Duy trì, nâng chất thành quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ

15/03/2024 | 08:17 GMT+7

Nhiều kinh nghiệm, giải pháp được triển khai dựa trên thực tế tại Hậu Giang, để phổ cập giáo dục (PCGD), xóa mù chữ (XMC) thực hiện đúng định hướng mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

Gắn với PCGD, XMC, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học được đầu tư, chất lượng giáo dục ở từng cấp học được nâng lên.

Kinh nghiệm, giải pháp hay được nhân rộng

Là trường THCS duy nhất trên địa bàn xã, bên cạnh công tác giảng dạy, Trường THCS Vị Thủy (xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy), còn tập trung thực hiện tốt công tác PCGD ở địa phương. Ông Cao Thanh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Dù không phải là địa bàn rộng, nhưng địa phương có một bộ phận con em đồng bào Khmer, học sinh thuộc gia đình hộ nghèo, khó khăn chiếm số lượng đáng kể, để góp phần cùng xã hoàn thành các chỉ tiêu đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3 trong năm 2023, trường tập trung làm tốt công tác tham mưu, chỉ đạo; nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên làm công tác PCGD, chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học ở trường; đẩy mạnh công tác xã hội hóa hỗ trợ cho học sinh nghèo, khó khăn…”.

Với nhiều nỗ lực của Trường THCS Vị Thủy và các trường trên địa bàn, đến cuối năm 2023, xã Vị Thủy có 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học, 100% học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS; thanh, thiếu niên 15-18 tuổi tốt nghiệp THCS đạt 95,1% và đang học chương trình giáo dục phổ thông hoặc giáo dục thường xuyên đạt 83,7%... Từ các kết quả đạt được, năm 2023 xã Vị Thủy được công nhận đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3 (năm 2022 đạt mức độ 2).

Cũng nỗ lực duy trì, nâng chất các kết quả đạt được công tác PCGD, XMC, đến cuối năm 2023 huyện Châu Thành A có 10/10 xã, thị trấn đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi; đạt chuẩn XMC mức độ 2; đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3; đặc biệt từ năm 2019 đến nay đều đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3.

Ông Lê Hoàng Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Châu Thành A, thông tin: “Bên cạnh những thuận lợi, hàng năm chúng tôi chủ động xác định những khó khăn trong thực hiện công tác PCGD, XMC như về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học, đội ngũ giáo viên còn thiếu so với nhu cầu thực tế, công tác huy động học sinh ra lớp phổ cập khó ở điểm nào… Từ đây, đơn vị sẽ tham mưu Huyện ủy, UBND huyện có những chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời”.

Mỗi năm, Ban Chỉ đạo PCGD, XMC huyện Châu Thành A đều xây dựng kế hoạch cụ thể chỉ đạo thực hiện mục tiêu PCGD, XMC gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Công tác xã hội hóa giáo dục còn được đẩy mạnh với mục tiêu tạo điều kiện cho học sinh đều được đến lớp. “Bên cạnh công tác tham mưu, phối hợp ngành cũng chủ động đẩy khâu tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong huyện về công tác PCGD, XMC. Khi người người, nhà nhà đều có ý thức, sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động học sinh đến lớp, đến trường. Đến nay, địa phương luôn giữ vững thành tích đạt được trong công tác PCGD, XMC trên địa bàn”, ông Sơn chia sẻ thêm.

100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn xóa mù chữ

Bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, chia sẻ: Ngành luôn xác định việc thực hiện Chỉ thị số 10 năm 2011 của Bộ Chính trị về PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả PCGD tiểu học và THCS, tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và XMC cho người lớn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Trên cơ sở đó, sở tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị, thành phố, các cơ quan, đơn vị huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung đồ dùng, thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Ngành còn tập trung nhiều giải pháp quyết liệt để đẩy mạnh công tác PCGD, XMC, nhằm huy động học sinh đến trường, nâng cao chất lượng dạy học, phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.

 Hệ thống cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã phát triển rộng khắp trong tỉnh, phủ kín đến các xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh hiện có 320 trường từ mầm non đến THPT, trong đó có 88 trường mầm non, mẫu giáo; 147 trường tiểu học; 62 trường THCS và 23 trường THPT (có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh). Ngoài ra, còn có 1 trung tâm giáo dục thường xuyên; 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện, thị xã, thành phố và 75 trung tâm học tập cộng đồng. Về giáo dục đại học, cao đẳng, có 2 trường cao đẳng (Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, Trường Cao đẳng Luật miền Nam) và 2 trường đại học (Trường Đại học Võ Trường Toản, Trường Đại học Cần Thơ khu Hòa An).

Tỉnh còn huy động được sự tham gia của hệ thống trường tư thục từ mầm non đến phổ thông, góp phần mở rộng quy mô mạng lưới trường lớp, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân và thực hiện tốt nhiệm vụ PCGD, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, để nâng cao công tác PCGD, XMC, Sở GD&ĐT đề ra nhiều giải pháp trọng tâm cho năm 2024.

Bà Trần Thị Huyền, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết thêm: “Trong năm nay, chúng tôi đề ra 6 chỉ tiêu cụ thể nhằm tiếp tục duy trì vững chắc công tác PCGD, XMC là: 75/75 xã và 8/8 huyện đạt chuẩn PCGD mầm non trẻ 5 tuổi; 100% xã và huyện đạt chuẩn PCGD tiểu học, THCS mức độ 3; 75/75 xã duy trì đạt chuẩn XMC mức độ 2; tỷ lệ sinh viên/vạn dân đạt 220 sinh viên/vạn dân; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 84% trở lên…”.

Kết thúc năm 2023, tại tỉnh 75/75 xã đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi và đạt chuẩn PCGD tiểu học mức độ 3; 2/8 địa phương cấp huyện đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 2, 6/8 địa phương cấp huyện đạt chuẩn PCGD THCS mức độ 3. Tổng số học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2022-2023 đạt 98,56%; qua phân luồng có 89,04% học sinh vào học lớp 10 THPT, GDTX, trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề (vào lớp 10 trường THPT đạt 86,53%; học lớp 10 GDTX đạt 2,51%).

Về công tác XMC có 75/75 xã đạt chuẩn XMC mức độ 2; 8/8 huyện đạt chuẩn XMC mức độ 2; tỉnh duy trì đạt chuẩn XMC mức độ 2 năm 2023; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt hơn 83%...

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích