Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên: “Con chung ai khóc...”

15/01/2024 | 08:38 GMT+7

Công tác đào tạo ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại không ít khó khăn, bất cập.

Bài 2. Khó chồng khó

Hiện nay các trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn vẫn rơi vào cảnh “đìu hiu” do ít học viên đăng ký học, thêm một nghịch lý là nếu có nhiều người học chưa hẳn các trung tâm đã vui, vậy vì sao có nghịch lý này?.

Nhiều lớp học nghề hiện nay không đảm bảo phương tiện, cơ sở vật chất giảng dạy.

Phân luồng không tốt cũng lo, phân luồng tốt càng... lo hơn

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, 6/7 trung tâm GDNN-GDTX thuộc huyện, thành phố đều giữ vững tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt từ 72,5% - 100%. Điều này minh chứng cho chất lượng GDTX luôn được quan tâm, nâng cao từng ngày.

Tuy nhiên, tuyển sinh nhiều không hẳn chỉ có niềm vui.

 Ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Tình hình tuyển sinh ở hệ GDTX cũng được coi là khả quan hơn rất nhiều. Tuyển sinh nhiều thì mừng, nhưng giờ cơ sở vật chất, phòng học, phòng học bộ môn, thiết bị phục vụ thực hành thí nghiệm ở các trung tâm hầu như không có. Vì vậy, trung tâm rất lo nếu tuyển sinh nhiều sẽ không đáp ứng được nhu cầu dạy và học”.

So với cách đây 3 năm, tình hình tuyển sinh ở hệ GDTX đã có nhiều thay đổi tích cực, nếu trước đây mỗi năm học mới, các trung tâm chỉ tuyển được 1 lớp với khoảng 12-30 học sinh/lớp, thì những năm nay số lượng này đã tăng gấp đôi, gấp ba. Tuy nhiên, khi số lượng học sinh tăng, đang kéo theo tình trạng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giáo viên.

Ông Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành, tâm sự: “Năm nay, số lượng lớp tăng hơn so với năm học trước, về cơ sở vật chất hiện đơn vị phải tổ chức cho học sinh học chéo buổi để đảm bảo đủ phòng học. Mấy năm nay, các trường THPT phân luồng từ kỳ thi tuyển sinh lớp 10 khá nhiều, chúng tôi cũng muốn đẩy mạnh tuyển sinh các em này vào học GDTX ở trung tâm, nhưng giờ cơ sở vật chất còn khó khăn, đội ngũ giáo viên thì thiếu, thiết bị dạy học cũng không có... nên chỉ dám tuyển vừa theo khả năng”.

Nhìn lại sau 9 năm thực hiện sáp nhập theo các trung tâm GDNN-GDTX, khó khăn về đội ngũ giáo viên đang là rào cản lớn trong nâng cao chất lượng.

“Do trước đây, hệ GDTX tuyển sinh gặp khó, một số giáo viên đã xin chuyển công tác, rồi số ít bị cắt giảm, khi tuyển sinh khởi sắc, đa phần các trung tâm đều thiếu giáo viên giảng dạy. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi phải thỉnh giảng giáo viên từ các trường THPT, ngoài ra phải trả kinh phí quy mô dạy thêm giờ cho giáo viên, khiến các trung tâm gặp khó nhiều hơn trong khi nguồn thu hệ GDTX không nhiều”, ông Hồ Thanh Trí, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Châu Thành A, chia sẻ.

Mong mỏi được xếp hạng thi đua...

Dù nhiều đơn vị quản lý nhưng các trung tâm GDNN - GDTX hiện nằm ngoài hệ thống thi đua của các đơn vị chủ quản, điều này khiến các đơn vị chạnh lòng.

Dù có nhiều đơn vị quản lý, nhưng nhiều người ví von các trung tâm GDNN-GDTX như “con có nhiều cha mẹ” nhưng chưa hẳn đã được lo nhiều. Theo các trung tâm, từ sau khi thực hiện sáp nhập đến nay, dù tích cực hoạt động, nhưng chưa được đơn vị nào xếp hạng thi đua hàng năm, điều này phần nào khiến các trung tâm thiếu động lực để phấn đấu, cũng như khẳng định vị trí trong công tác đào tạo.

Ông Lý Minh Tâm, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Vị Thủy, tâm sự: “Với chức năng được giao là đào tạo nghề và giảng dạy chương trình THPT hệ GDTX, mỗi năm các trung tâm đều được giao chỉ tiêu hẳn hoi. Ý thức chung, chúng tôi luôn cố gắng mở đủ các lớp dạy nghề, tuyển sinh học sinh sau tốt nghiệp THCS được phân luồng cũng như, nỗ lực đạt kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm. Tuy nhiên, dù có đạt kết quả cao ở từng chỉ tiêu giao, thì đến cuối năm cũng chẳng được đơn vị quản lý nào công nhận, bởi đến nay các trung tâm chưa được cấp quản lý nào xét thi đua điều này, khiến chúng tôi rất chạnh lòng”.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX thành phố Ngã Bảy, cho biết: “Nếu được xếp hạng thi đua ở khối của huyện hoặc 2 sở quản lý, cũng được xem là động lực để mỗi giáo viên, mỗi trung tâm phấn đấu. Bởi có thi đua, từng thầy cô sẽ chú trọng hơn trong việc nâng cao chất lượng dạy học hay đào tạo nghề. Có như vậy, các trung tâm mới dần khẳng định được chất lượng, chứ ngay cả đơn vị quản lý mình còn không quan tâm, thì làm sao mà học viên hay phụ huynh tin vào chất lượng đào tạo của trung tâm”.

Sau hơn 9 năm thành lập, các trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn: Chồng chéo trong quản lý; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý thiếu giáo viên dạy nghề.

Cơ sở vật chất được đầu tư từ năm 2015, hiện đã xuống cấp rất nhiều không đảm bảo cho việc dạy và học.

Trang thiết bị được đầu tư gần 18 năm nên đa phần đều cũ, lạc hậu, một số đã hết hạn sử dụng đưa vào thanh lý…

 AN NHIÊN -  BẢO NAM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>