10 năm đổi mới giáo dục từ Nghị quyết số 29

07/03/2024 | 07:11 GMT+7

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 (khóa XI), ngày 4-11-2013 “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, đã mang đến luồng gió mới, tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực cho ngành GD&ĐT Hậu Giang nói riêng, cả nước nói chung.

Bài 1: Mở ra chương mới của giáo dục và đào tạo

Nghị quyết số 29 ra đời được xem là cơ hội lớn để ngành GD&ĐT bứt phá. Tại Hậu Giang, từ chỗ phải đối diện với muôn vàn khó khăn, ngành GD&ĐT tỉnh đã từng bước vươn lên, thoát khỏi “vùng trũng về giáo dục”...

Chương trình giáo dục mầm non thay đổi lớn, khi hướng đến giúp trẻ phát triển toàn diện thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và kỹ năng xã hội.

Trò là trung tâm, chủ thể sáng tạo - Thầy là người gợi mở, “truyền lửa”

Đến Trường Mẫu giáo Họa Mi, huyện Vị Thủy, sau giờ tập thể dục buổi sáng, nhìn các bé hăng hái giơ tay để trình bày ý kiến của mình về chủ đề “Những công việc thường ngày của mẹ”, mới thấy tiết học của trẻ ngày nay không đơn thuần chỉ là học hát, múa.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Nếu trước đây các trường chỉ chú trọng trong chăm sóc trẻ, bé hầu như chỉ làm theo những gì cô giáo hướng dẫn, bây giờ chương trình giáo dục mầm non hướng đến giúp trẻ phát triển toàn diện thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm và kỹ năng xã hội… Gắn với đó, các trường chú trọng chăm sóc, giáo dục theo hướng lấy trẻ làm trung tâm. Qua đây, trẻ rất tích cực, sáng tạo trong khám phá, trải nghiệm, chủ động hứng thú tham gia vào các hoạt động học tập và sinh hoạt”.

Ở Trường Tiểu học Ngã Bảy 2, thành phố Ngã Bảy, thay vì bắt đầu ngay vào bài học cô đọc trò chép như trước đây, giờ học của học sinh được bắt đầu bằng các trò chơi, hoạt động hát tập thể, giúp học sinh rất hào hứng khi vào một bài học mới.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Phụng, Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: “Nhà trường xác định đổi mới, sáng tạo trong dạy học là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đây là “chìa khóa” để thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhằm phát huy năng lực, phẩm chất cho học sinh, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm, đưa nội dung giáo dục địa phương vào các môn học nhằm bồi đắp niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước. Tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa, tuyên truyền, giới thiệu về những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, giúp học sinh nêu cao ý thức gìn giữ, bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa địa phương”.

Tập trung thực hiện đổi mới trong cách dạy và học gắn với Nghị quyết số 29, ở cấp tiểu học, các trường ngoài tổ chức tốt việc dạy học môn tiếng Anh, tin học, còn khai thác hiệu quả kho video bài dạy minh họa, kho học liệu điện tử, học bạ điện tử, ứng dụng phim hoạt hình vào dạy học. Riêng ở cấp trung học đã chú trọng áp dụng phương pháp dạy học tích cực, triển khai nhiều chuyên đề nhằm lan tỏa cách dạy mới, dạy hay trong đội ngũ nhà giáo, chú trọng giáo dục rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh…

Không giống như phương pháp dạy học truyền thống, thầy đọc trò chép, những năm gần đây các trường học trên địa bàn tỉnh chủ động đổi mới phương pháp dạy học. Trong quá trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh được phát huy tính chủ động, sáng tạo trong học tập. Phương pháp dạy học mới chú trọng đến vấn đề các em sẽ vận dụng được gì qua việc học. Thầy cô là người hướng dẫn cho học sinh khai thác sử dụng sách giáo khoa và các tài liệu học tập, từ đó hình thành trong mỗi học sinh năng lực tự học, tự nghiên cứu.

Diện mạo trường, lớp thay đổi lớn

Gắn với hành trình 10 năm đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, tỉnh đã dành một nguồn lực khá lớn để từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất trường, lớp ở các địa phương.

