Ai là người tạo nên “Vườn tre cổ tích”

10/02/2024 | 05:42 GMT+7

Khoảng 2, 3 năm trước, hình ảnh vườn tre xanh ngút ngàn, rợp bóng mát tại ấp Phú Xuân, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, từng phủ sóng nhiều trang mạng xã hội, nơi đây giờ là điểm du lịch trải nghiệm khá thu hút. Vậy ai là người làm nên khu vườn được ví như “Vườn tre cổ tích” này ?

Dù đã 93 tuổi nhưng ông Tư Sang vẫn chăm chút cho từng bụi tre mỗi ngày.

Cụ ông 93 tuổi và vườn tre như tri kỷ đời mình

Tranh thủ những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp tìm về ấp Phú Xuân, để gặp cụ ông Đặng Văn Sang (Tư Sang), đã 93 tuổi, chủ vườn tre rộng khoảng 10.000m2 này.

Dẫn chúng tôi vào thăm vườn tre, nhìn về con đường tre dài hơn 500m, được bao quanh bởi những bụi tre uốn mình, đan nhau, khiến ai cũng bị thu hút, ông Tư Sang kể: “Hồi xưa, những năm mới tiếp thu khi nhà nước bắt đầu vét kênh, móc đất đổ lên bờ cho người dân, tôi thử trồng mía, bạch đàn, nhưng thấy không hiệu quả. Khoảng năm 1990, tôi quyết định trồng tre, bởi thời điểm đó cây tre thông dụng lắm, nào làm nhà, đan làm vật dụng trong gia đình, nào xịa mé… hầu như nhà nào cũng sử dụng đến tre. Lúc đầu, mỗi chỗ tôi chỉ trồng một cây, rồi từ từ nó nhảy cây con ra, giờ một bụi có khi cả trăm cây tre lớn nhỏ”.

Tre ở đây có rất nhiều loại: Tre mỡ, tre gai, tre xiêm, tre mạnh tông… mỗi loại đều có giá rất khác nhau. Nhìn đôi bàn tay chai sạn và gầy guộc của ông lão 93 tuổi đang tỉ mỉ tỉa bỏ từng ngọn tre non um tùm, từng mo tre khô… mới cảm nhận hết tình cảm của ông Tư Sang dành cho từng bụi tre đã gắn bó với gia đình ông hơn 33 năm qua. Ông Tư Sang cho hay: “Trồng cái gì cũng vậy, mình phải bỏ công chăm sóc mới có thu hoạch, không ngoại lệ cây tre cũng thế. Tôi phải cắt tỉa, dọn dẹp thường xuyên như vầy, thì cây tre mới khỏe và có sức sống, khi nhìn vườn tre mình cũng cảm nhận được vẻ đẹp của nó”.

Đúng như lời ông Tư Sang, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân vào vườn tre là không khí mát mẻ, thanh bình, yên ả. Những ánh nắng khi xuyên các lớp lá tre cũng trở nên dịu dàng và đằm thắm, khiến chúng ta có cảm giác như được hòa mình vào một khu vườn rất đỗi bình yên của vùng sông nước.

Khi mặt trời lên cao, mỗi lần gió thổi mạnh, thân tre vặn mình chạm vào nhau, tạo nên những âm thanh đặc biệt, làm cho ai một lần được trải nghiệm sẽ khó có thể quên được.

Cũng chính với ý nghĩ trồng tre không chỉ bán để cải thiện kinh tế gia đình, mà còn tạo một nét đẹp đặc trưng cho vùng quê nông thôn, hơn 30 năm qua, lúc rảnh rỗi ông Tư Sang cũng dành thời gian đi ra vườn tỉa nhánh, dọn lá tre rụng. Vào mùa khô, cứ cách 2-3 ngày, ông lại mang những thùng nước mát đến tưới cho từng bụi tre. Được làm việc dưới tán tre già, cụ ông 93 tuổi như khỏe ra.

“Trồng rồi thấy cây tre lớn lên từng ngày thấy vui, mình dành nhiều tình cảm với từng lứa tre. Tôi chọn trồng tre vì vừa thân thuộc, vừa có những đặc tính như người dân mình ngày xưa, mộc mạc, kiên trì vươn lên, khó khuất phục. Giờ mỗi khi đứng dưới những bụi tre, nghe tiếng gió thổi làm xào xạc lá, tạo thành âm du dương giúp tôi nhớ lại ký ức về làng quê xưa. Nhớ những ngày cả gia đình đốn tre cất nhà, nhớ từng cái rổ tre, cái xề được đan vội bằng tre để đựng mớ rau, con cá vừa bắt ngoài đồng hay những ngày đi lụm từng nhánh tre khô, mo tre về nhóm lửa nấu cơm…”, cụ ông hướng đôi mắt nhuốm màu thời gian bồi hồi nhớ về ký ức.

Vườn tre Tư Sang đã trở thành điểm du lịch ấn tượng, được nhiều du khách xa gần biết đến.

Từ vườn tre bình dị đến sản phẩm du lịch độc đáo, du khách xa gần biết tiếng

Nặng lòng với vườn tre do mình dày công chăm sóc, nên khoảng năm 2019, khi có người ngỏ lời thuê lại và đầu tư vườn tre thành điểm du lịch sinh thái, ông Tư Sang đã vui vẻ đồng ý. Với ông, cây tre không chỉ là người bạn tinh thần, còn tượng trưng cho nét đẹp văn hóa làng quê, nên những gì thuộc về văn hóa thì cần lan tỏa.

Ông Tư Sang chia sẻ lý do cho đầu tư du lịch: “Khi có mấy cháu ở thành phố Cần Thơ ngỏ ý đầu tư làm du lịch trong lòng tôi thấy rất vui, bởi nếu làm du lịch thì vườn tre của mình sẽ được nhiều người biết đến. Làm du lịch cũng là cách để vườn tre tiếp tục được giữ gìn, hình ảnh cây tre làng quê một thời gắn bó với người dân sẽ đến gần hơn với thế hệ trẻ sau này”.

Những ngày đầu làm du lịch, khu vườn tre khá mộc mạc và  khai thác những gì sẵn có, đến nay để đưa vườn tre trở thành sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo, tại đây được đầu tư thêm nhiều cảnh đẹp, những căn nhà phục vụ ăn uống, phòng nghỉ được làm bằng tre, lá rất đặc biệt. Ngoài ra, còn có các chòi, cầu gỗ len lỏi trong vườn tre... làm hoàn toàn bằng tre, gỗ. Có những vòm tre đặt tại các mé sông, những điểm chụp ảnh được trang trí bằng tre thu hút khách. Tại đây, du khách được chiêm ngưỡng khung cảnh yên bình với muôn loài chim chóc bay lượn, không gian xanh mát, những khóm tre um tùm bao phủ một vùng trời.

Ngoài các sản phẩm trên, không gian dành cho khách du lịch tham quan trải nghiệm vườn tre tự nhiên vẫn chiếm diện tích khá lớn.

Nhờ vẻ đẹp thiên nhiên kết hợp với những thiết kế mới lạ, hòa hợp cùng thiên nhiên đã giúp cho Vườn tre Tư Sang trở thành điểm đến dã ngoại hút khách bậc nhất ở huyện Phụng Hiệp cũng như Hậu Giang.

Với vẻ đẹp ấn tượng từ vườn tre, điểm du lịch này được bình chọn vào Top 7 “Ấn tượng Việt Nam 2022” ở hạng mục “Điểm du lịch sinh thái” do Báo Sài Gòn Tiếp Thị tổ chức.  

AN NHIÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>