CÚ HÍCH CHO DU LỊCH TỪ “NGHỊ QUYẾT 4 TRỤ CỘT”

13/02/2023 | 11:59 GMT+7

Du lịch Hậu Giang đang có sự chuyển mình bằng sự quan tâm đặc biệt của tỉnh. Tuy nhiên, để du lịch phát triển không phải là chuyện một sớm, một chiều...

Bài 2: Để du lịch cất cánh

Du lịch đang được quan tâm và đầu tư đúng hướng bằng những quyết sách có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, trong mắt những chuyên gia du lịch, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức để khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế.

Nhận rõ vị thế, tiềm năng

Vùng khóm Cầu Đúc (xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh) đang được kỳ vọng là sản phẩm đặc trưng. Ảnh TRUNG QUÂN

Hậu Giang đang có đầy đủ những điều kiện tốt để phát triển du lịch và đã có nhiều doanh nghiệp lớn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Tâm huyết của tỉnh là từng bước biến tiềm năng, lợi thế thành sức mạnh, đầu tư dài hơi bằng sự tính toán hợp lý, vừa khai thác tiềm năng, vừa phát huy nét riêng để xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, riêng biệt. Từ việc được đặc biệt quan tâm đầu tư để phát triển, du lịch đang phá dần thế khó. Từ đó, yêu cầu giới thiệu, quảng bá hình ảnh đóng vai trò khá quan trọng và là câu chuyện dài, sẽ được tiếp tục quan tâm.

Hậu Giang cũng đang triển khai Đề án Tạo dựng hình ảnh Hậu Giang, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và đề xuất triển khai thí điểm ứng dụng hệ thống du lịch thông minh. Khi du lịch Hậu Giang đang được đặc biệt quan tâm thì chú trọng công nghệ số để quảng bá, xúc tiến, giới thiệu tiềm năng là một trong những điều tất yếu. Tuy nhiên, khai thác hết các ứng dụng công nghệ số để phát triển du lịch là việc làm lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm, chỉ đạo và triển khai thực hiện bài bản, có định hướng, chiều sâu, để mang lại những hiệu quả thiết thực. “Du lịch thông minh” ngày càng trở nên quen thuộc và việc ứng dụng công nghệ số để xây dựng đồng bộ, đầy đủ các dữ liệu, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin và trải nghiệm du lịch không cần đi của du khách. Đó sẽ là một hành trình lâu dài, đòi hỏi sự quan tâm đầu tư hoàn thiện, đồng bộ…

 Điểm quan trọng  để du lịch phát triển là phải có sản phẩm du lịch. Mà để xây dựng là một câu chuyện dài, cần có sự vào cuộc đồng bộ và đặc biệt là sự góp sức, đầu tư của người dân. Ở những tỉnh, thành phát triển đa dạng sản phẩm du lịch trong khu vực như Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long... đều bắt đầu từ những người dân chung tay làm du lịch.  Gần 20 năm qua, Hậu Giang đã chuẩn bị cho cuộc bứt phá này, bằng việc tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và cùng làm du lịch, từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng nhiều dự án du lịch và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tìm hiểu, đầu tư và khai thác. Một số điểm du lịch do người dân đầu tư hút khách như Vườn dâu Thiên Ân, Ngã Bảy sông, Homestay Miệt vườn, Homestay Mương Đình, Làng bè Hai Khanh vân vân..., hứa hẹn là bước tiến đầy tươi sáng của du lịch Hậu Giang.

Hậu Giang đã đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đưa Khu bảo tồn nhiên nhiên Lung Ngọc Hoàng vào quy hoạch danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia. Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư lớn đã đến và tìm hiểu điểm này. Đây là nơi bảo tồn sinh cảnh tự nhiên tiêu biểu, độc đáo, nơi cư trú của hơn 200 loài sinh vật bản địa, các loài động, thực vật đặc hữu. Trong đó, có một số loài chim, thú quý hiếm là bạc má, cò ốc, giang sen, cò lạo xám, rái móng, chồn mực… Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng sẽ là nơi nghiên cứu khoa học, bảo vệ các thảm thực vật quý, tái tạo các mảng sinh cảnh trên vùng đất ngập nước hiếm hoi còn sót lại của vùng ĐBSCL.

Tỉnh nhà đã định hướng đây sẽ là sản phẩm du lịch thứ hai, sau tàu du lịch Xà No. Hiện tại, tỉnh đang tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, chọn lựa nhà đầu tư phù hợp. Nơi đây được kỳ vọng xây dựng trở thành một điểm đến tầm quốc gia, khi khai thác được nét độc đáo về cảnh quan thiên nhiên và đầu tư vào đó những sản phẩm mới lạ, hút khách trong và ngoài nước.    Du lịch Hậu Giang đang khẳng định mình bằng một hướng đi đúng của tầm nhìn chiến lược. Niềm tin về sự phát triển là hoàn toàn có cơ sở, khi nhiều cơ hội chưa từng có đang mở ra. Du lịch sẽ tỏa sáng, cùng với các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và đô thị, đưa tỉnh nhà vững tiến, trở thành điểm sáng của đồng bằng cũng như cả nước.

Để du lịch nhanh chóng đột phá...

