hơn; nâng cao chất lượng tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng gọn, nhẹ, giảm áp lực, kinh phí, tổ chức thi an toàn, đúng quy chế, hiệu quả, tạo niềm tin trong toàn xã hội; quan tâm phát triển phong trào đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên; tăng cường thực hiện có hiệu quả tự chủ đại học, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, làm từng bước sau cho chất lượng.

Riêng thực trạng thiếu giáo viên, tinh thần chung là ở đâu có học sinh ở đó phải có đủ giáo viên, căn cứ vào tình hình thực tế để bố trí giáo viên hợp lý; nghiên cứu chính sách thu hút giáo biên, đào tạo giáo viên đủ về số lượng và chất lượng, bồi dưỡng giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019.

Thủ tướng Chính phủ nhất mạnh: thời gian tới các địa phương kiên quyết, kiên trì không cho ma túy xâm phạm vào trong trường học; khắc phục bằng được bạo lực học đường trong nhà trường để đảm bảo an ninh, an toàn cho giáo viên, học sinh; đẩy mạnh phát triển môn giáo dục công dân trong trường phổ thông, cần thiết tăng thời lượng môn học này; tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Các địa phương phải ưu tiên nguồn lực của địa phương cho giáo dục và đào tạo, quan tâm nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới trường lớp, đủ phòng học. Đảm bảo đủ nhà vệ sinh cho học sinh, chú trọng phát triển văn hóa học đường. Đủ sách giáo khoa và đội ngũ giáo viên cho năm học mới; sách giáo khoa phải đổi mới nhưng phải chuẩn mực, có tính ổn định, bền vững…

Cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên, nhiều nhất là tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ: Năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ tham mưu trình Bộ Chính trị phê duyệt 65.980 biên chế giáo viên bổ sung cho các địa phương trong giai đoạn 2022 – 2026. Cả nước có hơn 1,234 triệu giáo viên mầm non, phổ thông (tăng 71.927 người so với năm học 2021- 2022); có 37.619 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập, trong đó cấp mầm non có 12.152 trường, cấp tiểu học có 12.354 trường, cấp THCS có 10.672 trường và cấp THPT có 2.441 trường.

Cả nước có gần 606.210 phòng học các cấp mầm non, phổ thông công lập; trong đó, số phòng học kiên cố đạt tỷ lệ là 85%, 100% các tỉnh, thành duy trì tốt công tác xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, có 30/63 tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (tăng 4 tỉnh so với năm học trước); có 11/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2, mức độ 3 có 7 tỉnh; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn theo Luật Giáo dục 2019 tăng (giáo viên mầm non đạt chuẩn 86,3%, tiểu học 83,3%, THCS 90,3%, THPT 99,9%)...

Khó khăn hiện nay là cả nước còn thiếu 118.253 giáo viên; tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ còn diễn ra tại nhiều địa phương, thiếu nhiều nhất là giáo viên dạy tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật, cơ sở vật chất, phòng lớp cấp tiểu học khó đáp ứng đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày…

Tin, ảnh: CAO OANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>