Hội chợ Thương mại và sản phẩm OCOP Hậu Giang

Kích cầu tiêu dùng sản phẩm đặc sản địa phương

14/07/2023 | 08:31 GMT+7

Hơn 300 gian hàng tại Hội chợ Thương mại và sản phẩm OCOP Hậu Giang năm 2023 đang diễn ra sẽ mang đến cho khách tham quan có thêm cơ hội mua sắm, cũng như có cái nhìn cận cảnh về những đặc sản của vùng đất Hậu Giang.

Chị Khánh Hòa, Trang trại hươu sao Huy Thuận, đến từ tỉnh Gia Lai, hy vọng mang sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng Hậu Giang.

Kênh quảng bá sản phẩm hiệu quả

Đi hết một vòng khu trưng bày hội chợ sẽ dễ dàng nhận thấy nét đặc biệt của hội chợ lần này chính là số lượng các gian hàng sản phẩm đặc trưng, các sản phẩm OCOP chiếm đa số. Không gian trưng bày rộng rãi, ngoài các quầy, kệ trưng bày bố trí đẹp mắt, còn có chỗ tư vấn, hỗ trợ dùng thử và giới thiệu sản phẩm chuyên nghiệp. Hầu hết các “đặc sản” địa phương đều tập hợp đầy đủ tại đây, từ các sản phẩm chế biến từ khóm Cầu Đúc, trà mãng cầu, cá thát lát, rượu và kem gấc, gạo sạch… Không thể thiếu nhiều loại trái cây như bưởi da xanh, quýt đường, mít… từ những vùng trồng xanh tươi, trù phú của Hậu Giang.

Nét mới của hội chợ lần này là nằm trong chuỗi sự kiện Giải Mekong Delta Marathon tỉnh Hậu Giang năm 2023 nên hứa hẹn sẽ có hàng ngàn lượt khách hàng là những vận động viên tham gia giải chạy đến tham quan và mua sắm, do đó tất cả những đơn vị tham gia hội chợ kỳ vọng qua từng gian hàng có thể mang sản phẩm đến gần hơn với vận động viên và du khách. Anh Trần Minh Nìm, chủ cơ sở sản xuất mật ong Hương Tràm, ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, hào hứng chia sẻ: “Càng gần tới ngày diễn ra giải marathon, tôi càng cảm thấy không khí của một ngày hội không chỉ dành riêng cho thể thao. Thông qua các hoạt động như hội chợ, các cơ sở địa phương có dịp để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành cả nước”.

Có thể thấy, bên cạnh những gian hàng trưng bày sản phẩm OCOP của các huyện, thị xã, thành phố thì nhiều mặt hàng thu hút sự quan tâm của khách hàng là quần áo, chén dĩa, giày dép, mỹ phẩm... Dạo quanh hội chợ, giá dép chỉ dao động từ 35.000-150.000 đồng/đôi, quần jean có giá từ 100.000-200.000 đồng/quần, áo từ 50.000-200.000 đồng/sản phẩm, tùy chất liệu… Chị Trần Thị Mỹ Ngọc, chủ gian hàng quần áo tại hội chợ, cho biết: “Từ ngày khai mạc, lượng khách hàng khá ổn định. Vì hàng hóa đa dạng và giá cả phải chăng nên khách hàng dễ lựa chọn. Thông thường từ buổi chiều đến tối là thời điểm khách hàng đến tham quan và mua sắm nhiều nên sức mua sẽ tăng hơn”.

Tay xách nhiều túi đồ ra khỏi hội chợ, chị Nguyễn Thị Thúy, đến từ huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Đến hội chợ lần này, tôi thấy rất nhiều sản phẩm được trưng bày. Đặc biệt là các thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu cho gia đình. Do đó, dù bận đến mấy tôi vẫn dành chút thời gian để đi hội chợ và mua khá nhiều đồ thiết yếu cho gia đình”.

Ngoài ra, hội chợ năm nay còn có nhiều gian hàng của các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh và các tỉnh, thành trong khu vực tham gia như Vĩnh Long, Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp… Các gian hàng này có điểm chung là được đầu tư chỉn chu cả về phần “nhìn” lẫn phần “nghe” (mỗi gian hàng đều có trình chiếu video giới thiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương). Thiết kế chỉn chu và bắt mắt, khách tham quan dễ dàng chỉ ra ngay sản phẩm đặc trưng ở nơi đó khi mới bước vào gian hàng. Tại mỗi gian hàng, ngoài cán bộ làm công tác xúc tiến thương mại, nông nghiệp, còn có mặt chủ cơ sở, hợp tác xã để giới thiệu và quảng bá hiệu quả sản phẩm đến người tiêu dùng.

Tham quan hội chợ cùng người thân, chị Võ Thị Nhung, ở phường IV, thành phố Vị Thanh, một trong những người có mặt ngay khi các sản phẩm vừa lên kệ, hồ hởi cho biết: “Hội chợ rất lớn, đi bộ mỏi chân vẫn chưa hết các gian hàng, trong đó tôi đặc biệt chú ý đến các đặc sản vùng miền do không phải lúc nào mình cũng có dịp thử và mua trực tiếp. Người bán giới thiệu nhiệt tình, còn cho đủ thông tin liên hệ hoặc đại lý gần để mình sau này tìm mua dễ hơn”.

