Phòng, chống đuối nước trẻ em: Cần sự chung tay vào cuộc của cộng đồng

08/06/2023 | 08:27 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 5 vụ đuối nước trẻ em, gây đau xót cho gia đình và xã hội. Phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Thương (ảnh), Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xoay quanh các giải pháp để chủ động phòng tránh những vụ việc đáng tiếc.

Xin ông cho biết những kết quả đạt được và khó khăn gặp phải trong công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh ?

- Thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung, đặc biệt là công tác phòng, chống đuối nước trẻ em đã được cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở quan tâm và triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. UBND tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội có nhiều công văn về thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; các ngành đã phối hợp, chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai nhiều hoạt động như tổ chức tập huấn, tuyên truyền về phòng, chống tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước trẻ em; tổ chức dạy bơi, học các kỹ năng an toàn trong môi trường nước; cấp phát tờ rơi, tờ bướm tuyên truyền về phòng, chống đuối nước đến các bậc phụ huynh và học sinh… Bên cạnh đó, UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch bảo vệ trẻ em, xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em, góp phần tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ.

Học bơi là cách phòng, chống hiệu quả tai nạn đuối nước ở trẻ em.

Dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, tai nạn đuối nước trẻ em vẫn còn xảy ra. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 5 vụ đuối nước trẻ em, tăng 2 vụ so với cùng kỳ. Mỗi khi có vụ việc đuối nước xảy ra, là một lần nữa để lại sự chua xót, day dứt của gia đình và xã hội.

Theo ông thì nguyên nhân nào dẫn đến những tai nạn đáng tiếc này ?

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ em bị đuối nước như: Đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, cha mẹ đang phải lo mưu sinh, không có thời gian quan tâm, giám sát con cái một cách chặt chẽ. Trẻ em chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, phòng tránh tai nạn đuối nước. Bên cạnh đó, do đặc thù địa hình của tỉnh có nhiều sông, kênh, mương nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra đuối nước. Ngoài ra, do thiếu khu vui chơi, sân chơi ở cộng đồng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa và khu vực nông thôn nên nhiều trẻ tự tìm đến khu vực kênh, mương vui chơi cũng khiến tình trạng này thêm phức tạp.

Để đẩy mạnh công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, tỉnh sẽ triển khai các giải pháp gì, thưa ông ?

- Việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em được coi là vấn đề cấp bách cần có sự quan tâm vào cuộc của toàn xã hội. Vì vậy, trước hết cần tăng cường công tác truyền thông, phổ biến giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, địa phương, gia đình, cá nhân về phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Mở nhiều lớp dạy bơi cho trẻ em; vận động, khuyến khích cha mẹ đưa con trẻ tham gia các khóa, lớp học bơi để các em có kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Thường xuyên rà soát, kiểm tra các khu vực tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước như các công trình chứa nước, cống thoát nước; vận động gia đình làm rào chắn đối với kênh, mương gần nhà.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả việc xây dựng mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Trường học an toàn”, “Cộng đồng an toàn”. Bên cạnh đó, vận động các nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn. Tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phù hợp với từng lứa tuổi, tạo mọi điều kiện để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, thân thiện, phát triển một cách toàn diện…

Để phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em, cùng với ngành chức năng, về phía các bậc phụ huynh cần có trách nhiệm như thế nào, thưa ông ?

- Các bậc làm cha, làm mẹ cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm của mình trong việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo con trẻ không đến gần kênh, mương, sông và các dụng cụ chứa nước như lu, kiệu. Chủ động đưa con trẻ tham gia các lớp học bơi. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với nhà trường, các cơ quan chức năng liên quan trong việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con trẻ…

Những thông điệp, khẩu hiệu truyền thông Tháng hành động vì trẻ em

Chung tay xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho mọi trẻ em;

Phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em là bảo đảm quyền được sống của trẻ em;

Hãy cho trẻ em học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước;

Lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động.

 

Xin cảm ơn ông !

BÍCH CHÂU thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>