Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản từ truyền thống sang hiện đại

27/08/2021 | 05:55 GMT+7

Người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã... đang gặp khó trong việc lưu thông, tiêu thụ nông sản do các địa phương, nhất là các tỉnh, thành phía Nam đang tiếp tục giãn cách xã hội, siết chặt người đi lại để phòng, chống dịch Covid-19. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để khắc phục tình trạng này cần đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua kênh phân phối hiện đại.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân Hậu Giang vẫn đang gặp khó trong việc tiêu thụ nông sản. (Ảnh tư liệu)

Đầu năm đến nay, Hậu Giang luôn nỗ lực khắc phục khó khăn để thực hiện tốt nhiệm vụ kép. Ngoài chăm lo tốt đời sống, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, tỉnh còn quyết liệt triển khai nhiều giải pháp giúp người dân ổn định sản xuất nông nghiệp trước tác động của đại dịch Covid-19. Thế nhưng, nhiều hàng hóa nông sản của tỉnh đang đối mặt với những bất lợi không nhỏ trong vấn đề tiêu thụ bởi việc thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các tỉnh, thành phía Nam.

Qua rà soát của ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, tính đến trung tuần tháng 8 này, lượng nông sản không có thương lái thu mua còn tồn đọng trong dân khoảng 388 tấn trái cây các loại, 61 tấn heo và gà, 960 tấn thủy sản, 12 tấn rau màu các loại. Riêng nông sản do người dân đợi giá chưa muốn bán còn tồn đọng 1.818 tấn thủy sản và 17,5 tấn trái cây các loại. Cũng theo ước tính của ngành nông nghiệp tỉnh, từ nay đến cuối năm, Hậu Giang cần tiêu thụ khoảng 102.000 tấn trái cây các loại như bưởi, cam, chanh, khóm, mít, nhãn...

Thách thức lớn với ngành nông nghiệp

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện các tỉnh phía Nam đang vào mùa thu hoạch nông sản nên nguồn cung khá dồi dào. Riêng trong tháng 8, các mặt hàng rau, củ quả của các tỉnh phía Nam có sản lượng lên tới hơn 1,1 triệu tấn. Trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ 500.000 tấn. Nghĩa là nguy cơ tồn đọng 600.000 tấn rau củ quả nếu không có biện pháp hữu hiệu cho vấn đề lưu thông hàng hóa, nhất là ở những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.

Cũng theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lượng hàng hóa nông sản, thủy sản và sản phẩm chăn nuôi hiện cần được hỗ trợ tiêu thụ tại 26 tỉnh, thành phố phía Nam, miền Trung, Tây Nguyên và một số tỉnh phía Bắc lên tới gần 5 triệu tấn lúa; 3,7 triệu tấn rau, củ quả; hơn 4 triệu tấn các loại trái cây; khoảng 120.000 tấn hải sản; 80.000 tấn lợn hơi; 600.000 tấn thịt gà và khoảng 400 triệu quả trứng…

Vì vậy, những tháng còn lại của năm 2021 sẽ là thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp, đặc biệt là các tỉnh, thành phía Nam, khi vừa thực hiện bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, vừa duy trì, phục hồi sản xuất. Nếu không có biện pháp chủ động, cụ thể, quyết liệt và linh hoạt để nông sản được lưu thông thông suốt thì đời sống của nhiều nông dân gặp khó khăn và ngành nông nghiệp cũng sẽ tác động trực tiếp tới tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng, đây là bài toán đặt ra cho các bộ ngành chức năng, chính quyền các địa phương cần có giải pháp hữu hiệu, đảm bảo việc điều phối lưu thông hàng hóa hiệu quả, thông suốt, tránh tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Bởi hiện nay, với những vùng sản xuất ở nông thôn có thể dư thừa hàng hóa nông sản, thực phẩm, nhưng một số nơi ở đô thị có sự thiếu hụt nhất định, không đảm bảo nguồn cung.

Vì thế, đại biểu Trần Anh Tuấn khẳng định, chúng ta cần phải có giải pháp để việc lưu thông hàng hóa được tốt hơn. Có như vậy mới đảm bảo người nuôi trồng, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp gắn với nông nghiệp yên tâm tăng gia sản xuất dù trong tâm bão của dịch Covid-19, đồng thời đảm bảo nhu cầu tiêu dùng thực phẩm ở khu vực đô thị.

