Xung đột Israel - Hamas có nguy cơ leo thang

10/10/2023 | 09:40 GMT+7

Giới phân tích cho rằng Israel có thể mở một cuộc tấn công trên bộ lớn vào Dải Gaza, bất chấp các nhà lãnh đạo trên thế giới kêu gọi kiềm chế.

Tên lửa được phóng từ Dải Gaza. Ảnh: SPUTNIK

Một ngày sau khi cuộc tấn công chưa từng có của nhóm vũ trang Hamas nhằm vào Israel, hai bên tiếp tục giao tranh ngày 8-10.

Bất chấp các nhà lãnh đạo trên thế giới kêu gọi kiềm chế, giới phân tích cho rằng Israel có thể mở một cuộc tấn công trên bộ lớn vào Dải Gaza.

Một số chuyên gia dự báo quy mô cuộc tấn công sắp tới có thể còn lớn hơn thời điểm năm 2014, khi Israel huy động 80.000 quân dự bị.

Theo trang Axios, cuộc xung đột Israel - Hamas hồi năm 2014 kéo dài 50 ngày, khiến khoảng 2.500 người Palestine và 74 người Israel thiệt mạng.

Trước mắt, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cảnh báo Hamas sẽ phải “trả cái giá chưa từng có” nhưng nói thêm cuộc chiến này “sẽ kéo dài và khó khăn”. Đáp lại, ông Saleh al-Arouri, một quan chức Hamas, nói với đài Al Jazeera rằng họ đã chuẩn bị cho mọi tình huống, trong đó có chiến tranh toàn diện. Các lãnh đạo Hamas cho rằng cuộc tấn công bắt đầu ở Dải Gaza sẽ lan sang Bờ Tây và Jerusalem bị chiếm đóng.

Dải Gaza có diện tích khoảng 365km2 và là nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người. Israel đã phong tỏa Dải Gaza kể từ khi Hamas kiểm soát lãnh thổ này năm 2007.

Một diễn biến khó lường khác đến từ động thái của phong trào Hezbollah tại Lebanon. Hezbollah ngày 8-10 đã phóng hàng chục rốc-két và đạn pháo về phía 3 vị trí của Israel tại Shebaa Farms - vùng đất đang do Israel kiểm soát nhưng Lebanon xem đây là một phần lãnh thổ mình.

Hezbollah cho biết vụ tấn công nhằm thể hiện “sự đoàn kết” với người Palestine. Quân đội Israel đã tấn công trả đũa bằng máy bay không người lái vũ trang.

Diễn biến trên làm gia tăng nỗi lo về một cuộc xung đột lớn hơn tại khu vực này. Hezbollah hiện được Iran hậu thuẫn và ước tính có hàng chục ngàn rốc-két. Israel và Hezbollah từng có một vài cuộc chiến trong quá khứ. Gần đây nhất là cuộc xung đột kéo dài 34 ngày năm 2006 khiến 1.200 người ở Lebanon và 160 người ở Israel thiệt mạng.

Liên quan đến phản ứng của quốc tế đối với cuộc khủng hoảng, truyền hình NBC của Mỹ cho biết giới chức quân đội nước này có kế hoạch điều tàu sân bay và chiến hạm tới vùng biển Israel để thể hiện tình đoàn kết và sự ủng hộ với đồng minh. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng thông báo sẽ viện trợ bổ sung khẩn cấp cho Israel để đối phó với cuộc tấn công chưa từng có của Hamas, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết.

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia kêu gọi “ngừng chiến ngay lập tức và tiến tới lệnh ngừng bắn cũng như các cuộc đàm phán ý nghĩa, đã được nêu ra trong hàng thập kỷ” bởi Hội đồng Bảo an.

Nhiều quốc gia khu vực cũng lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh các hành động làm leo thang căng thẳng, trong đó, một số quốc gia như Ai Cập, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định sẵn sàng làm trung gian hòa giải để chấm dứt chiến sự và lập lại hòa bình tại khu vực.

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>