Huyện Long Mỹ là một trong những địa phương đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Sau 10 năm thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết số 29, giáo dục nơi đây khoác lên mình chiếc áo mới. Ông Trương Văn Be, Phó phòng GD&ĐT huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, quan điểm GD&ĐT là quốc sách hàng đầu đã dần thấm sâu đến cơ sở. Tuy còn nhiều khó khăn về kinh tế, nhưng hệ thống trường, lớp học trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trong địa bàn, đặc biệt là đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất khang trang đáp ứng nhu cầu dạy và học cho các trường, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng, tỉnh còn chú trọng công tác quy hoạch phát triển GD&ĐT.

Nếu cuối năm học 2013-2014, số trường học trên địa bàn tỉnh là 338 trường, từ mầm non đến THPT, hơn 34% số trường đạt chuẩn quốc gia; tỉnh đã xóa phòng học tre lá và xã không có trường mầm non. Rồi trường đại học, cao đẳng cộng đồng, trường trung cấp nghề, trung cấp kinh tế - kỹ thuật... được đầu tư xây dựng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh.

Đến cuối năm 2023, toàn ngành có 320 trường từ mầm non đến THPT, với hơn 83% trường đạt chuẩn quốc gia. Trong đó, có 88 trường mầm non, mẫu giáo (5 trường tư thục); 147 trường tiểu học, 62 trường THCS và 23 trường THPT. Ngoài ra, còn có 1 trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh, 7 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (GDNN) - GDTX huyện, thị xã, thành phố và 75 trung tâm học tập cộng đồng. Hệ thống giáo dục ngoài công lập được khuyến khích đầu tư mở rộng, đảm bảo thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục phù hợp với lợi ích của người học, nguyện vọng người dân.

Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025, có 85% trường học đạt chuẩn quốc gia. Triển khai Đề án sắp xếp, kiện toàn các trường mầm non, mẫu giáo công lập trên địa bàn tỉnh theo lộ trình đề ra đến giai đoạn 2022-2025. Đối với ngành mầm non sẽ phấn đấu giảm còn 82 trường mầm non, mẫu giáo công lập, với 82 điểm chính và 114 điểm lẻ. Riêng Đề án sắp xếp, kiện toàn các trường tiểu học, THCS công lập trực thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố, phấn đấu trong giai đoạn 2022-2025 toàn ngành còn 138 trường tiểu học công lập (138 điểm chính và 101 điểm lẻ) và 61 trường THCS công lập (61 điểm chính và 11 điểm lẻ).

Để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, tỉnh đã lồng ghép sử dụng các nguồn kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học. Tỉnh  bố trí nguồn vốn 187 tỉ đồng để thực hiện mua thiết bị tối thiểu lớp 1, 2, 6, thiết bị phòng ngoại ngữ, phòng vi tính cấp THCS, THPT. Sở GD&ĐT thực hiện đấu thầu đầu tư thiết bị tối thiểu lớp 3, 7, 10 và phòng vi tính ở cấp tiểu học.

Chất lượng nguồn nhân lực không ngừng nâng tầm

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục của tỉnh đã được tăng cường cả về số lượng và chất lượng. Ngành có 9.363 cán bộ, giáo viên, nhân viên, trong đó có 283 thạc sĩ và 137 Nhà giáo Ưu tú…

Để đáp ứng kịp thời đổi mới giáo dục, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, đề án, nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh nói chung, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nói riêng như: Nghị quyết số 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 12 của HĐND tỉnh Quy định chính sách thu hút giáo viên giảng dạy các môn tiếng Anh, tin học, âm nhạc, mỹ thuật trên địa bàn tỉnh… là nền tảng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: “Nhận diện rõ thách thức để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, với sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, cùng các cấp, các ngành, ngành GD&ĐT đã phát triển toàn diện, tỉnh dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, với tỷ lệ hiện nay là 83,17%, (tăng gần 80% so với năm 2004), tỷ lệ học sinh bỏ học giảm, tăng tỷ lệ học sinh khá giỏi, giảm học sinh yếu kém. Toàn ngành hiện có 283 thạc sĩ (năm 2004 có 2 thạc sĩ)…”.

Từ khi Nghị quyết số 29 được triển khai, đã góp phần làm tiền đề quan trọng để ngành giáo dục thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đưa “sự nghiệp trồng người” của tỉnh nhà vươn lên thoát “vùng trũng về giáo dục”…

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

----------------

Bài 2: Sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích