“Tôi đấu tranh vì công lý, lẽ phải”

18/04/2019 | 08:40 GMT+7

Nhờ ông Nguyễn Văn Phát, ở ấp Thạnh Hòa 2, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, phản ánh một số người hưởng không đúng chế độ tù đày, chế độ người có công đã giúp chính quyền kịp thời... sửa sai.

Ông Nguyễn Văn Phát luôn đấu tranh vì công lý, lẽ phải.

Cũng vì hành động ấy mà ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen (năm 2015) vì có thành tích xuất sắc trong công tác tố giác hành vi vi phạm chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn thành phố Vị Thanh.

Bằng khen ấy rất quý giá với ông Phát, nó đã nói lên tính cách liêm chính, bộc trực, thẳng thắn của con người ông.

Chuyện là khoảng năm 2014, khi đại biểu HĐND tỉnh đến tiếp xúc cử tri xã Hỏa Tiến thì ông nêu lên ý kiến khiến cả hội trường xôn xao: “Tôi mong chính quyền xem xét thu hồi lại tiền đã cấp cho một số trường hợp đang hưởng chế độ tù đày, người có công không đúng quy định”.

Nghe ý kiến này, ông Trần Công Chánh lúc đó là Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã chỉ đạo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với thành phố Vị Thanh tổ chức xác minh.

Làm việc với đoàn, ông Phát cung cấp danh sách những người hưởng chế độ không đúng để tạo thuận lợi cho ngành chức năng đi xác minh thực tế. Kết quả, cơ quan chức năng phát hiện 13 người đang hưởng chế độ tù đày, người có công không đúng và tiến hành thu hồi lại số tiền đã cấp phát trước đó.

Sở dĩ, ông Nguyễn Văn Phát biết họ hưởng chế độ không đúng vì từng quen biết và hiểu được lý do vì sao họ bị chính quyền Ngụy bắt.

“Họ đi tù vì phạm tội trộm cắp và vi phạm vào các tội khác mà khai là hoạt động cách mạng bị bắt. Những người khai man để hưởng chế độ của Nhà nước là điều không thể chấp nhận được! Nếu để cho họ được hưởng tiền chính sách thì còn gì là lẽ phải, còn gì là công lý”, ông Phát nói.

Dẫu biết việc nói lên sự thật sẽ bị nhiều người ghét nhưng ông vẫn làm vì đó là đạo lý phải làm.

Càng đáng quý hơn khi ông Phát từng nghe theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ để góp sức cho cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Ông từng bị giặc giam cầm mấy năm trời nhưng không khai bất cứ điều gì; ngày được trả tự do, ông lại nhanh chóng về với cách mạng.

Đặc biệt, giai đoạn 1965-1967, khi tham gia công tác tại Ban An ninh xã Hỏa Lựu (cũ), ông từng khiến bọn giặc khiếp sợ với sự dũng cảm của mình.

Theo đó, với lòng căm thù giặc, gan dạ, mưu mẹo, ông đã tỉ mỉ gài bom, mìn trên đường hành quân của giặc, kết cục loại khỏi cuộc chiến 12 tên. Với chiến công ấy, ông được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Ngụy. Khi đất nước thống nhất, ông Phát tiếp tục tham gia công tác ở ấp, xã để khắc phục hậu quả của chiến tranh, xây dựng quê hương thêm giàu đẹp.

Ông còn là đảng viên với hơn 35 năm tuổi Đảng. Khí tiết cộng sản luôn ở trong người ông, để rồi giúp ông có đủ dũng khí để đối mặt, đấu tranh với cái sai, cái xấu.

Lâu lâu nhìn lại bằng khen do Chủ tịch UBND tỉnh ký tặng mà lòng ông Phát thấy phấn khởi, tự hào. Con cháu ông cũng tự hào về tính cách liêm chính, thẳng thắn, trung thực của người ông, người cha mình. Họ coi đó là tấm gương để rèn luyện bản thân phải biết sống chân thật, sẵn sàng đấu tranh với cái sai, bảo vệ cái đúng để những điều tốt đẹp càng thêm lan tỏa...

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>