Du lịch ĐBSCL: Tiềm năng rất nhiều nhưng đầy thách thức

02/04/2024 | 09:15 GMT+7

Du lịch ĐBSCL được đánh giá có rất nhiều lợi thế, tài nguyên du lịch thuộc loại “hiếm có khó tìm” nhưng thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao khai thác hiệu quả, chất lượng, níu chân du khách từ những lợi thế đó. Đây là bài toán không dễ tìm lời giải...

Du lịch ĐBSCL có nhiều lợi thế để níu chân du khách, vấn đề chính là khai thác, quảng bá ra sao? Ảnh: LÝ ANH LAM

Từ Hội thảo “Xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù đồng bằng sông Cửu Long” được tổ chức tại thành phố Cần Thơ mới đây, có nhiều hiến kế, định hướng và bàn cách tháo gỡ nút thắt cho “ngành công nghiệp không khói” ở miền Tây.

Tài nguyên du lịch thuộc loại “hiếm có khó tìm” nhưng đang đứng trên “đôi chân 3 điểm yếu”

Chia sẻ về những lợi thế của ĐBSCL, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị, cho rằng vùng có hệ sinh thái đa dạng và phong phú, gồm biển, đảo, cửa sông, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao. Đây là những tài nguyên du lịch rất quý giá, hiếm vùng đất nào có được, nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng với nhiều loại hình du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, biển đảo và du lịch tâm linh...

Với TS.Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL chính là “Thế giới sông nước Mê Kông” (Mekong Water World). ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, không chỉ về vẻ đẹp thiên nhiên mà còn là kho tàng văn hóa giàu bản sắc, có thể khai thác phát triển nhiều loại hình, từ du lịch sinh thái miệt vườn, cảnh quan sông nước, môi trường, bảo tồn thiên nhiên, du lịch nghiên cứu - nghỉ dưỡng, văn hóa, lễ hội - làng nghề truyền thống,... đến du lịch biển đảo chất lượng cao và có nhiều khả năng kết nối tour, tuyến với Thành phố Hồ Chí Minh, các vùng, miền trong nước, hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng sông Mekong.

Tuy nhiên, đi cùng với những thuận lợi sẵn có nhưng nhìn chung tốc độ phát triển thời gian qua chưa như kỳ vọng, ngành du lịch ĐBSCL đang đối mặt với nhiều khó khăn, hạn chế về xây dựng, phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù, sự thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, khai thác các đường bay tại cảng hàng không trong vùng vẫn còn hạn chế về công suất,...

“Du lịch ĐBSCL đang đứng trên “đôi chân 3 điểm yếu” là hạ tầng du lịch, nguồn nhân lực du lịch yếu kém và đang thiếu một cơ chế điều phối liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị ngành du lịch hiệu quả, nên không gian du lịch vùng, liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh bị ngắt khúc”, ông Hiệp chia sẻ thêm.

Đứng ở góc độ của doanh nghiệp lữ hành, bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel chi nhánh Cần Thơ, nhận thấy rằng hiện nay sản phẩm du lịch vùng dù có cải tiến nhưng vẫn đơn điệu, chậm đổi mới, thiếu sáng tạo và còn trùng lặp giữa các tỉnh thành, thiếu tính liên kết. Thiếu các sự kiện văn hóa, giải trí quy mô tầm cỡ quốc gia và khu vực, xúc tiến quảng bá du lịch còn hạn chế. Hệ thống giao thông đường bộ được đầu tư phát triển nhưng có một thực tế là việc khai thác các đường bay tại cảng hàng không trong vùng vẫn còn hạn chế về công suất. Đơn cử như Sân bay quốc tế Cần Thơ đã đóng rất nhiều đường bay, gây khó khăn trong việc kết nối với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế.

Hệ thống giao thông thuận tiện khi cầu Mỹ Thuận 2 đưa vào sử dụng, cũng góp phần phát triển Du lịch vùng ĐBSCL. Ảnh: TRUNG QUÂN 

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Tuấn, quản lý Phòng kinh doanh Cần Thơ Eco Resort, thông tin lượng khách nội địa đến với resort dù có phục hồi nhưng vẫn chưa mạnh do một phần nguyên nhân từ việc các chuyến bay đến Cần Thơ đã ngừng khai thác, làm việc di chuyển của du khách từ các nơi trong và ngoài nước bằng đường hàng không gặp nhiều khó khăn, bất tiện”.

Kỳ vọng cho tương lai

Từ những khó khăn còn tồn đọng trong thời gian qua đòi hỏi du lịch ĐBSCL cần có các giải pháp toàn diện, đồng bộ, huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển bền vững, tổ chức tốt không gian du lịch vùng.

TS.Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, đưa ra các đề xuất thành lập Ban Điều phối phát triển du lịch ĐBSCL; Xúc tiến hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch ĐBSCL; Kết nối thị trường du lịch, nhu cầu du khách với các điểm, tuyến, tour du lịch, hình thành các “Cluster - cụm ngành du lịch”; và có chương trình cấp vùng hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch theo trọng tâm.

Về góc độ xây dựng tour, tuyến và sản phẩm đặc thù, bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Vietravel Chi nhánh Cần Thơ, cho rằng cần tạo ra các trải nghiệm du lịch độc đáo và khác biệt, kết hợp du lịch với văn hóa, ẩm thực, thể thao và lễ hội địa phương,... để tăng sức hấp dẫn, tránh đơn điệu, nhàm chán”.

Với những “nút thắt” trong phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù, ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, nhấn mạnh có 3 giải pháp cần tập trung, một là về cơ chế, chính sách để phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL, hai là chú trọng đầu tư phát triển có trọng tâm các sản phẩm du lịch và tour, tuyến du lịch, ba là chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, để giúp du lịch ĐBSCL thật sự bứt phá, phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của các tỉnh, thành.

“Song song đó, cần chú trọng, quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số trong phát triển tour, tuyến và sản phẩm du lịch đặc thù vì đây là nhu cầu cấp bách và xu hướng tất yếu khách quan. Việc chuyển đổi số không được quan tâm sẽ dễ dẫn đến việc lạc hậu, hiệu quả kinh doanh sẽ không cao”, ông Phường chia sẻ thêm.

Từ một hội thảo chưa thể giúp du lịch miền Tây bứt phá mạnh mẽ, nhưng những hiến kế, giải pháp hay sẽ góp phần giúp “vùng đất Chín Rồng” định hình được cách làm hay, đưa du lịch dần bứt phá, từng bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Đạt doanh thu hơn 45.700 tỉ đồng

Trong năm 2023, du lịch ĐBSCL có sự phục hồi mạnh mẽ. Lần đầu tiên kể từ sau đại dịch Covid-19, du lịch vùng có sự tăng trưởng vượt đỉnh năm 2019, thu hút gần 45 triệu lượt khách (tăng 20,5%), đạt doanh thu hơn 45.700 tỉ đồng, tăng hơn 42,5% so năm 2022.

 Đến nay, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã công nhận 53 “Điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL”, góp phần tạo động lực phát triển du lịch bền vững.

 

THANH NGÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>