Công nghiệp nhiều triển vọng trong năm mới

14/02/2024 | 12:15 GMT+7

Công nghiệp là lĩnh vực đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển kinh tế của tỉnh thời gian qua, tạo bệ phóng vững chắc giúp lĩnh vực này “bay cao” trong năm mới với nhiều kỳ vọng.

Ảnh: LÝ ANH LAM

Điểm đến dòng vốn

Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, toàn tỉnh hiện có 328 dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư 186.284,7 tỉ đồng. Trong đó, có 263 dự án ngoài khu, cụm công nghiệp với tổng số vốn 37.096,3 tỉ đồng và 62 dự án trong khu công nghiệp với tổng số vốn 148.905,5 tỉ đồng, 3 dự án trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Hậu Giang với tổng số vốn là 289,9 tỉ đồng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), toàn tỉnh có 25 dự án FDI (trong khu công nghiệp là 6 dự án, ngoài khu công nghiệp 19 dự án), với tổng số vốn đăng ký 1,103 tỉ USD. 

Ông Đoàn Đình Duy Khương, Tổng Giám đốc điều hành Dược Hậu Giang (DHG), chia sẻ: DHG đã hoạt động tại tỉnh nhiều năm và trở thành doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam từ mảnh đất này, trở thành cánh tay đắc lực cho ngành y tế Việt Nam. Những năm tháng dịch Covid-19, DHG là một trong những đơn vị chủ chốt cung cấp thuốc cho Sở Y tế, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch. Qua những thời gian đó, vai trò hàng đầu của DHG cũng được thể hiện, vì vậy, Bộ Y tế, Cục Quản lý dược và Ủy ban Quản lý vốn đã ủng hộ để giữ DHG lại cùng là một đơn vị chiến lược đồng hành.

“Quý III năm ngoái, tình hình kinh tế rất khó khăn nhưng DHG vẫn nỗ lực hết mình và số thu được 5.000 tỉ đồng, vượt xa đơn vị đứng thứ 2. Bên cạnh những nỗ lực về kinh doanh, DHG vẫn tiếp tục duy trì được các hoạt động xã hội. Hàng năm, DHG dành ra hơn 10 tỉ đồng để tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống, các hoạt động xã hội, khám bệnh phát thuốc trên toàn quốc, đặc biệt là tại Hậu Giang. Mong rằng những tình cảm đó sẽ luôn luôn được gắn kết và duy trì. Hiện, DHG có hơn 2.800 lao động”, ông Đoàn Đình Duy Khương thông tin.

Nói thêm về tình hình đơn vị, ông Tomoyuki Kawata, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang, thông tin: Nhà máy mới của DHG trong tháng 10 năm ngoái đã hoàn thành xây dựng. Dự kiến, trong tháng 3 năm nay, sau khi đạt chứng nhận từ phía Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) thì nhà máy sẽ bắt đầu đi vào vận hành. Trong suốt quá trình khởi công cho đến khi xây dựng nhà máy diễn ra an toàn. DHG luôn nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của chính quyền địa phương. Ngoài ra, DHG cũng có dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn toàn cầu. Dự kiến, tháng 4 tới đây, sau khi được thanh tra phía châu Âu cấp chứng nhận đạt chuẩn, các sản phẩm sẽ được xuất khẩu sang thị trường này. DHG rất mong thời gian tới sẽ được tỉnh tiếp tục đồng hành, hỗ trợ.

Ngoài Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang thì Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 cũng là đơn vị điển hình có đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương. Thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giao và trên cơ sở kết quả bàn giao Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 giữa Ban Quản lý dự án Điện lực Dầu khí Sông Hậu 1 với Chi nhánh Phát điện Dầu khí, Ban giám đốc cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên của Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 đã sớm ổn định cơ cấu tổ chức, tiếp nhận các phần công việc có tính chất tiếp nối và đồng tâm hiệp lực lãnh đạo, chỉ đạo công tác sản xuất kinh doanh một cách liên tục, hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ kế hoạch được giao trong năm 2023.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 cho biết, sản lượng điện năm 2023 đạt 5.021,11 triệu kWh, bằng 91,29% kế hoạch năm 2023. Tổng số lao động tính đến ngày 31-1-2024 là 480 người. Với sản lượng, kế hoạch năm 2024 được Tập đoàn giao năm nay khả năng đạt rất cao, riêng tháng 1-2024 đã vượt hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Đồng Văn Thanh (thứ 2 từ trái sang), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thăm nhà máy Betalactam của Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang.

“Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”

Với các thời cơ, tiềm năng mới xuất hiện, Hậu Giang đang hội đủ các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa để đột phá, phát triển. Trong đó có Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02-4-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, tỉnh có 2 tuyến cao tốc đi qua là tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và tuyến Châu Đốc - Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng đi qua địa bàn tỉnh với tổng chiều dài hơn 100km. Do vậy, ngoài việc thành lập mới các khu công nghiệp để thu hút đầu tư thì tỉnh đang dồn sức phát triển với 3 đột phá về: chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế chính sách - cải cách hành chính; hoàn thiện quy hoạch và chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”.

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tỉnh tập trung mọi nguồn lực phấn đấu về đích sớm các chỉ tiêu trọng yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Dự báo tình hình quốc tế, trong nước cũng như trong tỉnh có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức vẫn còn rất nhiều. 2024 là năm tỉnh bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025, do đó tỉnh sẽ huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nỗ lực vượt qua các khó khăn thách thức, tận dụng cơ hội, tiềm năng mới xuất hiện, với tinh thần “Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng”.

Tập trung hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tổ chức đối thoại định kỳ giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo sự gần gũi giữa cấp ủy đảng, chính quyền và doanh nghiệp. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án hợp tác, liên kết vùng, đặc biệt là Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2025.

Ông Đồng Văn Thanh nhấn mạnh, Hậu Giang với những lợi thế thuận lợi, tỉnh cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư, phương châm của tỉnh là “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”, sự khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của tỉnh và sự thành công của doanh nghiệp cũng là sự thành công của tỉnh. Khẩu hiệu hành động của tỉnh là “2 nhanh” và “3 tốt”, đó là “nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư” và “cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”.

Bài, ảnh: MỘNG TOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>