10 năm đổi mới giáo dục từ Nghị quyết số 29

08/03/2024 | 05:04 GMT+7

Xác định Nghị quyết số 29 là nền tảng quan trọng đưa giáo dục Hậu Giang vươn mình thoát khỏi “vùng trũng”, cả hệ thống chính trị, cùng cộng đồng đã cùng chung tay “chắp cánh” cho giáo dục tỉnh nhà vững vàng đi tới.

Bài 2: Sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị

Nghị quyết số 29, đã tạo điều kiện cho toàn ngành giáo dục phát huy thế mạnh, đặc biệt là đổi mới, sáng tạo, tích cực, năng động, dám nghĩ dám làm.

Gắn với thực hiện Nghị quyết số 29, trường học trên địa bàn tỉnh luôn chủ động đổi mới dạy và học.

Đưa nghị quyết vào cuộc sống

Từ thay đổi tư duy, nhận thức về giáo dục trên cơ sở “đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT” theo tinh thần Nghị quyết số 29, các cấp ủy đảng đã có nhiều giải pháp, cách làm, hành động cụ thể, thiết thực, từng bước xây dựng nền tảng vững chắc để chắp cánh cho nền giáo dục tỉnh nhà vươn mình.

Cụ thể hóa Nghị quyết số 29, Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 202, ngày 10/2/2014; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 52 ngày 18/7/2014 về thực hiện Chương trình số 202; Đề án số 01 ngày 18/2/2016 của UBND tỉnh về việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 – 2020… Qua đây, góp phần thay đổi nhận thức của từng tập thể, cá nhân trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết. Từ đó, đã có nhiều cách làm hay, nhiều tập thể, cá nhân điển hình hết mình chăm lo cho sự nghiệp giáo dục.

Xác định GD&ĐT là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển, mức chi cho GD&ĐT luôn được ưu tiên, tính đến tháng 6-2023 tổng chi ngân sách của tỉnh cho lĩnh vực văn hóa - xã hội (trong đó có lĩnh vực GD&ĐT) tăng 65% so với năm 2013. Nhờ đó, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ đảm bảo; giáo dục phổ thông chất lượng đại trà, chất lượng mũi nhọn được nâng lên; giáo dục nghề nghiệp (GDNN), giáo dục đại học có nhiều chuyển biến tích cực; giáo dục ngoài công lập phát triển về quy mô và chất lượng...

Tính đến cuối năm 2023, mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh đã căn bản hoàn thiện, với tổng số 320 trường từ mầm non đến THPT trong đó, có 88 trường mầm non, mẫu giáo (5 trường tư thục); 147 trường tiểu học; 62 trường THCS và 23 trường THPT; 1 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX); 7 trung tâm GDNN-GDTX; 75 trung tâm học tập cộng đồng. 262 trường từ mầm non, mẫu giáo đến THPT đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 83,17%, với 16 trường từ mầm non, mẫu giáo đến cấp THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Đón nhận nhiều “trái ngọt”

Năm 2015, Hậu Giang đã được Bộ GD&ĐT công nhận hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Là một trong những địa phương đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành mục tiêu này.

Nếu năm 2011, tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS mức độ 1, thì năm 2018 đã đạt phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (75/75 xã, 8/8 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3), phổ cập giáo dục THCS đạt mức độ 2 (22/75 xã đạt chuẩn mức độ 2, 48/75 xã đạt chuẩn mức độ 3, 6/8 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và 2/8 huyện đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3).

Giáo dục tiểu học đổi mới hoạt động dạy và học, theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Giáo dục trung học tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy được tính tích cực, chủ động, tự lực, sáng tạo của học sinh, tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng giải quyết các vấn đề thực tiễn…

Nhiều năm qua, tỉnh luôn có mặt trong tốp những địa phương có điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT, tỷ lệ học sinh đậu tốt nghiệp ở mức cao... Đây là tín hiệu đáng mừng, không chỉ phản ánh đúng thực chất quá trình dạy và học của tỉnh, còn tạo nguồn tuyển sinh chất lượng cho các trường cao đẳng, đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chất lượng mũi nhọn cũng từng bước được khẳng định năm 2022, dự án “Nghiên cứu về hệ thống Iot trong ươm giống ớt Aji Charaptita” của nhóm học sinh Trường THPT Chuyên Vị Thanh (thành phố Vị Thanh), đoạt giải nhất tại Cuộc thi quốc tế về trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence Competition 2022), cuộc thi do FUNIX và Đại học Deakin (Australia) tổ chức dành cho học sinh Việt Nam và Ấn Độ.

10 năm qua, trong 40 dự án nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh được cử đi thi cấp quốc gia, đã đoạt 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba, 16 giải khuyến khích và 45 giải đặc biệt, giải triển vọng. Đây được xem là một trong những điểm sáng của ngành GD&ĐT trong việc đổi mới, phát triển nghiên cứu khoa học trong nhà trường…

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, từng chia sẻ: Toàn ngành GD&ĐT đang triển khai thực hiện Nghị quyết số 29, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 với mục tiêu đặt ra là giáo dục gắn với phát triển toàn diện. Ngành sẽ tiếp tục đổi mới phương pháp dạy và học, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất luợng GD&ĐT…

Dẫu còn không ít thách thức đối với “sự nghiệp trồng người”, song những thành quả đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 đã và đang tạo niềm tin, động lực để thầy và trò tỉnh nhà nỗ lực bước vào thời kỳ thử sức mới. Từ đây, nhằm tạo ra những bước đột phá, để gặt hái thêm nhiều “quả ngọt”…

Nghị quyết số 29, ngày 4/11/2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” sau 10 năm triển khai, một số mục tiêu phát triển giáo dục của Hậu Giang đã đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra: Năm 2015 tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; từ năm 2018 đến nay, tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS  mức độ 2, duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đạt hơn 83% (kế hoạch là 80%); tỷ lệ học sinh bỏ học năm 2022 giảm còn 0,06% (giảm 0,25% so với năm 2013, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch (dưới 0,8%)…

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Bài 3: Nút thắt cần tháo gỡ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>