Trước tình trạng dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến hoạt động lưu thông, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất, cần điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch tại từng địa phương để đảm bảo vừa chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu. Mặt khác chú trọng phát triển các ngành chế biến nông sản thực phẩm để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến lưu ý, với các địa phương có vùng nguyên liệu lớn, sản phẩm nông sản đang vào vụ thu hoạch cần chủ động rà soát, xác định danh mục, sản lượng dự kiến để có phương án hỗ trợ cơ sở sản xuất, người nông dân, hợp tác xã thu hoạch, chế biến, bảo quản và tiêu thụ hợp lý để tránh tình trạng ứ đọng cục bộ, đẩy nhanh tiêu thụ nông sản. Song song với đó đẩy mạnh ưu tiên tiêm vắc-xin cho lực lượng trong chuỗi cung ứng hàng hóa để đảm bảo lưu thông được thông suốt, tránh lây lan dịch bệnh.

Hướng đến các kênh phân phối hiện đại

Ở góc độ quản lý ngành chủ công trong việc kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên phân tích, thị trường tiêu thụ trong nước với 100 triệu dân là rất quan trọng, cần được ưu tiên. Đây là thị trường rất tiềm năng, do đó cần có giải pháp tạo được thói quen tiêu dùng hàng Việt của người Việt, tiến tới giảm nhập khẩu các mặt hàng trong nước đang có lợi thế.

Đặc biệt, trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, bên cạnh phát triển các kênh phân phối truyền thống, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, cần chú trọng đến giải pháp đưa nông sản vào các kênh phân phối hiện đại trên nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm quảng bá, giới thiệu và kết nối xuất khẩu các mặt hàng nông sản tiêu biểu của Việt Nam ra thị trường ngoài nước.

Đẩy mạnh phát triển các kênh phân phối hiện đại trên nền tảng thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xuất khẩu được người đứng đầu ngành công thương đưa ra cũng là giải pháp được nhiều đại biểu Quốc hội tán thành, đánh giá cao trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay. Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra, đại đa số người tiêu dùng đã thay đổi phương thức mua sắm của mình, chuyển từ hình thức truyền thống sang mua hàng online.

Dẫn số liệu của Bộ Công thương, đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho biết, năm 2020, 53% dân số tham gia mua bán trực tuyến, quy mô thị trường thương mại điện tử B2C (doanh nghiệp với khách hàng) của Việt Nam năm 2020 tăng 18%, đạt 11,8 tỉ USD, ước tính chiếm 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Cũng theo đại biểu này, chúng ta đang trong quá trình xây dựng nền kinh tế số, việc mua bán trực tuyến là xu thế tất yếu, đặc biệt trên những sàn thương mại điện tử có uy tín.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, nông sản là loại hàng hóa có đặc trưng thời vụ, thời gian thu hoạch và sử dụng ngắn. Vậy nên, việc ứng dụng công nghệ số để vận chuyển, phân phối nông sản lên sàn thương mại điện tử sẽ giúp sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhanh hơn, đảm bảo chất lượng tươi, ngon, góp phần giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân. Đây cũng là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp bà con nông dân, hộ sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã… quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm ở khắp 63 tỉnh, thành phố trong nước và vươn ra xuất khẩu.

Việt Nam được đánh giá là 1 trong 20 nước có tỷ lệ sử dụng internet nhiều nhất thế giới với 68,17 triệu người dùng (chiếm 70% dân số). Như vậy, với thị trường tiềm năng này là những điều kiện không chỉ đủ mà còn rất tốt để phát triển các hoạt động mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, tiêu dùng online... Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hoà, lâu nay, phần lớn người nông dân có thói quen buôn bán qua thương lái nên kỹ năng bán hàng qua mạng, qua các sàn thương mại điện tử hay thanh toán trực tuyến sẽ rất khó khăn.

Do vậy, việc hướng dẫn bà con nông dân các kỹ năng cần thiết như cách thức đưa các sản phẩm lên mạng, lên sàn thương mại điện tử hay quảng bá sản phẩm hoặc có biện pháp giải quyết các tình trạng phát sinh… là những kỹ năng cần phải có, trang bị kiến thức cho người dân để đảm bảo việc lưu thông hàng hóa trên thương mại điện tử được thông suốt.

Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, cho rằng, nông sản là mặt hàng thiết yếu của đời sống hàng ngày, do vậy nhu cầu của người tiêu dùng là rất lớn. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 có tính chất phức tạp, dễ lây lan và lây lan nhanh nên phần lớn người tiêu dùng đã chuyển sang hình thức mua sắm trực tuyến để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, tránh việc phải đến nơi tập trung đông người để mua hàng hóa.

Chính vì thế, các cá nhân, doanh nghiệp cũng đẩy mạnh bán hàng trực tuyến trong thời gian này. Mặt khác, người tiêu dùng cũng chú trọng hơn tới phương thức thanh toán trực tuyến khi mua hàng online để hạn chế lây lan qua việc tiếp xúc gần hay qua tiền mặt. Qua đó đảm bảo an toàn cho cả người mua và người giao hàng (shipper).

 

GIA NGUYỄN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>