 Du lịch đang được quan tâm và đầu tư đúng hướng bằng những quyết sách có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, trong mắt những chuyên gia du lịch, vẫn còn không ít khó khăn, thách thức để khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế. Trong đó, đầu tiên phải nói đến sản phẩm du lịch ít, mờ nhạt. Hệ thống dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Hạ tầng giao thông chưa gắn với phát triển du lịch, thiếu đồng bộ. Đội ngũ lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh của ngành du lịch. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch chưa đi vào chiều sâu, thiếu tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao. Việc mời gọi đầu tư các dự án du lịch trên địa bàn tỉnh chưa thu hút, quan trọng hơn, trước nay, không có nhiều dự án đang kêu gọi đầu tư được nhà đầu tư chưa quan tâm, chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược…

Sản phẩm du lịch nông nghiệp, sinh thái sẽ là thế mạnh của Hậu Giang.

Trong những khó khăn đó, việc chưa có sản phẩm du lịch là quan trọng nhất, bởi muốn có khách, phải có điểm đến. Xây dựng sản phẩm du lịch chính là khó khăn và thách thức với Hậu Giang, dù rằng địa phương cũng đang định hình và từng bước xây dựng những sản phẩm từ những tiềm năng, lợi thế sẵn có. Hậu Giang phát triển du lịch sau, nên ngoài lợi thế là rút kinh nghiệm từ những sản phẩm của các tỉnh, thành khác, cần đến sự đột phá trong việc xây dựng sản phẩm, để tránh sự nhàn nhạt, giống sản phẩm đã được định hình và thu hút khách ở các tỉnh, thành khác. Việc tạo ra sự độc đáo, khác biệt là sự sống còn cho một sản phẩm du lịch.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng, Hậu Giang cần tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch; tăng cường liên kết không gian du lịch, sản phẩm du lịch, thị trường du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư, hình thành các khu du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, trung tâm mua sắm, giải trí…

Từ sự mở hướng bằng nhiều cách, các dự án đầu tư du lịch sẽ được quan tâm. Có nhà đầu tư, thì có sản phẩm du lịch là điều tất yếu…

Là người tìm hiểu nhiều và có những tư vấn hỗ trợ Hậu Giang phát triển du lịch, ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Công ty Du lịch Lửa Việt; Giám đốc Công ty Tư vấn TM DV DL Cộng đồng Việt Nam, giảng viên Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhấn mạnh: “Làm du lịch là làm kinh tế, cần đoạn tuyệt với tư duy lễ hội miễn phí, chạy theo số lượng. Du lịch là phải luu trú. Bên cạnh các khách sạn, resort cần có các gardenstay thoáng sạch, tiện nghi giữa không gian vườn, kênh rạch; xây dựng các điểm dừng đạt chuẩn trong các vườn cây ăn trái để du khách trải nghiệm; tạo lợi thế cạnh tranh bằng sản phẩm khác biệt, độc đáo”.

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch: Muốn du lịch Hậu Giang phát triển xứng tầm, vẫn cần thời gian và tiếp tục có sự quan tâm, đầu tư có định hướng bằng những giải pháp cụ thể. Hậu Giang vẫn cần tiếp tục có sự đột phá về cách nghĩ, cách làm và gợi mở những cơ hội thông thoáng, đơn giản về thủ tục để thu hút nhà đầu tư. Phải xác định làm du lịch là làm kinh tế. Cần phải có góc nhìn mới, tư duy thoáng, hướng đến du lịch thông minh như một xu thế tất yếu. “Cần biến thành chương trình hành động cụ thể, từ quy hoạch đến xúc tiến, quảng bá mang tính khả thi, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Chú trọng đến việc xây dựng sản phẩm du lịch kết hợp với quảng bá bằng hình thức mới. Về phía nhà đầu tư, cần có ý tưởng sáng tạo, những dự án cụ thể, sản phẩm, công trình du lịch mới bắt kịp xu thế du lịch hiện đại. Chú ý gắn với nét du lịch sông nước miệt vườn và tìm được nét riêng của Hậu Giang để xây dựng sản phẩm. Người dân cần có sự vào cuộc, xem du lịch là sinh kế mới bên cạnh nông nghiệp, cùng hợp sức, đồng lòng khai thác tài nguyên du lịch, tạo nên nhiều sự trải nghiệm mới mẻ…”, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Hà Văn Siêu gợi ý...

Nhiệm vụ Nghị quyết số 04 đặt ra là: Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng 01 khu du lịch cấp tỉnh, 06 điểm du lịch; Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng trở thành địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch Quốc gia, đến năm 2030 trở thành Khu du lịch Quốc gia. Xây dựng sản phẩm du lịch có chất lượng, đặc trưng của Tỉnh; bố trí nguồn ngân sách hiện thực hóa 2 điểm nhấn du lịch giai đoạn 2021-2025.

Và giải pháp là: Chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động du lịch. Rà soát, điều chỉnh cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp điều kiện của Tỉnh; khuyến khích xã hội hoá đầu tư phát triển du lịch: khách sạn, nhà hàng, các khu vui chơi, giải trí. Từng bước nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ, nhất là khách sạn, nhà hàng, ăn uống, vận tải, viễn thông.

VĨNH TRÀ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích