Ukraine làm gì khi nguồn viện trợ từ phương Tây đình trệ ?

25/01/2024 | 07:41 GMT+7

Mỹ và một số quốc gia phương Tây đình trệ viện trợ cho Ukraine đã khiến Kiev lúng túng trong cuộc chiến với Nga.

Ukraine đang muốn Trung Quốc hỗ trợ để chấm dứt xung đột với Nga. Ảnh: CNN

Làm thế nào để Ukraine tiếp tục chiến đấu với Nga mà không có viện trợ nước ngoài? Là câu hỏi được Kiev quan tâm nhất hiện nay khi cuộc chiến với Nga bước sang giai đoạn gay cấn nhất. Tờ Wall Street Journal dẫn lời các nhà kinh tế và quan chức Ukraine cho biết, Kiev sẽ “cạn tiền” trong vòng vài tháng tới và buộc phải thực hiện các biện pháp kinh tế đau đớn để duy trì hoạt động của chính phủ nếu viện trợ từ Mỹ hoặc Liên minh châu Âu (EU) không được thực hiện.

Mỹ và EU, những nhà ủng hộ tài chính lớn nhất cho Ukraine, đã cam kết với Kiev hàng tỉ USD viện trợ tài chính và quân sự mới. Tuy nhiên, cam kết này đã bị hủy bỏ do tranh cãi nội bộ ở Washington và cả Brussels. Trong khi các nhà lãnh đạo chính trị khẳng định những gói viện trợ đó cuối cùng sẽ được thông qua, tuy nhiên, thời điểm là rất quan trọng đối với Ukraine.

Ukraine phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính hơn 40 tỉ USD trong năm nay, thấp hơn một chút so với mức thiếu hụt của năm 2023. Nguồn tài trợ từ Mỹ và EU dự kiến sẽ bù đắp khoảng 30 tỉ USD trong số đó. Số tiền này cần thiết để duy trì hoạt động của chính phủ và được sử dụng để trả lương, lương hưu và trợ cấp cho người dân.

Sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây, lãnh đạo đa số Thượng viện Chuck Schumer bày tỏ sự lạc quan về dự luật mà người đứng đầu Nhà Trắng đề xuất sẽ kết hợp an ninh biên giới với viện trợ cho Ukraine.

Theo Bộ Tài chính Ukraine, Kiev đã áp dụng thuế bất ngờ đối với các ngân hàng, phân bổ lại một số khoản thu từ thuế và tăng cường vay trong nước để trang trải chi tiêu ngân sách cho đến tháng 2 năm nay.

Chính phủ Ukraine có thể buộc phải thực hiện các bước bổ sung để đảm bảo ngân sách nếu viện trợ không đến nhanh chóng. Việc trì hoãn các gói viện trợ quân sự cũng sẽ giáng một đòn mạnh vào nỗ lực trên chiến trường của Ukraine, vốn đã bị đình trệ sau đợt phản công thất bại.

Khi đó, Kiev có thể tự trang trải thêm vài tháng bằng cách trì hoãn trả lương hoặc thậm chí vay thêm từ các ngân hàng của mình và các nhà đầu tư trong nước. Cuối cùng, Ukraine có thể bị buộc phải in tiền, một chiến lược đã gây ra sự sụp đổ kinh tế ở các quốc gia như Venezuela.

Ukraine cũng lo ngại rằng những thất bại gần đây báo hiệu nhiều rắc rối phía trước. Các cuộc thảo luận với các đối tác quốc tế đã bắt đầu tập trung vào việc làm thế nào Ukraine có thể đạt được khả năng tự chủ về tài chính khi cuộc chiến kéo dài sang năm thứ 3.

Trong một động thái liên quan,Tổng thống Nga Volodymyr Zelensky cho rằng: “Ukraine rất muốn Trung Quốc tham gia vào kế hoạch hòa bình của Ukraine”. Theo đó, Ukraine muốn Bắc Kinh làm trung gian để hòa giải với Nga để tìm giải pháp ngừng giao tranh tiến đến lập lại hòa bình. Tuy nhiên, phía Bắc Kinh vẫn chưa có động thái nào để ủng hộ nguyện vọng của Kiev.

Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã rời Diễn đàn Kinh tế Thế giới tuần này mà không gặp ông Zelensky và không trực tiếp đề cập đến cuộc xung đột Nga - Ukraine trong bài phát biểu dài khoảng 25 phút, mà chỉ tập trung chủ yếu vào việc trấn an về nền kinh tế đang có dấu hiệu suy thoái của Trung Quốc.

Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc có ý định làm trung gian đàm phán hòa bình giữa Israel và Hamas ở Gaza hơn là giao tranh Nga - Ukraine. Việc này hoàn toàn có cơ sở khi Bắc Kinh không muốn mất lòng Matxcơva.

Báo cáo tình báo được giải mật của Mỹ, ước tính hơn 315.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng và bị thương tương đương 87% nhân lực mà Nga huy động khi bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2-2022. Trong khi đó, con số thiệt hại của Ukraine còn cao hơn so với Nga.

 

HN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>