Theo đánh giá của nhiều người dân, hội chợ năm nay được bày trí bắt mắt, không gian rộng rãi. Do được phân thành từng khu chức năng riêng biệt nên người mua có thể dễ dàng tìm được hàng hóa mình cần. Hội chợ lần này đáp ứng được nhu cầu mua sắm của người dân. Bởi, họ có cơ hội mua được nhiều sản phẩm tốt do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, đồng thời cũng là cơ hội để lựa chọn, mua sắm những mặt hàng cần thiết cho gia đình với giá cả ổn định hơn. Cùng với đó, các gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng cũng cho khách tham quan cái nhìn cận cảnh về nền kinh tế và những thành tựu sản xuất của con người Hậu Giang…

Mở rộng cơ hội hợp tác

Từ những ngày đầu, hội chợ có đông người dân đến tham quan và mua sắm, nhất là vào ban đêm. Điều này làm không ít cơ sở, doanh nghiệp đến từ ngoài tỉnh bất ngờ, bởi không ngờ số lượng khách tham quan quan tâm và tìm đến hội chợ đông như vậy. Chị Khánh Hòa, Trang trại hươu sao Huy Thuận, đến từ tỉnh Gia Lai, cho biết: “Đây là lần đầu tiên đến Hậu Giang tham gia một hội chợ xúc tiến thương mại. Trước đây, doanh nghiệp được biết tới với nhiều sản phẩm như cao hươu, cao nai nhưng chỉ phân phối ở các tỉnh miền Trung. Tham gia hội chợ lần này, chúng tôi hy vọng mang nhãn hiệu đến gần hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là người dân Hậu Giang. Trước mắt có thể gặp gỡ những đối tác phân phối rộng rãi 2 dòng sản phẩm chính là nhung hươu ngâm mật ong và nhung hươu khô thái lát. Đây cũng là những sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh”.

Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong tỉnh, sự kiện này cũng là một cơ hội tốt để mang sản phẩm đến gần với người tiêu dùng và giới thiệu các sản phẩm mới. Chị Nguyễn Ngọc Diễm, cơ sở hạnh muối Nhật Lam, ở huyện Long Mỹ, cho biết: “Mục đích chuyến đi này là giới thiệu để càng có nhiều người biết tới sản phẩm càng tốt và mời khách dùng thử nhằm có thêm ý kiến phản hồi để hoàn thiện sản phẩm sau này. Hơn cả mong đợi là nhiều người thử và mua ngay tại chỗ, có người còn xin địa chỉ để tìm mua sau này”.

Ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh nhận định, hội chợ lần này được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, ban tổ chức lưu ý các gian hàng cần trang trí đẹp và có nét đặc trưng, sản phẩm mang đến đảm bảo chất lượng và an toàn. Sự kiện này là hoạt động xúc tiến thương mại lớn của ngành công thương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Hậu Giang và các tỉnh lân cận có cơ hội trưng bày và giới thiệu các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, thế mạnh, qua đó nắm bắt nhu cầu, thị hiếu khách hàng. Hội chợ cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức xúc tiến thương mại gặp gỡ, giao lưu, tìm kiếm đối tác, tăng cường liên doanh liên kết, mở rộng thị trường.

“Với quy mô hơn 300 gian hàng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, bao gồm các hoạt động như: trưng bày, triển lãm, giới thiệu, quảng bá thành tựu kinh tế, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, hy vọng rằng hội chợ lần này là điểm đến hấp dẫn để người dân Hậu Giang, du khách đến tham quan mua sắm, kích cầu tiêu dùng, qua đó thúc đẩy các hoạt động thương mại, khuyến công trong lĩnh vực công thương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng. Tuy chưa chính thức bước vào giải marathon nhưng hoạt động tại hội chợ trong mấy ngày qua cũng đã thu hút được khách tham quan đến tìm hiểu và mua sắm. Mong rằng trong vài ngày tới, Hội chợ Thương mại và sản phẩm OCOP Hậu Giang sẽ lưu lại những ấn tượng đẹp trong lòng vận động viên và du khách gần xa”, ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương, chia sẻ.

Xác định phát triển thương mại - dịch vụ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, ngành công thương tăng tốc với nhiều hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ hàng hóa. Qua mỗi sự kiện lớn như hội chợ lần này là dịp để các đơn vị tổ chức lắng nghe ý kiến từ người dân và doanh nghiệp nhằm nâng cao công tác tổ chức, luôn đổi mới về hình thức lẫn cách tuyên truyền và kết nối để phù hợp với sự thay đổi và nhu cầu của thị trường, tránh sự trùng lắp, tạo được sức hút riêng cho các hội chợ.

Bài, ảnh: Y.LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>