Nhiều nước phản đối kế hoạch can thiệp quân sự vào Venezuela

18/09/2018 | 08:30 GMT+7

Nhiều nước trong khu vực đang lên tiếng phản đối bất kỳ hành động “can thiệp quân sự” hay “sử dụng vũ lực” đối với Venezuela sau khi (OAS) Luis Almagro tuyên bố không loại trừ biện pháp can thiệp quân sự vào Venezuela.

Hàng trăm người dân Venezuela ở Peru xếp hàng trước Đại sứ quán để được trở về nước sau đề nghị hồi hương của chính phủ.

Ông Almagro - người đứng đầu OAS - đã tuyên bố không loại trừ biện pháp can thiệp quân sự vào Venezuela để khôi phục nền dân chủ và giảm bớt khủng hoảng nhân đạo. Tổng Thư ký OAS đưa ra lời cảnh báo trên trong chuyến thăm ngày 14-9 tới biên giới Colombia giáp với Venezuela.

Đáp lại tuyên bố trên, Venezuela hôm thứ bảy khẳng định, nước này sẽ báo cáo lên Liên Hiệp Quốc; và chỉ rõ: “Tổng Thư ký OAS Luis Almagro đã tuyên bố một cách thô tục nhằm ý đồ tăng cường can thiệp quân sự trong các vấn đề của đất nước Venezuela”.

Trong khi đó, 11 trong tổng số 14 nước thành viên của nhóm Lima đã bày tỏ quan ngại và bác bỏ bất kỳ hành động hay tuyên bố nhằm can thiệp quân sự, đe dọa sử dụng vũ lực vào Venezuela. Tổng thống Bolivia Evo Morales bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết với chính phủ và nhân dân Venezuela, đồng thời cho rằng việc can thiệp vào chủ quyền của Venezuela cũng đồng nghĩa với một hành động tấn công nhằm vào khu vực Mỹ Latin. Còn Tổng thống Brazil Michel Termer nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để thông qua các biện pháp ngoại giao giúp giải quyết vấn đề này. Đây là vấn đề chính trị của một quốc gia nhưng đang có nguy cơ ảnh hưởng đến biên giới của các nước, đe dọa sự thịnh vượng của toàn bộ châu lục”.

Thực tế triển vọng kết thúc cuộc khủng hoảng của Venezuela bằng cách lật đổ chế độ của Tổng thống Maduro từ lâu đã bị các quốc gia Mỹ Latin phản đối. Việc thực hiện một chiến dịch quân sự tại Venezuela sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực. Trước hết đó là kháng cự quyết liệt của quân đội Venezuela và nhiều người dân trung thành với Tổng thống Maduro, sẽ khiến cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt hơn, tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư trong khu vực. Bất ổn tại Venezuela cũng tạo điều kiện cho các tổ chức tội phạm buôn bán ma túy hoặc thị trường đen khác sinh sôi, ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực. Chính vì vậy, các quốc gia đều tái khẳng định cam kết khôi phục nền dân chủ Venezuela bằng biện pháp hòa bình và đối thoại nhằm giúp quốc gia Nam Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay, đồng thời kêu gọi Chính phủ Tổng thống Nicolas Maduro có các bước đi tích cực.

Tình hình chính trị - xã hội ở Venezuela hiện ngày càng trở nên trầm trọng vì khan hiếm hàng hóa, lạm phát đạt tốc độ “phi mã” và “tuột dốc” thu ngân sách do giá dầu giảm. Hồi đầu tháng 5-2018, Tổ chức Quốc tế về di cư thông báo, trong giai đoạn từ năm 2015-2017, lượng người di cư từ Venezuela (đất nước đang chịu khủng hoảng tài chính và kinh tế nặng nề) đã tăng hơn 10 lần. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, hiện có khoảng 2,3 triệu người Venezuela đã rời bỏ đất nước để thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị tại quốc gia Nam Mỹ này.

Bên cạnh những nỗ lực hồi hương người dân, chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro cũng đang triển khai những bước đi tích cực nhằm thúc đẩy nền kinh tế và đưa Venezuela thoát khỏi khủng hoảng. Mới đây, Chính phủ Venezuela đưa ra biện pháp nới lỏng hệ thống quản lý tiền tệ vốn được duy trì nghiêm ngặt trong 15 năm qua, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất. Bên cạnh đó, chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro cũng thông báo tăng mức lương tối thiểu của người lao động lên 34 lần, cho ra mắt đồng nội tệ mới có tên “bolivar chủ quyền” sau khi điều chỉnh giảm năm số 0 trên đồng tiền này, đồng thời điều chỉnh tăng thuế giá trị gia tăng và giảm trợ cấp dầu mỏ.

Mới đây, Tổng thống Nicolas Maduro đã có chuyến thăm 4 ngày tới Trung Quốc. Chuyến thăm được đánh giá tích cực với 28 thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực được hai nước ký kết. Thành công của chuyến thăm Trung Quốc lần này được cho là sẽ góp phần ổn định hoạt động sản xuất dầu khí và thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế của Venezuela.

Kế hoạch phục hồi kinh tế của Venezuela cũng nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo cấp cao và nhiều tổ chức ngân hàng quốc gia châu Á.

LONG TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>