Để gia đình chính sách có cuộc sống tốt hơn

05/11/2019 | 19:12 GMT+7

Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, các cấp, các ngành và địa phương đã thực hiện nhiều hoạt động chăm lo, tạo điều kiện để gia đình chính sách có cuộc sống tốt hơn...

Nhờ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, ông Hải đã mở rộng việc mua bán.

Trong căn nhà tình nghĩa được trao tặng vào năm 2018, bà Lương Thị Hai, con liệt sĩ Lương Tấn Bửu, ở ấp 3, xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, đang chuẩn bị nấu cơm chiều. Căn nhà nhỏ gọn, nhưng đầy ắp nghĩa tình. Hoàn cảnh gia đình bà Hai rất khó khăn, bà thì lớn tuổi lại có thêm bệnh trong người nên ước mơ cất lại căn nhà cho tươm tất quá xa tầm với của gia đình. Chia sẻ trước khó khăn ấy, các cấp, các ngành đã vận động Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Hậu Giang hỗ trợ cho bà căn nhà tình nghĩa trị giá 50 triệu đồng. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng hỗ trợ 20 triệu đồng, để căn nhà tươm tất hơn.

Nhớ lại ngày được chính quyền địa phương cho hay bà sẽ được hỗ trợ nhà tình nghĩa, bà Hai mừng đến rơi nước mắt. Bà Hai cho biết: “Cha tôi tham gia cách mạng và hy sinh khi chị em tôi còn nhỏ. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã quan tâm, chăm lo cho gia đình tôi rất nhiều. Trước đây, mẹ tôi đã được cất nhà, nay đến tôi cũng được cất. Tôi biết ơn sự quan tâm này lắm”.

Ngày căn nhà được bàn giao bà Hai vô cùng phấn khởi, bà siết chặt tay từng người để cám ơn đã quan tâm, hỗ trợ cho bà căn nhà nghĩa tình này. Theo bà Hai, từ đây cuộc sống gia đình đã bước sang trang mới, tiến bộ hơn. Những tháng ngày sống trong căn nhà xiêu vẹo, xập xệ đã là chuyện của quá khứ. “Dẫu đã ngoài 70 tuổi, nhưng tôi vẫn cố gắng làm những công việc phù hợp với sức khỏe, để cuộc sống ngày càng ổn định”, bà Hai chia sẻ.

Ngoài hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, các ngành, các cấp và chính quyền địa phương các cấp luôn thực hiện tốt các chính sách dành cho gia đình có công với cách mạng như chăm sóc sức khỏe, miễn giảm học phí, đào tạo nghề... Đặc biệt, nhờ tận dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều gia đình chính sách có thêm nguồn vốn để đầu tư vào mô hình sản xuất, chăn nuôi, mua bán... góp phần phát triển đời sống.

Năm 2018, thương binh 4/4 Huỳnh Tứ Hải, ở ấp 11, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy đã vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 24 triệu đồng để mở rộng việc buôn bán. Theo ông Hải, nhờ có số vốn này gia đình đã mua thêm một số hàng hóa để phục vụ cho việc buôn bán. Từ đó, cuộc sống gia đình ổn định và có bước phát triển hơn.

Trò chuyện cùng ông Hải, được biết, tháng 5-1967 ông tham gia Trung đoàn 1 Sư 30. Đến năm 1968, ông được cử đi học Trinh sát đặc công. Trong những năm chiến tranh ác liệt, không ít lần ông bị thương, thế nhưng với ý chí của người lính Cụ Hồ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, người thanh niên này đã tiếp tục cống hiến sức trẻ cho đến ngày hòa bình, thống nhất đất nước.

Hòa bình lập lại, vợ chồng ông cật lực lao động, nhưng cái nghèo mãi đeo bám. Những năm đó, vợ ông đi cắt lúa mướn khắp nơi, còn ông thì ai mướn gì làm nấy, nhưng cơm cũng chẳng đủ ăn, áo cũng chẳng đủ mặc. Vài năm trở lại đây, con cái lớn khôn lập gia đình, ai cũng có công ăn chuyện làm, nên cuộc sống cũng đỡ vất vả. “Do chúng tôi không có đất đai, ruộng vườn, chỉ buôn bán tạp hóa nhỏ sống qua ngày, nên năm vừa qua tôi mạnh dạn vay tiền Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mở rộng công việc buôn bán. Nhờ biết tính toán làm ăn, công việc cũng suôn sẻ, mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng. Từ đó, cuộc sống gia đình khá hơn trước”, ông Hải bộc bạch.

Toàn tỉnh có trên 35.000 người có công với cách mạng. Xác định công tác chăm lo người có công, gia đình chính sách không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả hệ thống chính trị, mà còn là nghĩa cử cao đẹp của thế hệ hôm nay đối với những người đã hy sinh hoặc để lại một phần cơ thể nơi chiến trường vì độc lập dân tộc. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn quan tâm giải quyết kịp thời các chế độ đối với người có công. Theo bà Đỗ Thị Ngọc Trúc, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, địa phương luôn thực hiện đúng các chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Tạo điều kiện cho con em người có công, gia đình chính sách được hưởng chế độ ưu đãi trong giáo dục. Đồng thời, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện vay vốn đế người có công với cách mạng phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Ngoài ra, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ, chăm lo cho các thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Những việc làm thiết thực, cụ thể đã thể hiện tình cảm, sự trân trọng, tri ân và lòng biết ơn sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Từ đó, góp phần động viên, hỗ trợ các thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng có cuộc sống ngày càng ổn định...

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>