Trao “cần câu” cho nạn nhân da cam

16/03/2022 | 08:19 GMT+7

Các cấp hội nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/Dioxin trên địa bàn tỉnh đã tích cực trao nguồn sinh kế, giúp các nạn nhân da cam vượt khó, vươn lên.

Vợ chồng ông Nguyễn Văn Khởi, ở ấp Mỹ Chánh, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, hy vọng cuộc sống sẽ tốt hơn khi mô hình chăn nuôi bò đem lại hiệu quả.

Trao ước mơ

Mấy tháng nay, ông Nguyễn Văn Khởi, ở ấp Mỹ Chánh, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tận tâm chăm sóc con bò được Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh Hậu Giang trao cho gia đình ông trước Tết Nguyên đán. Gia đình ông đầu tư xây hẳn một căn chuồng mới, với ông, đó là nền tảng để khởi nghiệp, nuôi khát vọng đổi đời của gia đình.

Là nạn nhân CĐDC thế hệ thứ hai, từ nhỏ ông Khởi đã lớn lên với đôi chân tật nguyền. Do không thể lao động được như người bình thường, nên hoàn cảnh gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Mọi thu nhập đều phụ thuộc vào tiền trợ cấp dành cho nạn nhân CĐDC và việc làm thuê của vợ ông. Để có thêm thu nhập, ông Khởi phải lặn lội giăng lưới, bắt cá kiếm sống qua ngày. “Thấy người ta nuôi bò, nuôi heo, vợ chồng tôi cũng ao ước dữ lắm. Nhưng mà làm hoài không có dư để mua con giống. Nhờ có mấy chú bên hội quan tâm mà tôi đã có con bò để nuôi. Hôm lên nhận bò mà tôi xúc động muốn khóc…”, ông Khởi kể.

Tương tự như hoàn cảnh của ông Khởi, gia đình bà Nguyễn Thị Chín, ở ấp Tân Long, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, cũng gặp nhiều khó khăn khi em Nguyễn Vũ Thanh, con trai bà, là nạn nhân CĐDC. Đã 18 tuổi, nhưng Thanh luôn cần có mẹ ở bên cạnh để trông nom. Cuộc sống của hai mẹ con chủ yếu dựa vào việc làm thuê bấp bênh tại vựa mít gần nhà, trong khi sức khỏe của bà Chín đang ngày càng suy yếu do căn bệnh tiểu đường. Con bò mà Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh vừa trao là tài sản quý giá nhất của gia đình trong lúc này.

Thắp hy vọng

Hay tin được nhận bò, bà Chín tranh thủ vay mượn để xây dựng chuồng trại, chuẩn bị cho việc chăn nuôi sắp tới. Người mẹ nghèo ân cần chỉ con trai cách cắt cỏ, cho bò ăn với hy vọng con có thể nhận biết và tự lực lao động trong thời gian tới. Bà Chín chia sẻ: “Với con bò được các cấp hội quan tâm, trao tặng, mẹ con tôi sẽ cố gắng chăm sóc thật tốt để bò mau lớn, sớm nhân giống để có nhiều bò hơn và phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”.

Còn gia đình ông Khởi, sau khi nhận được bò, xây chuồng trại, chăm sóc bò ổn định, ông mạnh dạn vay vốn để đầu tư nuôi thêm 100 con gà và cá tra. Ông Khởi xác định chăn nuôi sẽ là công việc chính trong thời gian tới để tạo ra nguồn thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.

Không chỉ có ông Khởi, bà Chín, từ đầu năm đến nay, đã có 11 gia đình được Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh trao nguồn sinh kế để khởi nghiệp. Trong đó, hội đã trao 3 con bò giống trị giá 15 triệu đồng, 8 con heo giống trị giá 3 triệu đồng. Đó là những “cần câu” để khởi đầu cơ nghiệp, thắp lên hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho các gia đình nạn nhân CĐDC tuy khó khăn, nhưng giàu nghị lực và ý chí vươn lên.

Ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin tỉnh, nhấn mạnh: “Xác định việc chăm lo cho nạn nhân CĐDC là nhiệm vụ chính của hội, do đó, trong năm nay, các cấp hội sẽ tiếp tục tập trung vận động nguồn lực để chăm lo cho nạn nhân vào các dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm và Đại hội Đại biểu lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022-2027 của Tỉnh hội... Trong đó, đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện cho các nạn nhân CĐDC có thêm sinh kế, mà chủ yếu là chăn nuôi như trao bò, heo, dê, gà,.. để họ có cách làm ăn bền vững hơn, vươn lên phát triển kinh tế; đồng thời, rà soát những trường hợp nạn nhân CĐDC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để vận động các nhà hảo tâm trực tiếp ủng hộ, hỗ trợ, giúp họ cải thiện cuộc sống”.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>